Tranh luận xử lý nước Tô Lịch: Nhật Bản phản pháo TP.HCM

Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định Sở TNMT TP.HCM đang hiểu sai về công nghệ xử lý nano-bioreactor.

Giữa tháng 8/2019, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã có thông tin phản pháo lại những nhận định của Sở TN&MT TP. HCM về công nghệ xử lý nước thải mà Công ty JVE (Nhật Bản) đang thử nghiệm tại một đoạn sông Tô Lịch - TP. Hà Nội.

Theo tổ chức của Nhật Bản, Sở TNMT TP. HCM đang hiểu sai về việc cung cấp bọt khí oxi của công nghệ nano-bioreactor khi ngưng cung cấp điện.

Tổ chức này cho biết, công nghệ xử lý nano-bioreactor có nhiều nguồn tạo ra oxi, là điện và hệ thống máy. Chính vì thế, khi ngưng cung cấp điện thì công nghệ này có thể vận hành hệ thống máy để tạo ra oxi, đảm bảo hàm lượng hòa tan trong nước.

Ngoài ra, công nghệ xử lý nano-bioreactor còn một yếu tố tạo ra oxi “vô tận” nằm ở phát minh thứ 2 là tạo ra oxi từ nước bởi hoạt động của các tấm vật liệu thiên nhiên bioreactor không phải dùng điện.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm công nghệ xử lý nano-bioreactor tại sông Tô Lịch.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm công nghệ xử lý nano-bioreactor tại sông Tô Lịch.

Về khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm, tổ chức của Nhật Bản cho biết, công nghệ sục khí nano tạo ra các gốc hydroxyl (*OH) hay đơn giản gọi là OH- còn có khả năng oxi hóa mạnh hơn cả O3, H2O2.

Về vấn đề kích hoạt vi sinh vật, theo tổ chức này, công nghệ nano kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, công nghệ bioreactor là giá thể để kích hoạt chủ yếu vi sinh vật yếm khí (có thêm một phần vi sinh vật thiếu khí và hiếu khí).

Về đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor, tổ chức của Nhật Bản cho rằng công nghệ nano-bioreactor có nhiều ưu điểm hơn.

Cụ thể, sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước H2O thì dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục hàng ngày nhưng sẽ được xử lý ngay trong ngày, mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu.

Trước đó, Sở TNMT TP. HCM có văn bản gửi UBND TP. HCM cho biết, Công ty JVE từng đề xuất xử lý nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 bằng công nghệ nano-bioreactor.

Tuy nhiên, Sở TNMT TP. HCM cho rằng đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị nano-bioreactor là chưa có cơ sở vì ngay cả các nước tiên tiến (kể cả Nhật Bản là nơi xuất xứ công nghệ) cũng đang sử dụng các trạm xử lý nước thải.

Theo Sở TNMT TP. HCM, công nghệ xử lý nano-bioreactor có nhiều nhược điểm và TP. Hà Nội đang tiến hành thử nghiệm nên cần cần chờ đợi kết quả thử nghiệm với các số liệu cụ thể.

Bên cạnh đó, tổ chức tham quan thực tế và tiếp cận các số liệu quan trắc để có thể đánh giá một cách khách quan hơn.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tranh-luan-xu-ly-nuoc-to-lich-nhat-ban-phan-phao-tphcm-3385862/