Tránh quy định về hành vi bị nghiêm cấm rải rác ở các điều luật khác nhau

Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại phiên họp chiều nay, 21.5, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung, sắp xếp các quy định về hành vi bị nghiêm cấm sao cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, tránh quy định rải rác ở những điều luật khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ cơ sở pháp lý để xử lý hành vi cung cấp thông tin không chính xác, giả mạo hồ sơ

So với Luật hiện hành và dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu, dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có bổ sung hành vi “cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”. Bày tỏ đồng tình, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phân tích, trên thực tế trong việc nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá cũng đã phát sinh tình trạng này và cũng đã phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về hành vi nêu trên.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8.2.2022 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15.7.2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính chưa có bất kỳ điều khoản nào quy định về hành vi này cũng như chế tài xử lý. Duy nhất chỉ có khoản 3 Điều 2 tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP quy định về nguyên tắc có quy định “tổ chức đấu giá tài sản tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và phải chịu hậu quả bất lợi do việc kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này”. Vì vậy, cơ quan, người có thẩm quyền không có cơ sở pháp lý để xác định và xử lý hành vi vi phạm trên.

Vì vậy, ĐB Đỗ Thị Việt Hà đề nghị điều chỉnh theo hướng nghiêm cấm hành vi “Cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo trong hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”.

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng quan tâm đến các hành vi bị cấm, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, dự thảo Luật bổ sung điểm d1 vào sau điểm d, khoản 5, Điều 9 về hành vi cấm nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó. Đại biểu đề nghị viết lại thành “Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản hoặc người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản” để ngắn gọn, súc tích hơn.

Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 39 quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Cho rằng, đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cân nhắc chuyển nội dung này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất và tránh quy định rải rác các hành vi bị nghiêm cấm ở những điều luật khác nhau.

Bổ sung quy định cụ thể về người giúp việc và người ghi biên bản cuộc đấu giá

Nêu thực tế một số cuộc đấu giá có nhiều người tham gia đấu giá, thời gian đấu giá thường rất dài, có trường hợp kéo dài từ sáng ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau, đặc biệt là các cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp, ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho rằng, không chỉ đấu giá viên mà những nhân viên khác thuộc tổ chức đấu giá tài sản cũng phải tham gia phục vụ cuộc đấu giá trong một thời gian dài. Dự thảo Luật hiện đang quy định về người giúp việc, song, không quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm hay giải thích từ ngữ về “người giúp việc”. Thực tế các cuộc đấu giá tài sản có số lượng người giúp việc không đồng nhất, lúc nhiều, lúc ít, thao tác nghiệp vụ không rõ ràng; có lúc người giúp việc thực hiện cả các thao tác nghiệp vụ của đấu giá viên điều hành như: tham gia kiểm phiếu, tự do đi lại, hoạt động không có kiểm soát…

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐB Bũi Sỹ Hoàn, đây là một kẽ hở, một khoảng trống pháp luật rất dễ bị các tổ chức đấu giá, đấu giá viên và nhân viên khác lợi dụng để trục lợi; đồng thời cũng là nguyên nhân của một số khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá. Vì vậy, để phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong điều hành cuộc đấu giá, đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người giúp việc. Tương tự, tại khoản 2, Điều 44 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có quy định về người ghi biên bản nhưng cũng không nêu rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm hay ít nhất là giải thích từ ngữ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về người ghi biên bản trong dự thảo Luật.

Liên quan tới thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, một số đại biểu đề nghị, để tránh trường hợp tổ chức đấu giá sử dụng giấy phép, giấy đăng ký hoạt động vào mục đích không phù hợp, vi phạm pháp luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về trình tự thu hồi giấy phép, giấy đăng ký hoạt động cũ của tổ chức hành nghề đấu giá khi đã được Sở Tư pháp tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở mới cấp giấy phép đăng ký hoạt động.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nội dung của dự thảo Luật; thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu và chỉnh lý. Các đại biểu cũng tham gia ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều khoản như: phạm vi sửa đổi Luật, tính thống nhất với các luật khác; quy định về điều cấm, tài sản đấu giá, giá khởi điểm tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên; quyền của tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá...

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua.

+ Tiếp đó, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tranh-quy-dinh-ve-hanh-vi-bi-nghiem-cam-rai-rac-o-cac-dieu-luat-khac-nhau-i372447/