Tranh luận vì cụm từ 'bị tàu đâm'

Một cán bộ chuyên trách ATGT cho rằng: Tàu hỏa đâm ô tô! Những tít bài dạng này quen quá. Tuy nhiên, vấn đề là người tiếp nhận thông tin sẽ có xu hướng cảm nhận là tàu hỏa sai, tàu hỏa xấu...

Vụ tai nạn đường sắt xảy ra trước số nhà 302 đường Lê Duẩn, Hà Nội

Liên tiếp hai vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở Hà Nội được báo chí đưa tin kịp thời. Trong đó, một vụ tàu hỏa va chạm xe tải ở Yên Nghĩa, quận Hà Đông và một vụ xảy ra trước số nhà 302 đường Lê Duẩn, Hà Nội.

Hai vụ tai nạn khiến nhiều người bị thương, một người tử vong. Trên tít các bài báo đăng tải hầu hết dùng cụm từ “tàu hỏa đâm ô tô”, “tàu hỏa tông người đi bộ tử vong”.

Bình luận về chuyện này, một cán bộ chuyên trách ATGT cho rằng: “Tàu hỏa đâm ô tô! Những tít bài dạng này quen quá. Phóng viên quen dùng, báo quen đăng, người đọc quen mắt, thính giả quen tai”.

Tuy nhiên, vấn đề là người tiếp nhận thông tin sẽ có xu hướng cảm nhận là tàu hỏa sai, tàu hỏa xấu, tàu hỏa hung ác. Trong khi thực tế hầu hết các TNGT đường sắt là do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định an toàn, vượt đường ngang khi không được phép, dẫn đến tai nạn!”.

Nhiều người khác lại cho rằng, dù bản chất sự việc là các phương tiện khác xâm phạm vào đường riêng dành cho đường sắt nhưng hầu hết là bị tàu tông phải chứ không tự đâm vào tàu nên dùng từ “tàu đâm” không sai.

Bạn đọc Hoàng Anh bình luận dưới bài viết “Đi bộ qua đường sắt khi tàu đến: Một thanh niên tử vong” trên Báo Giao thông: “Tít bài báo này khác hẳn các bài báo khác tôi từng đọc. Nó cảnh báo mọi người phải đi đúng luật, vô tư đi sai luật, thiếu quan sát, tranh chấp đường với tàu hỏa thì nguy cơ mất mạng là rất cao. Là một tờ báo chuyên về giao thông, tôi đồng tình với quan điểm này của tòa soạn”.

Bạn đọc Quốc Cường phản biện: “Dân trí giờ cao rồi, không cần phải dài dòng, bản chất vẫn là bị tàu đâm thiệt mạng. Người đọc tự khắc hiểu, ai biết rút kinh nghiệm thì tốt cho người đó, ai không nhận thức được phải chịu”.

Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được nhiều sự đồng tình. Bạn đọc Hoàng Hà viết: “Tàu đi trên đường độc đạo, tốc độ và trọng tải lớn nên khi thấy người, phương tiện khác chắn đường cũng không phanh kịp. Như vậy, đương nhiên cái ta nhìn thấy là họ bị tàu đâm nhưng bản chất sự việc phần lớn là do các phương tiện khác chủ quan, thiếu quan sát. Nếu cứ đặt tít tàu đâm chết người thì không giúp thay đổi nhận thức của mọi người về Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt”.

Camera giám sát hành trình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tranh-luan-vi-cum-tu-bi-tau-dam-d274311.html