Trao 'bí kíp' giúp học trò thành đạt

Gần 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) luôn vẹn nguyên niềm say mê với bài giảng cùng bao thế hệ học trò. Động lực để cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là tình yêu, sự gắn bó với công việc mà cô gửi gắm vào mỗi tiết dạy của mình.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân.

Không ngại thay đổi

Trải lòng về cơ duyên đến với nghề, cô Xuân tâm sự: Ngày xưa thế hệ của cô chưa được hướng nghiệp nhiều về nghề như bây giờ. Cơ duyên đến với nghề giáo có lẽ bắt đầu từ việc một người bạn thân rủ cô cùng đi thi vào Trường CĐSP Cần Thơ. Hơn nữa, ngày đó do yêu thích và có năng khiếu với môn Tiếng Anh nên cô đăng ký dự thi. Sau khi thi đỗ và tốt nghiệp trường CĐSP, năm 1992, điều may mắn là cô và người bạn thân được phân công về dạy chung ở Trường cấp 2 Ô Môn, nay là Trường THCS Châu Văn Liêm.

Để đến được những thành công, cô Xuân phải trải qua không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo cô Xuân, điều quan trọng mình không được nản chí và phải quyết tâm vượt qua thử thách đó. Điều khó khăn lớn nhất mà cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân trải lòng chính là quá trình tham gia học tập và thi đạt trình độ chuyên môn chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu.

Bởi trước đó, những GV ngoại ngữ thuộc thế hệ của cô mới chỉ được đào tạo học tiếng Anh theo chuẩn châu Á và áp dụng cách dạy này từ nhiều năm. Trước yêu cầu đổi mới của việc dạy và học ngoại ngữ, cô giáo Vũ Thị Thanh Xuân đã đăng ký theo học và quyết tâm trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như năng lực của bản thân. Nhờ đó, cô đã vượt qua kỳ thi sát hạch và tích cực đem những kiến thức được học áp dụng vào giảng dạy có hiệu quả trong các tiết học.

Giúp học sinh yêu thích môn học

Có kinh nghiệm giảng dạy môn Tiếng Anh, cô Vũ Thị Thanh Xuân nhận thấy nhiều em sợ môn học này nên kết quả ngày càng đi xuống. Để giúp HS thay đổi nhận thức cũng như kết quả học tập, cô đã áp dụng các biện pháp dạy học để các em tiến bộ hơn. Ngoài việc giáo dục các em về những tấm gương học tập tốt, cô Xuân chú ý sắp xếp những HS khá giỏi ngồi cạnh để kèm những bạn học yếu hơn mình. Cô cho biết, muốn học giỏi bất kỳ một ngoại ngữ nào thì phải chú ý tới việc học từ vựng, ngữ pháp và tích cực đàm thoại.

“Tôi yêu cầu HS học thuộc từ vựng hoặc mẫu câu, đến tiết học sau các em sẽ viết các từ hoặc mẫu câu mà các em học thuộc trong thời gian khoảng 5 phút. Ví dụ tôi yêu cầu các em viết 5 câu giới thiệu về bản thân mình theo gợi ý câu hỏi đơn giản. Trong lúc này tôi gọi những HS khác trả bài. Nếu HS nào chưa thuộc sẽ được kiểm lại. Tôi muốn động viên tinh thần học tập của các em, rèn thói quen học bài cũ, đồng thời để các em không cảm thấy bị bỏ rơi.

Sau một thời gian, có nhiều em xung phong trả bài. Mặc dù số điểm của các em chưa cao, chỉ từ 5 đến 6 điểm, song rõ ràng các em đã cố gắng và có tiến bộ. Đến tiết ôn tập, tôi cho những dạng bài tập phù hợp với khả năng của các em. Tôi động viên các em bằng cách cho điểm thưởng nên HS tích cực hơn”, cô Thanh Xuân cho biết.

Tận tâm với học trò bắt đầu từ những việc làm tỉ mỉ nhỏ nhất, chất lượng HS yếu kém đã được nâng dần. Nhìn kết quả học tập của các em thay đổi từng ngày, cô Xuân hiểu cách làm của mình đã đi đúng hướng. Cô luôn được đồng nghiệp và học trò tin cậy, nhiều năm liền cô đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố cùng Bằng khen UBND TP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-bi-kip-giup-hoc-tro-thanh-dat-3850225.html