Tranh luận tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu

Mức tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh cho thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng mà Bộ Tài chính mới đề xuất vấp phải sự phản đối của nhiều người.

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo Bộ Tài chính, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đã nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng (quy định hiện hành là 9 triệu đồng). Mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (quy định hiện hành là 3,6 triệu).

Ngày 2/3/2020, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng mà Bộ Tài chính đề xuất là quá thấp. PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP HCM phân tích, cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng.

"Đây là cách làm đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm", ông Bảo nói và cho rằng, một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người lại được tính toán và hoạch định giản đơn hơn bài toán thống kê của sinh viên năm nhất. "Thế thì tính trách nhiệm, độ chính xác và vị dân nằm ở đâu", ông Bảo hỏi.

Theo vị này, dưới góc độ chuyên môn, khi lấy giá trị của một hàng hóa điều chỉnh theo CPI là để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại. Nói đơn giản, giả sử bữa cơm của một gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi.

Giá cả hàng hóa liên tục "leo thang" trong khi mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất vẫn quá thấp.

Với cách tiếp cận vấn đề của Bộ Tài chính, ông Bảo thắc mắc, lẽ nào sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được "tí rau tí thịt".

Do đó, theo ông Bảo, nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập.

Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích lũy là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu nhân 155%).

Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu một người (3,6 triệu nhân 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Nhưng theo ông Bảo, tốt nhất, ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, mức tăng ngưỡng giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là quá thấp, không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời.

“Lẽ ra khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% là phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng hiện CPI đã tăng hơn 23% mới điều chỉnh, như vậy là không có lợi cho người tiêu dùng”, PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định.

Theo ông Long, việc áp dụng cách tính bất hợp lý như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố về giá tăng thì nhu cầu đời sống của người dân càng ngày càng tăng, vì thu nhập tăng, đời sống cũng lên cao. Do đó, ngoài yếu tố giá, phải tính theo biến động của nhu cầu đời sống người dân lên cao. Đòi hỏi mức miễn trừ gia cảnh phải tăng lên.

“Nguyên tắc trong chính sách thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thể tạo ra nguồn thu mới, không nên tận thu. Phải tính toán cụ thể, không thể chỉ căn cứ theo mức tăng của chỉ số giá rồi nâng lên thì chưa đủ.

Để tính mức miễn trừ gia cảnh còn có 1 số yếu tố khác ngoài yếu tố giá. Đời sống tinh thần hiện đã nâng lên nên phải có các khoản miễn trừ khác để người dân có thể hưởng thụ đời sống”, ông Ngô Trí Long khuyến cáo.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng bởi nếu không sẽ có thể khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể hiện nay nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng nên đi theo hướng này.

“Mức thu nhập để tính thuế nên chia thành từng vùng, miền khác nhau, ở thành thị khác, nông thôn khác, vì mức sống ở Hà Nội khác với mức sống ở nông thôn”, PGS. TS. Ngô Trí Long kiến nghị.

Còn theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh là để áp dụng cho tương lai, tức 5 - 7 năm tới.

Trong khi đó, Bộ Tài chính dựa trên chênh lệch giữa chỉ số giá từ tháng 7/2013 đến cuối năm 2019 để đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới nên chưa áp dụng đã lạc hậu, người nộp thuế phải chịu thiệt vì mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp diễn biến thực tế.

Do đó, theo ông Xoa, nên giãn các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời áp dụng cách tính giảm trừ theo mức lương cơ sở để khi điều chỉnh lương, mức giảm trừ cũng tự động tăng theo. "Điều này sẽ thể hiện được tinh thần khoan sức dân, thay vì điều chỉnh theo kiểu đối phó hiện nay" - ông Xoa nói.

Ngọc Mai(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/tranh-luan-tang-nguong-giam-tru-gia-canh-len-11-trieu-3397866/