Tranh lụa Trương Văn Ý với niềm hoài cổ đậm hồn quê

Họa sĩ Trương Văn Ý sinh ngày 12/9/1935 tại Chợ Lớn. Sài gòn. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định khóa 1957-1959. Ông cũng là giảng viên và từng có giai đoạn làm Hiệu trưởng Trường CĐ Mỹ thuật Gia định, tham gia đào tạo các thế hệ họa sĩ phía Nam trong nhiều năm.

Với những ai yêu hội họa phía Nam ở giai đoạn thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, họa sĩ Trương Văn Ý với những tác phẩm tranh lụa rực rỡ sắc mầu mang đậm hình ảnh hồn quê đất nước đã trở nên thân thuộc trong ký ức mọi người. Tạo cho mình một phong cách riêng qua từng nét bút phóng túng nhẹ nhàng, hòa sắc đậm nhạt như ảnh hưởng của lối vẽ thủy mặc phương Đông nhưng họa sĩ Trương Văn Ý đã dần từng bước tìm tòi sáng tạo, chinh phục được lối vẽ trên tranh lụa có bồi biểu phẳng phiu mà trước ông, các họa sĩ đồng nghiệp ở Mỹ thuật Gia định còn đang lúng túng trong xử lý kỹ thuật vẽ tranh lụa trên lớp vóc mềm khổ nhỏ,ít bắt mầu, đường nét mỏng, bố cục tranh khó thể hiện theo ý đồ trên lụa căng mịn.

Sở dĩ có được những thành công trên tranh lụa như ông, phải nhìn lại công việc in thạch bản đã là những trải nghiệm kỹ thuật cực kỳ lý thú trong cuộc đời họa sĩ Trương Văn Ý. Vốn là một trò yêu của họa sĩ Hiệu trưởng Lê Văn Đệ - người tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông dương ở nước ta - luôn được thày để ý kèm cặp và gợi ý hướng phát triển tài năng của chàng sinh viên trẻ có triển vọng trên tranh Lụa.Lúc mới tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật Gia định năm 1959, ông được giữ lại làm giảng viên bộ môn In ấn Thạch bản. Và không thể phủ nhận rằng, rất nhiều trải nghiệm độc đáo ở sự pha trộn kỹ thuật sử dụng mầu, dầu, nước để in các độc bản trên lụa hay giấy ở giai đoạn đã được ghi nhận ở hàng loạt tác phẩm trìu tượng tham dự Triển lãm quốc tế về hội họa tổ chức tại Sài gòn năm 1962. Sự kiện mỹ thuật quốc tế này đã khai mở nhận thức về khả năng sáng tạo mỹ thuật đề tài hiện đại, đa dạng trên lụa truyền ghống. qua nhiều tác phẩm hội họa của Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan...càng thôi thúc cho chàng họa sĩ trẻ Trương Văn Ý ấp ủ thêm những khát vọng tìm tòi sáng tạo thể hiện phong cách riêng của mình trên chất liệu lụa để vươn tới những đỉnh cao về nghệ thuật.

Trong suốt gần bốn năm 1962-1966, ông tập trung vào sáng tác những đề tài mang đậm hồn quê đất nước,đời sống thôn quê với những dáng hình thiếu nữ quen thuộc, hoặc đi sâu vào thể hiện những giá trị tinh thần đạo đức ẩn chứa ở nhiều hình ảnh quen thuộc với tâm thức người Việt như bộ tranh về “ Cầm -Kỳ - Thi - Họa “, bộ tranh “ Tứ đức “ về vẻ đẹp muôn thuở của người phụ nữ Viêt nam xưa nay “ Công - Dung - Ngôn - Hạnh “...Đặc biệt là hai bức tranh Lụa “ Tắm gội “ và “Tóc huyền “ gợi chất tình cảm và đầy sức lan tỏa mang đến cho người xem một cảm xúc về niềm ngưỡng mộ vẻ đẹp thanh tân đầy sức sống của tuổi xuân qua hình ảnh thiếu nữ chải tóc, hong nắng với suối tóc huyền chảy mềm mại,đung đưa...Dường như chất lãng mạn bay bổng theo dòng cảm xúc của sáng tạo đã khiến cho họa sĩ Trương Văn Ý có những phút thăng hoa vượt qua ranh giới của những khuôn phép lý trí của phương Đông để kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật bút pháp phương Tây khi phóng bút ở loạt tranh lụa giai đoạn này. Và Giải thưởng Lớn về tranh Lụa quốc tế năm 1966 tổ chức tại Sài gòn được dành cho tranh Lụa của họa sĩ Trương Văn Ý là sự ghi nhận hoàn toàn xứng đáng cho sự tìm tòi sáng tạo của nhiều họa sĩ thế hệ ấy luôn gắng sức lao động nghệ thuật không ngơi nghỉ khi tìm về một chất liệu truyền thống Việt nam. Họa sĩ Trương Văn Ý cũng có nhiều chuyến tu nghiệp tổ chức triển lãm tranh và trao đổi chuyên sâu về kỹ thuật hội họa cũng như về sự cải tiến phát triển cho nghệ thuật tranh lụa tại Nhật bản và Đài loan trong thời gian từ năm 1966-1973. Ông là người chịu tìm hiểu và học hỏi về kỹ thuật bồi biểu giấy hay lụa để phục vụ việc bảo tồn lâu dài cho các tác phẩm vẽ trên lụa. Đây cũng là một đóng góp đáng kể của ông với vai trò Hiệu trưởng phụ trách việc đào tạo và truyền dạy cho các thế hệ họa sĩ trẻ tại Trường CĐ Mỹ thuật Gia định sau này.

Bên cạnh những bức tranh lụa vẽ các thiếu nữ xinh đẹp theo chủ đề cổ điển về lễ nghĩa, mảng tranh lụa về đề tài truyền thống như thể hiện cảnh lễ hội thôn quê dân dã, tái hiện lại những cảnh ông đồ dạy chữ hơi hóm hỉnh, cảnh vinh quy báo tổ, trên bến dưới thuyền sông nước yên vui, nhộn nhịp đầy sống động... cũng hiện diện trong nhiều tranh lụa của họa sĩ Trương Văn Ý. Phần nào đó, cách vẽ này hợp với sự quan tâm thưởng thức của công chúng về đời sống nghệ thuật lúc này ở nước ta.

Thậm chí, có một số đề tài về tranh chân dung của họa sĩ Trương Văn Ý với một số bức tranh về các nhân vật lịch sử ông tâm đắc, dành tình cảm quý mến đặc biệt trong tâm thức mình, tranh của ông vẫn thiên về miêu tả nét cốt cách toát lên từ sự định hình về tính cách ở họ, hơn là sự diễn tả tâm tư riêng biệt như bức chân dung” Cụ Đồ Chiểu nghe đọc Lục Văn Tiên”, chân dung “nhạc sĩ Cao Văn Lầu đang đờn ca vọng cổ”, “ Nam Phương Hoàng hậu “...

Một trong những thế mạnh của tranh Lụa thường người ta hay nhắc đến tranh về phong cảnh, bởi sự mềm mại và chất loang thấm màu khi họa sĩ sử dụng dễ tạo nên sự thành công của tác phẩm. Nhưng trong số gần 200 bức tranh lụa mà họa sĩ Trương Văn Ý sáng tác hiện còn được lưu giữ, quả thực là số tranh vẽ phong cảnh của ông còn lưu lại được không nhiều so với mảng đề tài khác. Nhưng ông cũng đã ký họa được một số địa danh thiên nhiên hùng vĩ khi có dịp rong ruổi đi qua những miền đất nước đã để lại ấn tượng trong đời mình: như cảnh về dòng thác Mộng mơ của Đà lạt, sông nước kênh rạch miền Tây....

Lần đầu tiên công chúng yêu mỹ thuật thủ đô mới có được cơ hội được thưởng lãm nghệ thuật tranh Lụa của họa sĩ Trương Văn Ý khi ông được Nhà đấu giá Chọn 63 - Hàm Long đưa vào Tuần lễ trưng bày tranh Lụa hội ngộ Bắc - Nam của hai lão họa sĩ Mai Long - Trương Văn Ý như một cuộc tao phùng kỳ thú về tranh Lụa để đông đảo công chúng yêu nghệ thuật có dịp được chiêm ngắm cơ hội hiếm hoi thú vị này !

Một số bức tranh lụa của họa sĩ Trương Văn Ý của các nhà sưu tập tranh xứ Bắc sẽ ra mắt trong dịp Tuần lễ trưng bày tranh tạo Nhà đấu giá Chọn từ ngày 2-9/8/2019.

Trương Nhuận

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tranh-lua-truong-van-y-voi-niem-hoai-co-dam-hon-que-70777