Tranh luận việc bỏ hay giữ cơ quan thanh tra cấp huyện

Chiều 13-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có duy trì cơ quan thanh tra cấp huyện hay không?

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, dẫn lại các ý kiến đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện do nhu cầu thanh tra ở cấp này ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế; nếu bỏ thì giảm được hơn 1.400 người giữ chức danh chánh thanh tra, phó chánh thanh tra huyện, tiết kiệm ngân sách… Theo bà Hà, những nhận định trên là “chưa sâu sát”.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh). Ảnh; QH

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh). Ảnh; QH

Bày tỏ quan điểm cần thiết giữ nguyên mô hình thanh tra cấp huyện, bà Hà đề nghị khảo sát làm rõ “có bao nhiêu người trong số hơn 700 chủ tịch UBND huyện trong cả nước nói không cần thiết thanh tra cấp huyện”.

Nữ ĐB nhận xét thanh tra cấp huyện là những người nắm bắt tình hình sát thực nhất, do vậy, nếu không có thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn?

“Nếu chuyển nhiệm vụ này cho thanh tra tỉnh thì khi đó thanh tra tỉnh ngoài chức năng là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh, lại giúp việc cho cả UBND cấp dưới, liệu có ổn không?”- bà Hà đặt vấn đề.

Theo bà Hà, hàng năm thanh tra cấp huyện thực hiện ít cuộc thanh tra vì còn phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh, giúp UBND cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bỏ thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện “đánh bùn sang ao”.

Mặt khác, khi bỏ thanh tra cấp huyện, chuyển nhiệm vụ cho thanh tra tỉnh thì phải tăng biên chế cho thanh tra tỉnh, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề khác như gia tăng chi phí đi lại; mối quan hệ công tác giữa thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra huyện trong xử lý cán bộ cấp huyện là đảng viên như thế nào?...

Đồng tình việc duy trì thanh tra cấp huyện, tuy nhiên Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Có phải huyện nào cũng cần cơ quan thanh tra?

ĐB Trương Xuân Cừ (Hà Nội). Ảnh:QH

Theo ông Cừ, trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, TP thuộc TP và thị xã “khác biệt rất xa” so với nhiều huyện miền núi, cả về quy mô, tính chất trong công tác quản lý nhà nước...

“Một quận ở Hà Nội thu (ngân sách) năm 2021 là 12.000 tỉ đồng, trong khi một huyện miền núi thu trên địa bàn chỉ 15 tỉ. Khác biệt rất lớn”- ông Cừ dẫn chứng.

Thậm chí, ĐBQH đoàn Hà Nội còn cho rằng có quận, huyện, TP sau 10, 20 năm nữa có thể tiến tới thành lập cả thanh tra cấp phường, vì 1m2 đất hàng tỉ đồng, công tác quản lý ở các lĩnh vực nảy sinh các vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, nếu huyện nào cũng thành lập cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra là cấp xã lại là vấn đề khác.

“Năm 2016, tôi đến một xã, thu ngân sách của xã được huyện giao là 14 triệu/năm. Thanh cái gì, nói thật với các đồng chí”- ông Cừ nói thêm và đề nghị với huyện nghèo và cận nghèo thì cân nhắc thành lập cơ quan thanh tra.

“Thành lập một phòng ít nhất phải có ba người, phải có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và chuyên viên. Trong khi, các phòng, ban khác lo về xóa đói giảm nghèo, lo vấn đề dân sinh thì đầu tắt mặt tối”- ông Cừ nêu ý kiến.

Không đồng tình, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An Ninh Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) giơ biển tranh luận. ĐB này cho rằng cần đánh giá thật kỹ việc lấy tiêu chí “thu ngân sách” để xem xét tổ chức thanh tra cấp huyện hay không?

ĐB Trịnh Xuân An. Ảnh: QH

Ông An lưu ý nguyên tắc nơi nào có quản lý nhà nước, nơi đó có thanh tra và cấp huyện là cấp quản lý nhà nước. Do vậy, việc có cơ quan thanh tra cấp huyện là hợp lý.

“Cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra mà còn thực hiện nhiệm vụ khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường trực của cơ quan phòng chống tham nhũng…”- ĐB Đoàn Đồng Nai nói.

Giải trình nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của thanh tra huyện. Đồng thời tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-luan-viec-bo-hay-giu-co-quan-thanh-tra-cap-huyen-post684475.html