Tranh luận về yêu cầu doanh nghiệp phải ghi lại hành trình lái xe làm việc

Dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được Bộ GTVT trình Chính phủ trong đó có điều khoản doanh nghiệp phải ghi lại hành trình lái xe làm việc. Việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo Bộ GTVT, có khoảng 340.000 xe sẽ phải thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình.

Gắn camera là rất cần thiết

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau 2 năm soạn thảo. Một trong những điểm nhấn của Nghị định là điều khoản quy định phải lắp thiết bị ghi lại hành trình làm việc của lái xe ôtô (Điều 12). Cụ thể, từ năm 2022, lắp thiết bị ghi hình đối với xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ 09 chỗ trở lên; từ năm 2023 đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container; từ năm 2024 đối với xe có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và từ năm 2025, đối với xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 09 chỗ. Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình phải bảo đảm các yêu cầu lưu giữ thông tin như: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe, thời gian làm việc của lái xe trong ngày...

Ngay sau khi dự thảo Nghị định này được trình Chính phủ, dư luận đã có những ý kiến tranh luận. Có ý kiến cho rằng, việc lắp đặt thiết bị ghi lại hành trình của lái xe là tốn kém, không khả thi. Bởi việc làm này đã từng gây xôn xao dư luận nhiều năm trước đó và cho đến nay, số lượng các vụ tai nạn giao thông vẫn không thuyên giảm. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ. Trước tình hình tai nạn giao thông ngày càng tăng, việc lắp đặt camera ghi lại hình ảnh làm việc của tài xế là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải với tính mạng khách hàng, mà còn là trách nhiệm với cả xã hội.

Ông Nguyễn Văn Bạch (66 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ cách làm này. Dẫu biết là tốn kém nhưng lắp đặt camera ghi lại quá trình tài xế làm việc là rất cần thiết. Việc làm này không chỉ giảm tải vấn đề tai nạn giao thông đối với các tài xế, mà còn thể hiện trách nhiệm của tài xế với xã hội. Việc làm này cũng được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Ví dụ như Singapore, ai đã từng đi xe tour, xe khách hay xe buýt ở nước này thì sẽ thấy điều đó”.

Bà Nguyễn Thị Trúc (44 tuổi, ở TP Việt Trì, Phú Thọ) khẳng định: “Đáng lẽ phải quy định từ lâu. Thiết bị ghi lại hành trình của tài xế không những là bằng chứng để cảnh sát giao thông kiểm tra lộ trình, xử phạt hành vi vi phạm nguội, mà còn có giá trị chứng minh có lỗi hoặc ngoại phạm khi xảy ra tai nạn. Tiến tới, cần áp dụng quy định này với tất cả các phương tiện cơ giới đường bộ”.

Nhiều người đưa ra quan điểm rằng, khi lắp camera để theo dõi, giám sát thì hành động, lời nói của tài xế sẽ được kiểm soát hơn. Đồng thời, việc lắp camera khiến người tham giao thông tuân thủ quy định giao thông hơn. Chính vì vậy, không có lý do gì phải chờ đến năm 2022 - 2025, mà cần áp dụng trong thời gian sớm nhất có thể. Đơn cử như áp dụng luôn đối với xe mới đăng ký kinh doanh bắt đầu từ năm 2019 trở đi, còn xe đang kinh doanh thì chuyển đổi dần dần trong 2- 3 năm tới.

Gắn thiết bị ghi hình chỉ là điều kiện đủ?

Theo Bộ GTVT, hiện nay, có khoảng 340.000 xe sẽ phải thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh, ghi nhận hoạt động của lái xe. Uớc tính tổng chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng/năm, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Trước thông tin trên, ông Hoàng Văn Bảy (60 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) thẳng thắn: “Chi phí trên không là gì so với tính mạng người dân. Song, gắn camera chỉ là điều kiện cần, đáp ứng điều kiện đủ thì phải nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Tạo đường xá thông thoáng hơn, lập lại trật tự hệ thống biển báo để không bị che khuất, trang bị thêm thiết bị đo nồng độ cồn... Những việc này khiến người lái xe có tâm lý thoải mái, chạy đúng luật và không đối phó với cảnh sát giao thông”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải TM&DV Đất Cảng cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp đặt camera giám sát là gây lãng phí nhưng thực tế, hầu hết các chi phí đều do doanh nghiệp tự chi trả. Ở góc độ là đơn vị doanh nghiệp vận tải, tôi ủng hộ quy định này và thấy rằng, cần thiết phải áp dụng. Bởi việc lắp đặt thiết bị giám sát không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hành khách, mà còn là trách nhiệm với toàn xã hội. Đây cũng là phương tiện thiết thực để doanh nghiệp tự giám sát các hoạt động của mình, tạo “sân chơi” công bằng cho các doanh nghiệp vận tải. Nhất là thực trạng “xe dù, bến cóc”, cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay”.

Đáng chú ý là thực tế hiện nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chỉ mang tính đối phó, không ít thiết bị giám sát bị mất tín hiệu hay hết hạn đóng phí duy trì đường truyền dữ liệu (server). Trong khi nhà xe thường để đến lúc đi đăng kiểm mới phục hồi lại, thậm chí là thiết bị không hoạt động. Ngoài ra, cần công khai biểu dương những doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm chỉnh quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Thực tế hiện nay, quy định đưa ra gần như chỉ để “đối phó”, “đánh trống bỏ dùi”. Bởi có đến 40 - 50% số lượng các doanh nghiệp vận tải còn thờ ơ với các hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Chính vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Đơn cử là phải đáp ứng được các câu hỏi: Ai quản lý hoạt động của camera? Camera không hoạt động thì doanh nghiệp cần có trách nhiệm ra sao?...”.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tranh-luan-ve-yeu-cau-doanh-nghiep-phai-ghi-lai-hanh-trinh-lai-xe-lam-viec-20180808204131838.htm