Tránh thiên tai, sẽ tái định cư 700.000 dân

TP - “Sẽ di dời ít nhất 170.000 hộ dân, tương đương 700.000 người, khỏi các vùng xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở, lũ quét” - Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát cho biết.

Kế hoạch di dân này đã được Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược Quốc gia về Phòng chống, Giảm nhẹ Thiên tai, đến năm 2020. Theo đó, bốn khu vực lớn được ưu tiên thực hiện di dân, tránh nguy cơ thiên tai, nhất là biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp thời gian qua là: Đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ; duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và hải đảo; Đồng bằng sông Cửu Long; miền núi và khu vực Tây Nguyên. Từ năm 2006 đến nay, các địa phương đã tiến hành di dời gần 58.000 hộ. Theo ông Đào Ngọc Hưởng - Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu, tại tỉnh này, việc xác định chính xác khu vực xung yếu, cần di dời là rất khó, vì hầu hết là địa hình đồi núi dốc, đều rất nguy hiểm mỗi khi có mưa lũ. Vì vậy, Lai Châu ưu tiên di dời dân ở những khu vực đồi núi cao, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét… Ông Phạm Duy Hạnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai lại chỉ ra cái khó riêng của địa phương: Phần lớn các hộ dân sống rải rác, địa hình phức tạp nên khó thống kê chính xác và đầy đủ. Ngay cả khi đã có kế hoạch cụ thể thì công tác di dời vẫn rất khó, vì nhiều nơi bà con chưa thông chính sách, khó thay đổi phong tục tập quán, nhất là việc ở rải rác trên đồi núi giờ lại tập trung ở khu tái định cư… Theo Bộ NN&PTNT, trong ba năm 2006 - 2008, tổng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình di dân phòng chống thiên tai đạt gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trung bình 10-20 triệu đồng/hộ là quá thấp, khiến nhiều nơi dân chưa thuận. Theo đánh giá, mức hỗ trợ này chỉ đủ dựng lại căn nhà tạm. Các điều kiện phục vụ sản xuất, ổn định sinh hoạt lâu dài cho người dân chưa được đáp ứng, nhất là ở những địa bàn di dân tập trung, cách xa nơi canh tác. Hơn nữa, giá cả các mặt hàng đã tăng đáng kể so với thời điểm phê duyệt chính sách năm 2006. Vì thế, các địa phương đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người dân. Một số địa phương khác ở miền Trung lại đề xuất hạn chế di dời mà tập trung giúp dân bám trụ, chống chọi với lũ lụt ngay trong khu dân cư bằng các công trình chống lũ khoa học. Trao đổi với PV , ông Nguyễn Xuân Diệu - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, Bộ NN&PTNT đã lên phương án ưu tiên di dân tại chỗ, đảm bảo không gây xáo trộn lớn đối với sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bởi, việc di dời xa sẽ vô cùng khó khăn, yêu cầu kinh phí lớn, rất khó đáp ứng trong lúc này. Chương trình di dân sẽ cần hàng chục nghìn tỷ đồng nên phải làm từ từ, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao trước. Cũng theo Bộ NN&PTNT, ngoài di dời các hộ dân thuộc vùng thiên tai, từ nay đến năm 2015, Bộ đang lập kế hoạch di dời gần 100.000 hộ vùng đặc biệt khó khăn, hơn 44.000 hộ vùng biên giới, gần 10.000 hộ vùng rừng phòng hộ, đặc dụng. Hơn 4.500 hộ dân thuộc ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cũng đã và đang phải di dời phục vụ Dự án Thủy điện Sơn La.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=171438&channelid=2