Trao cơ hội, nhận niềm tin

'Cán bộ Biên phòng giúp cho mẹ con mình được ăn no, mặc ấm. Cũng nhờ BĐBP mà bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết tính toán nữa. Cái ơn của bộ đội nhiều lắm, mình không biết nói sao cho hết' - chị Phàn Thị Hằng, một phụ nữ Dao ở xã Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai vui vẻ trò chuyện với tôi về những người chị trân quý nhất, trong căn bếp mới. Ngoài sân, mưa xuân lắc rắc. Bên bếp lửa bập bùng, khuôn mặt chị Hằng mỗi lúc thêm ửng hồng, đôi mắt lấp lánh hy vọng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Xát xây lại nhà bếp cho mẹ con chị Hằng. Ảnh: Đỗ Quang

Những cơ hội được trao đi

Không giống như những phụ nữ dân tộc thiểu số khác, chị Hằng khá cởi mở và tự tin giao tiếp với chúng tôi - những người khách lạ. Xuyên suốt câu chuyện là tiếng cười lạc quan của chị. Vẻ mặt tươi vui của chị đã giấu nhẹm đi những nốt trầm khổ cực trong cuộc đời chị. Sau này, qua cán bộ Đồn BP Bát Xát, chúng tôi mới biết, chị xuất thân trong gia đình nghèo khó, đông con, được cho làm con nuôi lúc mới 25 ngày tuổi. Năm chị 12 tuổi, bố mẹ nuôi mất, bố mẹ đẻ mới đón về nuôi. 23 tuổi, chị lấy chồng, thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sau 5 tháng chung sống, chồng chị bỏ đi không một lời từ biệt. Chị nhận một bé sơ sinh mới được 25 ngày tuổi về nuôi. Từ đó, hai mẹ con chị no đói có nhau. 17 năm sau, chị có thêm một bé gái, cuộc sống càng thêm vất vả.

Tâm sự với tôi, chị Hằng cho rằng, mẹ con chị thật may mắn khi được Đồn BP Bát Xát "để mắt tới". Chuyện là, tháng 9-2015, đồn mở lớp xóa mù chữ ngay tại thôn San Bang. Chị được bộ đội đến tận nhà mời tham gia lớp học. Vượt lên e ngại, mặc cảm ban đầu, chị trở thành học viên tích cực nhất lớp, tham gia học đều 3 buổi tối mỗi tuần. Dưới sự hướng dẫn của 2 cán bộ Biên phòng, sau hơn một năm học tập, người mẹ đơn thân này cùng với 25 học viên khác đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ cấp độ 1-2. Chị Hằng kể: "Thầy Khanh, thầy Thắng tận tình chỉ dạy nên bây giờ mình đã biết đọc, biết lưu tên mọi người trong điện thoại di động và biết phép tính nhân chia cộng trừ rồi".

"Giúp dân thoát nghèo bền vững trong điều kiện số vốn ban đầu rất nhỏ lại bó khung trong thời gian một năm là rất khó. Nếu không lựa chọn mô hình phù hợp, không đúng hướng đi thì sẽ đổ bể ngay. Dẫu biết là khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Chỉ khi nào giúp dân thành công, tôi mới ngủ ngon được"

Thượng tá Phan Đức Mạnh tâm sự.

Ở tuổi 45 của chị Hằng, việc biết chữ không hẳn sẽ mở ra một trang mới trong cuộc đời, nhưng chắc chắn nó giúp chị tự tin hơn. "Ngày trước, không biết chữ, con gái đưa giấy của nhà trường về, mình không biết ký thế nào, đi đâu cũng ngại với mọi người. Bây giờ thì mình không còn ngại nữa, đi ra khỏi bản cũng không sợ” - chị Hằng tâm sự.

"Tốt nghiệp" lớp xóa mù chữ xong cũng là lúc chị Hằng nhận được tin vui Đồn BP Bát Xát sẽ xây dựng lại căn bếp sắp đổ của chị. Nói là làm, 8 cán bộ Biên phòng tới nhà chị, tự tay trộn xi măng, dựng cột, xây tường, lợp mái bếp. Chỉ trong vài ngày, chị đã có được căn bếp mới tinh. Không chỉ có vậy, Đồn BP Bát Xát còn xây tặng chị Hằng một chuồng nuôi lợn kèm theo món quà là 2 con lợn giống.

Chúng tôi bước ra ngoài sân, tận hưởng không khí trong trẻo của mùa xuân vùng cao. Chị Hằng bảo rằng: "BĐBP giúp cho mình được như thế này là tốt quá rồi. Nói cảm ơn nhiều lần cũng không hết được tình cảm quý mến của mình dành cho bộ đội. Mình sẽ chăm sóc tốt 2 con lợn để nó sinh sôi, giúp cho cuộc sống của mẹ con mình đỡ vất vả hơn".

Tự tin trong mùa xuân mới

Gặp chúng tôi ở Đồn BP Pha Long, ông Chấu Xí Lìn, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương vui vẻ nói: "Ồ, BĐBP tốt mới giúp mình được như thế này. Các anh tới nhà tôi mấy lần rồi và lần nào cũng dặn chăm nuôi con lợn cho tốt để thoát nghèo". Hỏi ra mới biết, gia đình ông vừa được Đồn BP Pha Long tặng 1 con lợn nái làm sinh kế thoát nghèo.

Ông Lìn và chị Hằng chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình nhận được sự giúp đỡ của BĐBP Lào Cai. Với quyết tâm mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống cho người dân vùng biên, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đang tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch giúp đỡ các hộ nghèo ở địa bàn biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020). Theo đó, mỗi năm, mỗi đồn BP sẽ giúp đỡ 5 gia đình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Chị Hằng vui vẻ trò chuyện với những người lính Đồn BP Bát Xát. Ảnh: Bích Nguyên

Trò chuyện với Thượng tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn BP Pha Long, chúng tôi mới vỡ lẽ, chuyện giúp bà con phát triển kinh tế khiến anh và nhiều đồng đội khác mất ăn mất ngủ nhiều ngày đêm liền. Trăn trở với bài toán giúp dân thoát nghèo, anh Mạnh đã phải tham khảo rất nhiều người. "Tôi suy nghĩ và hỏi ý kiến nhiều người thì chỉ có nuôi lợn nái và trâu hoặc ngựa là có tính khả thi cao do các loại vật nuôi này phù hợp với điều kiện khí hậu và nguồn thức ăn dồi dào ở đây" - anh Mạnh kể. Chọn được đường hướng rồi, anh Mạnh lại đau đầu với việc lựa chọn hộ gia đình, phương thức giúp đỡ.

"Với chương trình tặng con giống cho bà con nghèo của BĐBP, chúng tôi tin tưởng người dân sẽ có thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình, thay đổi cuộc sống". - Ông Thào Seo Khứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Ngải Chồ chia sẻ.

"Những bài học từ thực tiễn mách bảo tôi rằng, việc thành hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người dân, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn những hộ thực sự có ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo và giao ước cụ thể. Về con giống, chúng tôi nhờ Phòng Nông nghiệp huyện mua giúp, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Hàng tuần, cán bộ đồn đều tới nhà người dân kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Chỉ khi nào lợn mẹ đẻ được hai lứa, chúng tôi mới chuyển con giống sang giúp hộ khác" - nghe chuyện mới thấy Thượng tá Mạnh suy tính thấu đáo tới từng chi tiết nhỏ.

Cho tới thời điểm này, tất cả các đồn BP ở Lào Cai đã triển khai thực hiện kế hoạch giúp dân thoát nghèo bền vững. Các con giống được trao tặng cho bà con đều được chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt. Thượng tá Mạnh và các đồng đội có cơ sở để hy vọng sự giúp đỡ của đơn vị sẽ thành công, mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho bà con.

Tạm biệt biên giới Lào Cai khi những nụ đào bắt đầu chớm nở, tôi nhớ mãi nụ cười tươi rói của chị Hằng và cả niềm tin sâu sắc mà chị dành cho BĐBP. Bước đi đầy tự tin trong tâm thế của một người phụ nữ mạnh mẽ của chị đang chủ động tạo ra một tương lai tươi sáng hơn cho mình.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trao-co-hoi-nhan-niem-tin/