Tránh mỗi nơi một kiểu!

Trước sự lên ngôi của du lịch trực tuyến và xu hướng sử dụng giải pháp không chạm của du khách, chuyển đổi số đang trở thành lựa chọn của nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, quá trình này cần được thống nhất để tiết kiệm chi phí, thuận lợi cho việc nghiên cứu và xúc tiến thị trường.

Cần bộ tiêu chuẩn chung

Quá trình chuyển đổi số ngành du lịch được các chuyên gia đánh giá chưa thống nhất và thiếu tính đồng bộ, mạnh ai nấy làm. Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp giải pháp số, ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc Công ty VietISO, cho biết thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp rất cố gắng chuyển đổi nhưng do không có hệ thống tiêu chuẩn nên mỗi nơi làm một cách. “Ðiều này dẫn đến cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, khiến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn”.

Hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ sẽ tạo thuận lợi cho du khách khi tiếp cận. Ảnh: Hoàng Lân

Hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ sẽ tạo thuận lợi cho du khách khi tiếp cận. Ảnh: Hoàng Lân

Theo ông Tâm, cơ quan quản lý về du lịch cần có hướng dẫn về bộ tiêu chuẩn chung cho chuyển đổi số du lịch như cách ngành thuế, hải quan... để các đơn vị có thể liên thông khi đã có sẵn nguồn dữ liệu, thuận lợi trong khai thác sử dụng.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, chuyển đổi số du lịch đang được quan tâm, nhưng phần lớn nhân lực vẫn quen cách làm truyền thống. Do đó, cần thay đổi nhận thức và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số cho đội ngũ nhân lực. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng cần hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số, chẳng hạn cơ quan trung ương đảm nhận phần việc nào, địa phương cần làm gì, nội dung nào thực hiện trước… để tạo sự thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh mỗi nơi ra một ứng dụng, vừa lãng phí vừa bất tiện cho du khách.

Phát triển các ứng dụng hiện đại

Mong muốn thông qua triển khai các nội dung chuyển đổi số, ngành du lịch sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, ông Bùi Văn Mạnh đề nghị, cần tập trung cho công tác thống kê du lịch, phát triển các ứng dụng hiện đại, hướng dẫn viên ảo, song song với việc tổ chức tập huấn đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng hoạt động chuyển đổi số.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, số hóa các dữ liệu, số liệu thống kê du lịch là yếu tố quan trọng để nghiên cứu và xúc tiến thị trường. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin để định hướng các hoạt động. Đối với các điểm di tích, chuyển đổi số chính là triển khai vé điện tử thay vé giấy truyền thống. Trong khi đó, "ứng dụng công nghệ tại bảo tàng sẽ mang lại nhiều tác động trong phát huy giá trị di sản, quảng bá sản phẩm để thu hút du khách; như thế cần có chuẩn mực chung để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tại hệ thống các bảo tàng”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh bổ sung.

Các doanh nghiệp như Vietravel, Vinpearl, Saigontourist, Flamingo Redtours… cho biết đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số với các ứng dụng hiện đại nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh. Các đơn vị bày tỏ mong muốn hợp tác, đồng hành trong quá trình triển khai chuyển đổi số ngành du lịch.

Cần sự vào cuộc chủ động, tích cực

Trong quá trình chuyển đổi số, các đơn vị cần có sự chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ. Tổng Giám đốc Hanoi Tourism Nhữ Thị Ngần cho biết, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để chuyển đổi số. Doanh nghiệp có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ số hay không chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến hiệu quả, nếu không, công nghệ có thể trở thành chiếc áo quá rộng với doanh nghiệp.

Thực tế, hoạt động lữ hành được kết nối bởi nhiều công đoạn, để xây dựng quy trình chuyển đổi số từ đầu đến cuối là cả vấn đề. Nếu chỉ chuyển đổi số từng phần, việc quản lý dễ bị chắp vá, phải xử lý thủ công. Vì thế, muốn chuyển đổi số chủ động, tích cực và hiệu quả, doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng về tài chính để đủ duy trì và nâng cấp hệ thống liên tục, có phương án dự phòng rủi ro cùng đội ngũ nhân sự bảo đảm vận hành đúng kỹ thuật.

Theo nhiều doanh nghiệp, để hỗ trợ chuyển đổi số du lịch, các cơ quan quản lý có thể chia nhỏ các nhóm doanh nghiệp theo quy mô, tính chất khác nhau, từ đó giúp định hướng những nhóm ứng dụng phù hợp; đồng thời tổ chức đào tạo tập trung, chuyên sâu cho đội ngũ nhân lực từng lĩnh vực như lữ hành, điểm đến, lưu trú để có thể tiếp cận các ứng dụng, phần mềm, biết cách vận hành phù hợp. Ðiều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, không phải tự mày mò, tìm kiếm giải pháp mà có thể ứng dụng ngay... “Việc phân tích toàn diện các khía cạnh của chuyển đổi số, trong đó có chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, để đánh giá hiệu quả chuyển đổi số đối với tăng trưởng du lịch cũng nên triển khai sớm nhằm định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho hay.

Tổng cục Du lịch đang phát triển một số nền tảng số căn bản, gồm: trục liên thông hệ thống thông tin từ trung ương đến cơ sở phục vụ quản lý nhà nước; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số. Đồng thời, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch…

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/tranh-moi-noi-mot-kieu--i293286/