Tránh tối đa có tiền mà không thể giải ngân

Tại Hội thảo chuyên đề 2 'Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững' trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp, bổ sung tiêu chí mới thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tránh tối đa hiện tượng có tiền mà không thể giải ngân.

Chính sách tốt nhưng khó tiếp cận

Trong 8 tháng năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3%; khách quốc tế đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần cùng kỳ năm 2021...

Dẫn chứng những con số trên, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng “phần nào biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vào các chính sách ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế tại nước ta”.

Trên thực tế, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua.

Tính đến tháng 8.2022, Chính phủ, các bộ, cơ quan đã chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (Nghị quyết 43). Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm xu hướng phục hồi tích cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, “không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nói, trên cơ sở khảo sát cộng đồng doanh nghiệp. Bằng chứng là, tính đến ngày 2.9.2022, mới giải ngân được 55,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…

Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề 2
Ảnh: Lâm Hiển

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà xác nhận, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân hàng Nhà nước dù đã triển khai được hơn 3 tháng song doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng. “Số liệu cũng còn khiêm tốn”, ông Hà nói.

Lý giải nguyên nhân, theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, mặc dù chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh. Chẳng hạn, việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Việc thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp làm giảm hiệu quả của chính sách. Bên cạnh đó, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội LÂM VĂN ĐOAN: Bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động

Đến nay, chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân đạt 86,91% so với số kinh phí đã tiếp nhận đề nghị, đạt 50,91% so với dự kiến của Chương trình đề xuất ban đầu.

Tính đến ngày 10.9.2022, về cơ bản đã giải quyết xong việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15. Cụ thể, đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng. Hiện còn 49.249 người (chiếm khoảng 12% so với số lượng đối tượng đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả) không thực hiện hỗ trợ sau khi rà soát do không đủ điều kiện với số tiền hơn 121 tỷ đồng.

Chính phủ cần tiếp tục quan tâm rà soát những đối tượng nằm trong những trường hợp không thực hiện hỗ trợ này để tránh trường hợp sai sót, phát sinh khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội LÊ VĂN THANH: 7 giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị và thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư trong đó có cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo tại nơi làm việc.

Thứ tư, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương.

Thứ năm, quan tâm tới đào tạo lao động khu vực phi chính thức, lao động đã bị thất nghiệp để quay trở lại làm việc; đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về quy trình đào tạo nghề nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học, kỹ thuật, công nghệ…

Thứ bảy, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình và hình thức tổ chức.

M. Trang - Q. Khánh ghi

Về lâu dài, cần tăng chính sách gia hạn thuế

Việc chậm triển khai các gói hỗ trợ làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo các chuyên gia, việc triển khai thực hiện Chương trình sẽ đóng góp 1,5 - 2% tăng trưởng GDP của năm 2022. Do vậy, thúc đẩy các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Muốn vậy, việc đầu tiên cần kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế - căn cứ quan trọng nhất để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng khắc phục bất cập trong quy định của luật pháp, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong các ngành đóng vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế như logistics, công nghiệp hỗ trợ…

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức… Phải tránh tối đa hiện tượng các doanh nghiệp cần vốn, Nhà nước có vốn hỗ trợ nhưng lại không thể giải ngân.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa bổ sung, cần tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện - đầu vào quan trọng của doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh. “Theo phản ánh của doanh nghiệp, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định, gây điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng các dự thảo luật, đặc biệt dự thảo luật có tác động sâu rộng như: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cần tham vấn rộng rãi. Hoạt động tiếp thu, giải trình cần minh bạch, chất lượng để tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Bùi Trung Nghĩa đề xuất.

Đặc biệt, theo ông Nghĩa, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động liên tục và khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp thiết thực, quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng là giải pháp căn bản lâu dài, hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố quan trọng trong đột phá thể chế - một trong 3 đột phá mang tính chiến lược cho sự phát triển đất nước.

Minh Châu

Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc: Nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, khát vọng phát triển

Tại phiên hội thảo chuyên đề 2 “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, các đại biểu đã được nghe 3 tham luận chính về triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; về nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới; về mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về quá trình triển khai cũng như tác động và hiệu quả của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nhận thấy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, tạo động lực phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững trong thời gian qua. Các chính sách được ban hành là kịp thời, linh hoạt, cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19; được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh cũng như tình hình trong nước cũng như bối cảnh quốc tế.

Tuy vậy, như các đại biểu đã chỉ ra, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn một số vướng mắc, doanh nghiệp, người lao động vẫn khó thụ hưởng; thủ tục rườm rà làm giảm hiệu quả chính sách; có tâm lý lo ngại, không dám thực hiện do lo sợ sai phạm; có tình trạng cào bằng hỗ trợ, không phân biệt các vùng miền; liều lượng chính sách hỗ trợ còn khiêm tốn, trong khi đối tượng cần hỗ trợ rất lớn…

Để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong thời gian tới, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, cần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì chính sách hỗ trợ, bổ sung chính sách hỗ trợ mới và cần thực hiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để các chính sách đi vào cuộc sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm các cấp, ngành, không né tránh; nhanh chóng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, cần chú ý nâng cao vai trò các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Các ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trong phiên hội chuyên đề 2 hôm nay là hết sức sâu sắc, tâm huyết với mong muốn và khát vọng phát triển. Chắc chắn rằng với quyết tâm của Đảng, Quốc hôịvà hệ thống chính trị,với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ dần phục hồi sản xuất, kinh doanh, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

MINH TRANG ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tranh-toi-da-co-tien-ma-khong-the-giai-ngan-i301045/