Tránh phân bổ vốn theo cảm hứng

Đừng nghe họ nói ngọt

(Cadn.com.vn) - Phải thẩm định kỹ năng lực nhà đầu tư trước khi cấp phép, khi phân bổ vốn đầu tư cơ bản phải tính tới hiệu quả, chứ không phải theo cảm hứng, bị tác động bởi yếu tố “xin cho”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã nhấn mạnh các nội dung trên tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư hôm 7-9.

Hệ lụy của việc thẩm định năng lực nhà đầu tư không tốt dẫn tới nhiều dự án ở Đà Nẵng sau khi cấp phép chủ đầu tư chây ì, không triển khai, đẩy TP vào thế khó, muốn thu hồi thì... vướng đủ thứ. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Thanh nói, do vướng Luật đầu tư nên việc xử lý các dự án chậm triển khai rất khó. Ông Thanh đề nghị TP cân nhắc năng lực tài chính của nhà đầu tư, cân nhắc cấp phép các dự án vì quỹ đất TP không còn nhiều, tránh tình trạng cấp phép rồi chuyển nhượng, như khu CNTT tập trung, một số dự án ở Trung tâm TP và cả sân vận động Chi Lăng...

Cùng quan điểm, bà Phan Thúy Linh- Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát lại nhiều dự án cam kết ràng buộc của nhà đầu tư với TP thiếu tính chi tiết, ràng buộc, thường chung chung theo từng giai đoạn. Vì thiếu cam kết chi tiết mang tính ràng buộc nên khi dự án chậm hoặc không triển khai thì TP không thu hồi được, vướng chỗ này, chỗ kia. Để chọn lọc nhà đầu tư, tránh tình trạng đầu cơ đất, không triển khai dự án, thì đề xuất được đưa ra là TP cần đẩy mạnh chuyển từ đấu giá đất sang đấu thầu. Bởi lẽ, việc đấu giá minh bạch sẽ loại các DN năng lực tài chính yếu, trước đây họ tham gia đấu thầu đất với mục đích đầu cơ, sang nhượng, kiếm lời mà không triển khai dự án.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng, việc cấp phép các dự án đầu tư phải thẩm định năng lực nhà đầu tư chứ đừng chỉ nghe họ nói. “Họ nói thì rất ngọt, rất bùi tai, cho được việc của họ thôi. Nhưng khi được việc rồi thì họ chây ì ra, mình đụng tới thì giãy nảy như đỉa phải vôi” - ông Anh nói. Trên cơ sở đó, ông Anh yêu cầu Sở KH&ĐT phải là chốt chặn về đầu tư, tham mưu cho lãnh đạo TP, ai đầu tư, làm cái gì, năng lực ra sao phải thẩm định chắc chắn, độc lập, không nghe ai nói cả, việc nói là của họ còn tin hay không là việc của mình. Với các dự án chậm trễ, hiện vướng cơ chế không thu hồi liền được, nhưng phải có lộ trình cụ thể, tới thời điểm là dứt khoát thu hồi, quan điểm là không nề hà gì cả.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh làm việc với Sở KH&ĐT.

Phân bổ vốn tránh “xin cho”

Bà Phan Thúy Linh cho biết, qua rà soát TP còn 75 đề án, dự án còn hiệu lực mà hàng năm TP vẫn phải phân bổ kinh phí. Đáng nói hơn, số kinh phí phân bổ cứ năm sau cao hơn năm trước, trong khi nguồn lực TP còn nhiều hạn chế. Bà Linh cho rằng Sở KH&ĐT cần phải thanh lọc lại các dự án, đề án, cái nào thực sự hiệu quả, cần kíp thì làm để tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý Sở KH&ĐT trong việc tham mưu lãnh đạo TP cân đối phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản hàng năm đảm bảo hiệu quả, trong đó lưu ý ưu tiên đầu tư có trọng điểm, quy mô đầu tư phải phù hợp, tránh tác động bởi chỗ này xin, chỗ kia xin, phân bổ không phù hợp. Đặc biệt việc phân bổ vốn phải tránh lãng phí, đầu tư chỗ nào hiệu quả chứ không phải đầu tư theo cảm hứng, sở thích của mình được. Ông Anh cũng chỉ rõ, việc phân bổ đầu tư phải bám theo chỉ đạo của Thành ủy, chẳng hạn chủ trương TP 4 an thì năm 2017 các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực phẩm, môi trường...phải được tăng nguồn lực.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho rằng việc giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản tới quý III – 2016 rồi mới đạt hơn 34% là rất thấp. Vì vậy, Sở KH&ĐT cần hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh giải ngân. Phải làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm từ đâu? Thủ tục quy định thì đúng rồi, nhưng có những vướng mắc dù nhỏ, cũng cản trở thì phải linh hoạt tháo gỡ. Tại sao đưa tư nhân người ta làm chỉ 3 ngày là xong mà Nhà nước làm thì lâu vậy?. Song song với việc tiêu tiền, Bí thư Xuân Anh cũng yêu cầu Sở KH&ĐT phải tham mưu cho TP về cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm phát triển TP. Bởi lẽ nếu chỉ trông chờ vào ngân sách TP mỗi năm trên dưới 5 ngàn tỷ đồng thì không bao nhiêu, trong khi một dự án như cái hầm chui đã 3-4 ngàn tỷ đồng rồi.

* “Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, vậy mình phải làm gì để thu hút đầu tư chứ không lẽ để nó trôi qua cái vèo cuối cùng không có gì cả. Bây giờ phải tính việc xây dựng clip quảng bá hình ảnh TP thế nào, kêu gọi đầu tư thế nào? Đây là sự kiện chưa từng có, không dễ lặp lại nên mình phải suy nghĩ làm cái gì, không lẽ để nó diễn ra một cách êm đềm lặng lẽ theo đó hình ảnh Đà Nẵng cũng nhạt nhòa theo năm tháng chẳng bao giờ người ta nhớ gì cả? - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đặt câu hỏi với Lãnh đạo Sở KH&ĐT khi nói về công tác xúc tiến đầu tư.

Biên chế chỉ giảm chứ không tăng

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Sơn kêu khó khăn vì biên chế thiếu trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Ông Sơn dẫn chứng, năm 2015 sở có hơn 13,7 ngàn văn bản đến và hơn 4,8 ngàn văn bản đi; 7 tháng đầu năm nay có hơn 8,2 ngàn văn bản đến và hơn 2,5 ngàn văn bản đi, trung bình mỗi cán bộ Sở xử lý hơn 200 văn bản đến/đi mỗi năm. Tương tự, số hồ sơ xử lý 7 tháng qua đã bằng hơn 97% tổng số hồ sơ xử lý năm trước, trong khi nhân sự chưa được bổ sung, vì thế, ông Sơn đề nghị TP bổ sung cho Sở thêm 10 biên chế. “Gần 30 em về Sở công tác, hầu hết đều thuộc diện nhân tài, học nước ngoài về, song sau 7 năm làm việc đúng với cam kết của TP đành phải ra đi vì Sở không được tăng biên chế, các em dù làm tốt cũng không được biên chế”- ông Sơn nói.

Về vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng- Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nói, thiếu biên chế là tình trạng chung của các sở và cả nước. Vừa rồi, Đà Nẵng tái lập HĐND và thành lập Sở Du lịch nhưng không được tăng thêm một biên chế nào, tất cả đều phải điều tiết nội bộ. Lộ trình của Chính phủ từ nay đến năm 2020 mỗi năm cắt 10% tổng biên chế của Đà Nẵng, như vậy biên chế chỉ có giảm chứ không tăng. Theo khung tính toán của Bộ Nội vụ, hiện biên chế của Đà Nẵng còn vượt gần 600 công chức, hơn 1.000 viên chức, số hợp đồng lao động hành chính thì rất nhiều. Cũng theo ông Đồng, Đà Nẵng có hơn 2 ngàn công chức, mỗi năm cứ phải “tỉa” dần, họ cắt mình cũng đau lòng lắm, nhưng quy định là vậy. Ngay tại Sở Nội vụ cũng thiếu người, nhiều anh em phải làm tới 9 giờ đêm chưa về. Hiện Trung ương chỉ cho phát sinh biên chế trong lĩnh vực y tế, trường học, còn lại, tất cả đều phải thi, phải có cạnh tranh, có số dư, kể cả học viên đề án 92 của TP thuộc dạng thu hút nhân tài cũng phải thi công khai, đậu thì vào biên chế.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho rằng, với học viên Đề án 92 TP bỏ tiền ra cho đi học nước ngoài, số tiền rất lớn, nếu không có biên chế, các em về phục vụ TP 7 năm rồi đi thì rất lãng phí. Ông Miên cho rằng TP phải nghiên cứu để có hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

Hải Hậu

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_154251_tra-nh-phan-bo-vo-n-theo-ca-m-hu-ng.aspx