'Tránh 'mật hóa' văn bản để bưng bít thông tin'

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đã nói như vậy khi cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại buổi thảo luận tổ chiều 13.11.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) - Ảnh: QH

Cho ý kiến vào dự án luật, Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng, thực tiễn lộ lọt bí mật Nhà nước, quốc gia, quốc phòng an ninh diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng luật là cần thiết.

Về phạm vi điều chỉnh, theo đại biểu, trên thực tế danh mục bí mật ở một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả tài liệu nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam. Do đó, nên mở rộng phạm vi sang tài liệu bí mật mà tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam.

Liên quan đến hành vi bị cấm, Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho rằng, hiện nay do hạn chế nhận thức về bảo vệ bí mật nhà nước và do nhiều lý do khác nhau nên có tình trạng cá nhân, tổ chức tùy tiện mang tài liệu bí mật ra ngoài.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng quy định để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hóa” văn bản để bưng bít thông tin.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành lập danh mục bí mật nhà nước. Bởi, với 63 tỉnh, thành thì có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng độ mật lại khác nhau tùy thuộc đánh giá của mỗi địa phương, như nơi này “Mật” nhưng nơi kia lại “Tối mật” gây nên sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ lợi dụng bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn” – Đại biểu Hùng nói.

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP HCM) cho rằng nhiều khái niệm trong dự thảo luật còn khá định tính, phạm vi “Mật” còn quá rộng, dẫn đến việc lẽ ra nhiều thông tin có thể cung cấp rộng rãi bị đóng dấu “Mật”.

Đại biểu Dương Ngọc Hải nói: “Tôi cho rằng việc giải thích từ ngữ phải rất kỹ, rất thận trọng. Đồng thời, cũng cần giải thích những căn cứ để quy định thời gian bảo vệ bí mật nhà nước (30 năm với tuyệt mật, 20 với tối mật, 10 với mật – PV), thời hạn gia hạn là bao nhiêu, có thể gia hạn bao nhiêu lần, có những thứ có thể có thời gian bảo mật lâu hơn, thậm chí vĩnh viễn không công bố rộng rãi…”.

ĐB Dương Ngọc Hải cũng yêu cầu Chính phủ phải công bố nghị định hướng dẫn để trình kèm theo đúng quy trình xây dựng pháp luật.

Xuân Hải - Đức Thành

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tranh-mat-hoa-van-ban-de-bung-bit-thong-tin-575865.ldo