Tranh luận việc Kiểm toán Nhà nước 'bị đẩy ra ngoài' Luật Quản lý thuế

Thảo luận tại hội trường chiều 15/11 về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chia sẻ ông thực sự 'ngạc nhiên' về phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc về việc trong dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi), Kiểm toán Nhà nước 'bị đẩy ra ngoài'.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Theo ông Nhân, bối cảnh thuế khoán còn chưa siết chặt để chống thất thu, còn tồn tại hạn chế trong quản lý thuế chưa được khắc phục, vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng trầm trọng, bất cập trong công tác cổ phần hóa chưa được khắc phục… đã cho thấy bất cập trong các cơ quan chức trách khi thực hiện nhiệm vụ.

“Tôi không hiểu vì sao ở dự thảo luật chính thức lại thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quanK toán Nhà nước như vậy, như là bị ‘đẩy ra’. Thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán như vậy là chưa thận trọng, chưa toàn diện cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn” – ông Nhân đánh giá và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu tỉnh Bình Dương phân tích việc cơ quan thuế mới thanh tra được 18% các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng nghĩa với 82% còn lại vẫn “khoảng trắng” chưa được kiểm tra phát hiện. Điều cần phải làm lẽ ra là rà soát, bổ sung các cách thức để siết chặt các lỗ hổng thay vì hạn chế, thu hẹp các chủ thể có chức năng thanh tra, kiểm toán, làm trong sạch môi trường quản lý thuế.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, chống thất thu ngân sách, vì thế việc xây dựng dự thảo như trên của Bộ Tài chính là “cố tình” tự mang trên mình một gánh nặng, hoặc có lý do khác. Ông đề nghị giữ nguyên như dự thảo khi xin ý kiến các bộ, ngành địa phương trước đây.

Giải trình làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập đến vấn đề quyền hạn của cơ quan thanh tra và kiểm toán.

Bộ trưởng Tài chính đánh giá cơ quan quản lý thuế, hải quan thực hiện rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải tự tính, tự khai tự nộp, quản lý rủi ro, còn hàng năm cơ quan thuế kiểm tra 18-20% số lượng doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích tiêu chí rủi ro để lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra.

Bộ trưởng Tài chính dẫn số liệu qua thanh tra, kiểm tra năm 2017 xử lý 55.000 tỷ đồng, thu ngân sách 16.000 tỷ đồng, xử lý giảm lỗ 37.000 tỷ đồng.

Cho biết cơ bản là đồng thuận nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nêu thực tế có trường hợp người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng nên kiện lên cơ quan thuế, nhưng ông đề nghị ai kết luận thì người đó phải giải trình trước tòa (nếu ra tòa).

Ông Dũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát về vấn đề này để làm sao đảm bảo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi cho thanh tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật, tránh chồng chéo, đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế.

Ông Hồ Đức Phớc bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế.

“Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế” – Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn.

Dẫn ví dụ đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc danh 2 năm vừa rồi, ông Hồ Đức Phớc cho biết thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế.

Riêng kiểm toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017 là hơn 1.496 tỷ đồng, vừa rồi kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP. HCM, Kiểm toán cũng kiến nghị truy thu 1.749,5 tỷ đồng. Đối chiếu 4 quận ở TP. HCM có 658 khu đất không lập có thu. Riêng quận 1, sau khi kiểm toán kiến nghị thì Chi cục thuế của quận lập tức đôn đốc và lập nguồn thu 283,3 tỷ đồng.

“Kiểm toán nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán, không chỉ chi tiêu công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình” – Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định và nói thêm rằng “đụng” vào doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó đều ý kiến nhưng khi kiểm tra trở lại thì có doanh nghiệp đề nghị được nộp thuế mà không bị xử phạt.

Bình An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tranh-luan-viec-kiem-toan-nha-nuoc-bi-day-ra-ngoai-luat-quan-ly-thue-20180504224216110.htm