Tranh thủ nguồn lực sửa chữa, xây dựng trường lớp

Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của tỉnh Nghệ An ngày càng đồng bộ, kiên cố, hiện đại hóa...

Khởi công xây dựng điểm trường bản Canh, Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Nhằm đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới, Nghệ An đã tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đồng thời lên chương trình, kế hoạch xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chọn lọc, đầu tư tập trung, tránh dàn trải.

Vào mùa xây dựng

Dịp Hè 2023, nhiều trường học tại TP Vinh được khẩn trương xây dựng, hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới. Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 đang trong quá trình thi công nhà vệ sinh mới cho học sinh.

Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Thủy cho hay, kinh phí để xây dựng công trình do nhà trường lập kế hoạch gửi chính quyền địa phương và được đồng ý phê duyệt, đầu tư. Trước đó, nhà trường cũng vận động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo phục vụ nhu cầu dạy học môn Thể dục và hoạt động trải nghiệm ngoài trời cho học sinh.

Trường Tiểu học Trường Thi sau nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó quy mô học sinh tăng, số phòng học không đáp ứng đủ nên nhà trường phải sắp xếp một số lớp sang học nhờ tại Trường THCS Trường Thi. Năm 2022, địa phương đã làm tờ trình, được HĐND, UBND TP Vinh, Sở Xây dựng Nghệ An đồng ý phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, trường được xây mới dãy nhà 3 tầng, 30 phòng học; bổ sung trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị dạy học. Thời điểm này, trường đang trong quá trình thi công giai đoạn 1 gồm hạng mục phòng học để kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024.

Mới đây, các đơn vị, tổ chức thiện nguyện vừa khởi công xây dựng điểm trường lẻ bản Canh, thuộc Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An). Điểm trường bản Canh cách trường chính 1 tiếng đi xe máy với nhiều đoạn phải qua suối, dốc đá trơn trượt, khúc cua tay áo. Đây là nơi theo học của con em đồng bào Thái của 2 bản Xốp Kho và bản Canh. Do điều kiện giao thông hiểm trở nên đến nay điểm trường này vẫn duy trì các phòng học bằng gỗ, sau thời gian dài đã có dấu hiệu xuống cấp.

Sau khi đưa học sinh các khối 3 - 4 - 5 ra trường chính, điểm trường còn duy trì dạy học cho các em khối 1 - 2. Điểm trường bản Canh được các đơn vị thiện nguyện hỗ trợ xây dựng mới 4 phòng học, mỗi phòng 30m2. Bên cạnh đó còn nâng cấp sân trường và xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm. Theo kế hoạch, công trình sẽ được xây dựng trong thời gian hơn 2 tháng (từ tháng 6 - 8), kịp bàn giao và sử dụng trong năm học mới.

Dãy phòng học mới đang trong quá trình xây dựng của Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An).

Tránh dàn trải

Những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở vật chất ở nhà trường được các địa phương tại Nghệ An chọn lọc kỹ càng. Tại Tương Dương, trong năm học 2022 - 2023, huyện đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng Trường Phổ thông DTBT THCS Yên Tĩnh và Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền. Đây là ngôi trường được đầu tư khang trang nhất hiện nay với đủ phòng học, phòng chức năng và ký túc xá, nhà công vụ cho giáo viên, học sinh của trường. Việc đầu tư bài bản, tập trung cũng giúp cho các trường sớm hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia, tránh tình trạng chắp vá kéo dài và nhanh xuống cấp.

Theo ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, những năm qua, địa phương đã tiến hành rà soát, phân bổ nguồn ngân sách hợp lý để tăng cường cơ sở vật chất cho trường học. Tập trung mua sắm trang thiết bị tối thiểu cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, chú trọng trang bị cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu đưa công nghệ vào quản lý, tổ chức dạy học, giáo dục…, theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp nhu cầu thực chất. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên lên kế hoạch đầu tư cho trường dân tộc bán trú, hoặc điểm trường lẻ vùng sâu vùng xa, cơ sở vật chất đã cũ kỹ, hư hỏng.

Năm học vừa qua, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học. Nhờ đó, tỷ lệ trường chuẩn của huyện đã đạt trên 92% và nằm trong tốp đầu của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghi Lộc, cho hay: Trong 2 năm qua, huyện có nhiều giải pháp nhằm tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 và giao trách nhiệm cho từng địa phương, ban, ngành.

Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn huy động nguồn lực, ưu tiên ngân sách từ quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục; mở rộng diện tích khuôn viên trường học đáp ứng quy mô phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, các địa phương phải tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện, điều chỉnh và bổ sung giải pháp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tỉnh Nghệ An cũng tổ chức rà soát, tham mưu cân đối nguồn ngân sách các cấp, ưu tiên đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Triển khai đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các trường phổ thông có học sinh dân tộc nội trú, bán trú… Đồng thời, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước xây dựng trường học đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới.

Với nhiều giải pháp tích cực và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp của tỉnh Nghệ An ngày càng đồng bộ, kiên cố, hiện đại hóa. Đến nay, tổng số phòng học kiên cố ở mầm non và phổ thông là 21.960 phòng; trong đó, cấp mầm non có 5.844 phòng (đạt 78,3%); cấp tiểu học có 8.871 phòng (đạt 79%); cấp THCS có 4.688 phòng (đạt 89,47%); cấp trung học phổ thông là 2.557 phòng (đạt 96,64%). Tỷ lệ trường chuẩn trên toàn tỉnh đạt trên 70%.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-thu-nguon-luc-sua-chua-xay-dung-truong-lop-post646787.html