Tránh sai sót khi làm hồ sơ đăng ký dự thi

Ngày 16/4, Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các trường THPT về việc chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp. Quy chế thi năm nay có nhiều điểm mới, các trường hướng dẫn học sinh rõ ràng, tránh thiệt thòi trong đăng ký, thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh cần lưu ý tránh sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, điều chỉnh nguyện vọng

Chặn thí sinh mang điện thoại vào phòng thi

Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng Phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng- Sở GD&ĐT Hà Nội, nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay về cơ bản vẫn giữ nguyên phương thức, số lượng môn thi như năm ngoái. Tuy nhiên, kỳ thi có nhiều điểm mới, học sinh, các nhà trường cần lưu ý để tránh các sai sót trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Về những điểm mới năm nay, các trường lưu ý thí sinh, các em có quyền bảo lưu những bài thi độc lập đạt điểm 5 trở lên với điều kiện tất cả các môn thi thành phần không có môn bị điểm liệt. Ví dụ, trong 5 môn thi xét tốt nghiệp, có 3 bài thi đạt điểm cao, 2 bài thi đạt điểm thấp, thí sinh được quyền bảo lưu 3 bài thi điểm cao. Quy chế thi năm nay thay đổi về kỷ luật thí sinh vi phạm quy chế thi. Trước đây, thí sinh bị đình chỉ khi mang thiết bị không được phép vào phòng thi, năm nay với việc siết chặt kỷ luật phòng thi, thí sinh chỉ cần mang thiết bị cấm vào phòng chờ đã bị xử lý. Trước đây, đối với thí sinh bị đình chỉ thi, lập tức thí sinh được yêu cầu dừng làm bài thi, quay ra phòng chờ hết 2/3 thời gian làm bài thi nhưng năm nay, thí sinh sẽ phải đợi hết thời gian làm bài mới được ra khỏi khu vực thi.

Ông Thái nói rằng, những năm trước, Hà Nội có nhiều thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, bị lập biên bản, dù có thể do các em vô tình. Lãnh đạo Sở GD&ĐT trăn trở làm sao hạn chế được tình huống các em quên nên năm nay sẽ đưa ra danh sách đầu việc của giám thị. Khi đó, tất cả giám thị được giao việc theo thứ tự từ trên xuống dưới, sau mỗi việc, giám thị phải tích vào ô xong việc mới được triển khai việc tiếp theo, tránh việc quên nhắc nhở học sinh không được mang vật dụng cấm vào phòng thi.

Có gian lận về chứng chỉ ngoại ngữ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định, khác với năm ngoái, năm nay, học sinh được đăng ký dự thi thêm môn Ngoại ngữ tiếng Hàn Quốc. Như vậy, có tới 7 môn ngoại ngữ, học sinh có quyền lựa chọn đăng ký thi bất kỳ môn nào. Theo quy chế thi, những thí sinh được miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ và thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khi thí sinh đủ điều kiện sẽ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét tốt nghiệp.

Năm 2018, Hà Nội có gần 4.000 em đủ điều kiện miễn thi; năm 2020, con số này tăng lên 5.281 và năm nay, số lượng học sinh không dự thi sẽ còn tăng cao. Số lượng học sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thay thế không thi cao, trong khi có trường hợp đã bị phát hiện gian lận. Do đó, Sở GD&ĐT sẽ hậu kiểm chặt chẽ.

Lãnh đạo Sở cho biết, nhiều em đã có sai sót trong quá trình làm hồ sơ, dẫn đến không được chấp nhận kết quả xét tuyển. Nếu thí sinh không đăng ký quyền được miễn bài thi ngoại ngữ, sẽ phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp như thí sinh không được miễn thi. Ngoài ra, thí sinh cũng phải lưu ý, không phải trường ĐH nào cũng dùng điểm quy đổi ngoại ngữ để tuyển sinh, do đó các em cần nghiên cứu kỹ phương thức tuyển sinh của từng trường.

Hà Nội cũng lưu ý các trường về việc, quy định năm nay học sinh sẽ tự điều chỉnh các nguyện vọng xét tuyển, thay vì giáo viên làm giúp. Năm ngoái, có trường hợp giáo viên điều chỉnh, do sơ suất, không điều chỉnh đúng với phiếu đăng ký của học sinh, sau đó, trường học, Sở GD&ĐT phải làm văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT rất phức tạp. Năm nay, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần bằng phương thức trực tuyến, sau đó sẽ không được điều chỉnh nữa.

Trong vấn đề này, yêu cầu thí sinh phải nghiên cứu kỹ các mã ngành, trường vì đã có trường hợp thí sinh điều chỉnh vội vàng, sau khi trúng tuyển một ngành học ở tận Hà Nam mới tá hỏa là nhầm lẫn. Hay có trường hợp, thí sinh dùng số điện thoại bạn gái để đăng ký nguyện vọng. Sau đó, bạn gái tự ý đăng nhập tài khoản và điều chỉnh nguyện vọng lúc nào không hay, kết quả thí sinh nam “ăn quả đắng” khi đủ điểm đỗ ngôi trường yêu thích, nhưng vẫn trượt mất cơ hội.

“Tránh sai sót, học sinh phải dùng số điện thoại của mình để đăng ký và bảo mật thông tin cá nhân. Muốn thi ngành gì, trường nào nên vào website của trường ĐH, học viện đó nghiên cứu kỹ thông tin. Ví dụ, thí sinh dự thi các trường có môn năng khiếu phải liên hệ để biết thông tin về việc nội dung, thời gian kiểm tra năng khiếu cụ thể”, lãnh đạo Sở nói.

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu các trường chuẩn bị tinh thần cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các giáo viên được giao nghiên cứu quy chế, phổ biến rõ cho học sinh, không để xảy ra sai sót trong quá trình làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ nay đến hết ngày 26/4, đơn vị sẽ mở cổng đăng ký hồ sơ trực tuyến cho các nhà trường, thí sinh nhập dữ liệu nháp để làm quen. Sau đó, dữ liệu sẽ xóa trắng để học sinh bắt đầu đăng ký dự thi thật từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5.

Hà Nội yêu cầu các trường tập trung dạy học, nâng cao chất lượng, tuyệt đối không cho phép học sinh, giáo viên đi du lịch, nghỉ mát từ đầu tháng 5. Theo ông Đại, thời gian này, các nhà trường, học sinh dốc sức chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT. Lãnh đạo Sở cũng cấm các trường tổ chức thi tuyển, kiểm tra đánh giá học sinh để chọn đầu vào lớp 1, lớp 6. Trong quá trình tuyển sinh, các trường không được tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định.

Hà Linh

Tin tài trợ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tranh-sai-sot-khi-lam-ho-so-dang-ky-du-thi-post1328796.tpo