Tranh Tết Kỷ Hợi: Sự nối dài của truyền thống văn hóa

Triển lãm 'Tranh Tết Kỷ Hợi' vừa diễn ra tại Đông A Gallery với sự góp mặt của 33 họa sĩ cho thấy vị trí quan trọng của tranh con Giáp trong đời sống mỹ thuật đương đại. Đó cũng là cách nối dài một truyền thống văn hóa của cha ông xưa.

Tranh Tết Kỷ Hợi quy tụ 33 họa sĩ với 60 tác phẩm mang nhiều phong cách, chất liệu khác nhau. Đó là những họa sĩ nổi tiếng trong giới mỹ thuật đương đại như Thành Chương, Phạm An Hải, Phạm Bình Chương, Đặng Thu An, Phạm Hà Hải và những gương mặt họa sĩ trẻ lần đầu có tranh về con giáp như Trần Nhật Thăng, Vũ Dũng...

Người xem ấn tượng với “Lợn Mán” và “Tự họa năm Hợi” của họa sĩ Thành Chương. Đó là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, mang đậm chất dân gian nhưng cũng rất hiện đại. Là “Tình xuân” của Đặng Thu An duyên dáng, rực rỡ sắc màu và vô cùng nữ tính. Là Lê Trí Dũng, họa sĩ gắn với tranh con giáp, vẽ lợn mang phong cách tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi, nảy nở.

Các họa sĩ tham gia triển lãm.

Hay “Vũ điệu mùa xuân” của Ngụy Đình Hà gợi lên bầu không khí Tết đến xuân về, trong tiếng nhạc du dương của mùa xuân. Mỗi họa sĩ đều mang đến một cái nhìn riêng của mình về đề tài Lợn, cho thấy sự đa dạng về phong cách và chất liệu của hội họa Việt Nam đương đại.

Nếu Phạm An Hải với bút pháp trừu tượng và những nét bút điêu luyện của kỹ thuật sơn dầu mang đến hai bức tranh Hợi vừa thực, vừa hư thì Trần Nhật Thăng lại rất kiệm màu và tối giản nét, nhưng vẫn gửi gắm vào đó nhiều tâm tư, tình cảm. Vẽ con Giáp cũng chỉ là cái cớ để họ thể hiện cái nhìn của mình về đời sống mà thôi.

Họa sĩ Phạm Bình Chương chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 tôi vẽ tranh con Giáp. Tôi trung thành với lối vẽ hiện thực mà mình theo đuổi. Tuy nhiên, vẽ lợn theo phong cách hiện thực hơi khó. Tôi thích phố cổ và phong cách thời thuộc địa của Pháp nên tôi vẽ một ngôi nhà thời đó, đưa tranh dân gian Đông Hồ vào căn phòng thời Pháp thuộc, cảm nhận sự xa hoa và khác nhau của hai nền văn hóa và không khí Tết trong đó”.

Họa sĩ Thành Chương cũng gửi gắm nhiều điều trong hai bức tranh của mình. Ông nói: “Tranh, trước tiên là gửi gắm sáng tạo, phong cách đặc trưng của nghệ sĩ. Tôi có hai bức tranh vẽ trên mâm gỗ cổ bằng chất liệu sơn mài. Bức tranh vàng tôi vẽ con lợn vùng cao, Lợn Mán, tạo hình của nó như mái nhà sàn, mang tính dân tộc, hình vuông cũng liên tưởng đến bánh chưng. Còn bức thứ 2 là con lợn cách điệu mang tinh thần của con người trong đó, nó có những trăn trở suy tư, mỉm cười, hy vọng vào năm mới”.

Họa sĩ Phạm Hà Hải lấy cảm hứng từ con giống Kỷ Hợi cho series tranh “Thức giấc” của mình. Anh chia sẻ: “Thức giấc là loạt sáng tác tranh con giống Kỷ Hợi. Khi những tín hiệu mùa xuân tràn về là khi tràn trên mặt tranh những rung cảm của dấu tích thời gian (trên giấy cũ, ván gỗ, gạch đá đền đài xưa) và đan cài nét hình những con lợn đất thuở ấu thơ. Những kỷ niệm từ tập quán ấy ẩn sâu như giấc mộng cuộc đời mà mỗi mùa xuân đánh thức những nụ cười hồi cố hay bật chồi những ước nguyện đẹp lành”.

Tác phẩm “Lợn Mán” của họa sĩ Thành Chương.

Nhiều năm trở lại đây, tranh con Giáp trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của các họa sĩ. Họ chọn tranh con giáp để gửi gắm những tâm tư, suy nghĩ của mình trong năm mới. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, vẽ tranh Tết là một nét đẹp văn hóa của người phương Đông. Từ xa xưa, trong tranh dân gian có đầy đủ các con như: Chuột có “Đám cưới chuột”, trâu có “Chăn trâu thổi sáo”, hổ có “Ngũ hổ”… Đến thời các họa sĩ Đông Dương không có nhiều người vẽ tranh con Giáp.

Phải đến sau 1954 mới xuất hiện lác đác một vài họa sĩ hằng năm vẽ bưu thiếp gửi tặng bạn bè nhân dịp xuân về chứ không phải thành tranh để bán. Người vẽ nhiều tranh Tết trên bưu thiếp chính là họa sĩ Bùi Xuân Phái, năm nào ông cũng vẽ một chồng tặng bạn bè. Đến họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, ông có ý thức sáng tác về tranh con Giáp.

Đây là họa sĩ theo đuổi đề tài này nhiều nhất. Rồi Báo Văn nghệ số Tết thường mời các họa sĩ nổi tiếng vẽ bìa, trong đó có nhiều bìa báo là tranh con Giáp rất đẹp. Từ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bích, Sỹ Thập và thế hệ những năm 70 trở đi có Thành Chương, Hoàng Hồng Cẩm, đến bây giờ trở thành truyền thống vẽ tranh Tết ở Việt Nam.

Mỗi họa sĩ đều bám vào phong cách của mình, tả thực, trừu tượng, pop art, vì thế, ngoài tranh con Giáp thì chất lượng nghệ thuật của “Tranh Tết Kỷ Hợi” cũng rất đáng để xem. Ngay tại triển lãm sáng 15-1, một số bức tranh đã có người đặt mua. Các họa sĩ cũng chỉ để một mức giá vừa phải để công chúng yêu thích hội họa có nhiều cơ hội sưu tầm những bức tranh mình thích.

Tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải.

Họa sĩ Thành Chương: Tranh Tết là một truyền thống đẹp của dân tộc ta mỗi khi xuân về. Ngoài mua sắm vật chất như giò, chả, bánh chưng, sắm tranh là một phong tục đẹp. Mấy làng tranh dân gian chủ yếu bán tranh ngày Tết thôi. Rồi phong tục tốt đẹp ấy mai một dần qua chiến tranh, thời bao cấp nghèo khó. Một số họa sĩ nuối tiếc truyền thống đó. Họ vẽ chơi, tặng bạn bè, quý ai vẽ tặng người đó. Một trong những người vẽ đều đặn là họa sĩ Bùi Xuân Phái, ông vẽ trên bất cứ tờ giấy nào, khi thì mẫu hộp thuốc lá, tờ vàng mã, tờ lịch.

Còn họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thì vẽ một cách có ý thức về 12 con giáp. Từ truyền thống của các bậc tiền bối thôi thúc anh em họa sĩ hôm nay nối tiếp. Mỗi năm Tết đến xuân về, chúng tôi vẽ tranh con Giáp để hồi tưởng lại hoạt động của cha ông xưa. Lực lượng vẽ ngày càng đông đảo, không còn tranh chơi bời, mà là vẽ một cách nghiêm túc, đó là những tác phẩm nghệ thuật.

Con giống chỉ là cái cớ, tất cả họa sĩ đều giữ phong cách của mình. Họ có nhiều tìm tòi, sáng tạo, các tác phẩm vừa có chất dân gian, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Tranh con Giáp trở thành mảng tranh có vị trí trong đời sống, chất lượng nghệ thuật cũng tốt hơn.

Họa sĩ Phạm An Hải: Đây là năm thứ hai chúng tôi tổ chức sáng tác và triển lãm tranh con Giáp. Hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên, duy trì hằng năm để khuyến khích các họa sĩ tham gia, mang đến các tác phẩm thú vị cho công chúng. Chúng tôi không áp đặt mà để các họa sĩ tự do sáng tạo. Đó là một đề tài mà anh em họa sĩ yêu thích. 12 con Giáp là những con vật gần gũi trong đời sống. Mỗi con có một vẻ đẹp riêng. Với con lợn, đó là sự sung túc, sinh sôi nảy nở, mang lại nhiều hy vọng cho một năm mới bình an.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo: Tranh vẽ theo những năm cầm tinh con gì đó là lối chơi phương Đông từ ngày xưa. Giờ hiện đại hơn, nó trở thành sáng tạo của các họa sĩ. Mỗi họa sĩ gửi gắm một tâm tình riêng. Triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” có nhiều tranh đẹp, mang đến cho người xem những cảm xúc đẹp. Tính thời đại trong tranh ngồn ngộn, đặc biệt có mấy bức vẽ lợn nắm trên salon rất ra dáng... thủ trưởng. Đó là tính thời đại, thời thượng của tác phẩm. Nhìn vào các bức tranh này ta thấy sự đi lên của nền mỹ thuật Việt Nam.

“Hợi Dome” của nhóm G39

Bên cạnh “Tranh Tết Kỷ Hợi”, tại Gallery Hàng Da, nhóm G39 cũng triển lãm tranh con giáp mang tên “Hợi Dome” quy tụ 20 họa sĩ Trịnh Quế Anh, Võ Lương Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Phan Minh Châu, Hoàng Phương Liên, Ngô Thị Bình Nhi, Nguyễn Quang Thiều, Đằng Giao, Đông Duy, Hữu Ước…

Tác phẩm “Đời heo” của họa sỹ Vũ Dũng.

Đây cũng là triển lãm thứ 6 của nhóm lấy cảm ứng từ con giáp. “Hợi Dome” gồm 70 tác phẩm gốm và tranh với mục đích duy trì triển lãm thường niên vẽ con giáp của nhóm họa sĩ G39, tôn vinh ngày tết âm lịch, một nét đẹp của văn hóa cổ truyền và đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Trong không gian tươi tắn, giàu sức sống của cỏ cây, hoa đào, hoa mận, hoa sen, hoa cúc, những con giáp “hợi” xuất hiện hoàn chỉnh vẻ đẹp của cuộc sống; phản chiếu, giao hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, loài vật với đời sống con người.

Thiên nhiên tươi đẹp - đời sống con người nhiều tươi đẹp; vật nuôi sinh sôi, nảy nở - đời sống con người cũng ấm no, hạnh phúc. Đây vừa là lẽ tự nhiên, vừa là ước mơ muôn thuở của con người. Nghệ thuật trong “Hợi Dome” không có nghĩa cao hơn hay thoát ly khỏi đời sống, mà là dẫn về đời sống ở ý nghĩa bình dị, cao đẹp của nó.

V. Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/tranh-tet-ky-hoi-su-noi-dai-cua-truyen-thong-van-hoa-529785/