Tránh nguy cơ độc quyền giống cây trồng: Cần gỡ vướng Luật Trồng trọt

Lợi dụng kẽ hở và sự mâu thuẫn giữa Luật Trồng trọt với Luật Sở hữu trí tuệ, một số đơn vị đã chiếm dụng giống cây trồng xã hội hóa nhưng không được bảo hộ để làm 'của riêng' nhằm tăng giá, thu lợi bất chính…

Cần xem xét lại một số quy định trong Luật Trồng trọt.

Cần xem xét lại một số quy định trong Luật Trồng trọt.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phía Bắc vừa có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Trồng trọt đề nghị xem xét, tháo gỡ một số nội dung liên quan tới khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt.

VƯỚNG MẮC VÌ NHỮNG QUY ĐỊNH

Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, thay thế Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Để thực thi Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, trong đó Nghị định số 94/2019/NĐ “Quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác”.

Theo quy định tại Nghị định 94, các doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh bất cứ giống cây trồng nào thì cũng phải thực hiện khảo nghiệm và được cấp quyết định lưu hành đối với giống cây trồng đó. Bộ Nông nghiệp đưa ra thời hạn đến thời điểm ngày 22/4/2023, nếu giống cây trồng nào chưa có quyết định lưu hành, thì doanh nghiệp sẽ không được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Tuy nhiên, trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp nêu rõ, nhiều tháng qua, doanh nghiệp luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an bởi vụ hè thu và vụ mùa đã đến gần nhưng việc thực hiện Luật Trồng trọt vẫn đầy rẫy những mâu thuẫn với Luật Sở hữu trí tuệ. Nội dung băn khăn, lo lắng ở đây chủ yếu xoay quanh vấn đề những bất cập, mâu thuẫn của Luật Trồng trọt với các luật khác và các văn bản hướng dẫn luật.

Theo các doanh nghiệp giống cây trồng, rất nhiều giống lúa, giống ngô không được bảo hộ nằm trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh, như các giống lúa Xi21, Xi23, CR203, Q5, Khang dân, Hương thơm, Bắc thơm 7, Nếp 97, Ải 32, ĐV-108,… các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Sán ưu…, giống ngô LVN-10… Trước hết, phải khẳng định rằng tất cả những giống nêu trên đều thuộc nguồn lực của Nhà nước, vì chúng được nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội… bởi các viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

“Những giống này đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh một thời gian dài, ngắn nhất cũng đã có thời gian 20 năm, được đông đảo các doanh nghiệp ngành giống khuyến cáo sản xuất, kinh doanh nhiều năm trên hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện tại, đây vẫn là các loại giống chủ lực của sản xuất và có thể nói đây là những giống đã được xã hội hóa”, đơn kiến nghị nêu rõ.

Theo tinh thần của Luật Trồng trọt, tất cả những giống cây trồng xã hội hóa không được bảo hộ này đều phải gia hạn quyết định công nhận lưu hành mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, những giống chưa được gia hạn quyết định công nhận lưu hành theo Luật Trồng trọt thì không được sản xuất kinh doanh. Những giống đó còn đang tồn kho bảo quản, đang trong quá trình sản xuất thì xử lý thế nào? (những giống này các công ty đã phải tổ chức chọn lọc dòng từ những vụ trước). Nông dân các vùng miền hiện có nhu cầu rất lớn lấy đâu ra giống để sản xuất? Hàng loạt các doanh nghiệp giống mất việc làm, phải giải thể, lực lượng lao động biết đi đâu, làm gì?

CẦN CÓ GIẢI PHÁP THÁO GỠ NGAY

Nếu hiểu theo tinh thần của Luật Trồng trọt và nghị định liên quan thì những giống đã được tổ chức, cá nhân gia hạn quyết định lưu hành, bao gồm cả giống được bảo hộ và giống không được bảo hộ, theo tinh thần của khoản 1, Điều 31 Luật Trồng trọt, thì chỉ họ duy nhất có quyền được lưu hành (quyền sản xuất kinh doanh) hoặc ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác lưu hành.

Các doanh nghiệp cho rằng điều này là trái ngược hoàn toàn với giống được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, giống không được bảo hộ cũng có quyền như giống được bảo hộ, vậy thì giống được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ có ý nghĩa gì?”.

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại, ngoài những tổ chức, cá nhân chân chính, còn có những tổ chức, cá nhân giành giật để được đăng ký gia hạn quyết định lưu hành, để họ được độc quyền sản xuất kinh doanh như giống đã được bảo hộ. Các doanh nghiệp khác muốn được sản xuất kinh doanh hàng năm phải xin phép các doanh nghiệp đã có quyết định lưu hành. Nhưng khi các doanh nghiệp xin phép thì họ làm khó doanh nghiệp, đưa ra hàng loạt các yêu cầu có thể nói là rất vô lý. Có cả những yêu cầu không thuộc thẩm quyền của họ và đưa ra mức giá ủy quyền không thể chấp nhận được.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tranh-nguy-co-doc-quyen-giong-cay-trong-can-go-vuong-luat-trong-trot.htm