Trao đổi về chương VII 'Ba họ anh hùng' trong Tập I Bộ tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa'

Với một tác phẩm Tiểu thuyết Lịch sử được xuất bản và lưu hành về chủ đề lịch sử, cần phải đòi hỏi sự chính xác, tôn trọng lịch sử và không nên để hậu nhân dựa vào đó để nhận thức không rõ ràng và sai lầm về lịch sử.

Cảm ơn quý báo đã phản hồi ý kiến của tôi, tôi cũng là một người nghiên cứu lịch sử một cách rất nghiêm túc và chân thành, trước khi đưa ra những ý kiến của tôi, tôi cũng đã tham khảo rất kỹ, tài liệu Cựu đường thư (phần viết về trước thời kỳ An Nam Đô hộ phủ) và các tài liệu chính thống của các thời kỳ phong kiến, cũng như những cuốn sách thông sử hiện nay; chứ không phải tùy tiện soi chiếu theo Wiki hay các tài liệu không chính thống hiện nay.

Chắc hẳn rằng để viết lên bộ tiểu thuyết quy mô lớn như vậy, tác giả cuốn sách hẳn phải đọc qua các bộ sách sử chính thống qua các triều đại phong kiến thời xưa do tiền nhân để lại và các cuốn sách thông sử lớn được biên tập ngày nay như:

1. Bộ sách Đại Việt Sử ký Toàn thư là bộ sử chính thống thời Hậu Lê

2. Bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục là bộ sử chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn.

3. Bộ sách Lịch sử Quân sự Việt Nam do NXBCTQG xuất bản.

Vì vậy tôi không hiểu tại sao tác giả chắc hẳn đã đọc các cuốn sách này, và trong phản hồi được đưa trên ở trên không sử dụng những tư liệu chính thống này mà lại sử dụng trong những tư liệu không phổ thông và được ít người biết đến, thậm chí những cuốn sách đó sử dụng tư liệu của những cuốn sách chính thống xưa và nay nhưng lại không đầy đủ và chính xác, hoặc cũng không đưa ra những lý luận của mình phản bác lại những thông tin đưa ra trong các cuốn sách trên.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả về vấn đề đơn vị hành chính nước ta thời Bắc thuộc rất phức tạp và trong một tác phẩm văn học thì không nhất thiết cần khảo cứu chi tiết toàn bộ, và những thông tin tôi đưa ra dẫn chứng mang tính chất tham chiếu thời điểm và tên gọi để dẫn chứng chứng minh nhiều câu trong những phần của tác phẩm mà tôi đọc qua không chính xác.

Với một tác phẩm Tiểu thuyết Lịch sử được xuất bản và lưu hành về chủ đề lịch sử, cần phải đòi hỏi sự chính xác, tôn trọng lịch sử và không nên để hậu nhân dựa vào đó để nhận thức không rõ ràng và sai lầm về lịch sử. Sử dụng câu phải chuẩn về nội hàm và chu diên, tôn trọng bối cảnh lịch sử cụ thể và không lên "hiện đại hóa", "cổ xưa hóa", hay pha trộn giữa những địa danh vừa trong bối cảnh lịch sử và vừa hiện đại hóa trong các câu viết của mình.

I. Về tên gọi An Nam Đô hộ phủ và Tĩnh Hải quân

1. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thời Hậu Lê khi viết về thời kỳ chuyển giao giữa An Nam Đô hộ phủ và Tĩnh Hải quân có viết câu: "Tự thử chí Tống triều, An vi Tĩnh Hải quân tiết trấn" (Từ đây đến triều Tống, An Nam gọi là Tĩnh Hải quân tiết trấn). Và cũng trong sách này từ đó về sau không sử dụng cụm từ An Nam nữa mà sử dụng Tĩnh Hải Quân.

2. Đại Việt Sử lược cũng ghi: "Vua Đường Tông bèn bỏ phủ Đô hộ đặt quân Tĩnh Hải dùng Cao Biền làm Tiết Độ Sứ. Cao Biền chiếm giữ bản châu rồi xưng vương.".

3. Lịch triều Hiến chương Loại chí của Phan Huy Chú đầu thời Nguyễn cũng ghi: "Nhân đó vua Đường đặt quân Tĩnh Hải ở Giao Châu cho Cao Biền làm tiết độ sứ.". Tuy vậy, sau đó cuốn sách này vẫn sử dụng tên An Nam đô hộ phủ là sai lầm.

4. Theo sách Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn công bố năm 1884 cũng ghi: "Theo sách Cương mục (Trung Quốc), kể từ khi Lý Trác sách nhiễu nhân dân, dân các Man nổi lên gần 10 năm; đến nay mới bình định xong, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân ở An Nam, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ. Bắt đầu từ đấy, An Nam đổi tên là Tĩnh Hải quân tiết trấn.".

5. Trong cuốn sách Đại cương Lịch sử Việt Nam trong phần viết về phần tổ chức cai trị không nói về Tĩnh Hải quân, nhưng đến phần Khúc Thừa Dụ cũng chỉ rõ tên chức danh và tên gọi: Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Tuy rằng cũng trong đoạn viết về Khúc Thừa Dụ này cũng viết là "Tiết độ sứ An Nam Chu Toàn Dục", có lẽ do nhầm lẫn.

6. Trong sách Lịch sử quân sự Việt Nam tập 2 của NXBCTQG năm 2001, cũng viết: "Cuối năm 865, Cao Biền đánh bại quân Nam Chiếu và cố gắng khôi phục lại chính quyền đô hộ. Từ năm 866, An Nam đô hộ phủ đổi thành Tĩnh Hải quân tiết trấn, đứng đầu là chức tiết độ sứ."

Như vậy trong hầu hết các cuốn sách thông sử và biên niên sử từ xưa tới nay đều thừa nhận từ năm 866, tên gọi địa danh miền Bắc nước ta đều là Tĩnh Hải quân chứ không còn là An Nam Đô hộ phủ nữa. Vì vậy việc sử dụng câu "Nhà Đường gọi Giao Châu là An Nam đô hộ phủ, sau còn gọi là Tĩnh Hải Quân đứng đầu là Tiết độ Sứ."- Nội hàm thời kỳ nhà Đường thì quá rộng mà tên gọi thời kỳ An Nam đô hộ phủ cộng với thời kỳ Tĩnh Hải quân lại quá hẹp và không tương xứng, và việc từ năm 905 rồi mà vẫn còn gọi là An Nam Đô hộ phủ là không chính xác.

II. Về vấn đề chức danh tiết độ sứ có từ bao giờ

Trong phản hồi ở trên Dẫn chứng từ việc Giáo trình Lịch sử Nhà nước Pháp luật Việt Nam nào đó thì từ năm 758 gọi là Tiết độ sứ. Không rõ thông tin này dựa vào tài liệu nào. Có lẽ do nhầm lẫn với thời kỳ Kinh lược sứ Trương Bá Nghi với chức danh Kinh lược sứ chứ không phải là Tiết độ sứ năm 767.

Còn như tôi trong phần phản hồi đã viết thời An Nam đô hộ phủ chức quan đứng đầu cai trị là viên Đô hộ trong thời hòa bình, còn trong thời chiến chống ngoại xâm (còn "nội phản" như những thời Mai Thúc Loan, Phùng Hưng thì vẫn là chức Đô hộ) là Kinh lược sứ. Chiếu theo lịch sử Việt Nam thì chức Kinh lược sứ này áp dụng trong thời kỳ chống Côn Lôn, Chà Bà (767) và Hoàn Vương, Nam Man, Nam Chiếu sau này, đôi khi trong sử còn có những tên thêm như Đô hộ Kinh lược sứ, Tổng quản Kinh lược sứ... Đến khi Cao Biền đánh thắng Nam Chiếu, giành lại được An Nam Đô hộ phủ và được vua Đường đổi lại thành Tĩnh Hải quân. Tên chức danh và vùng đất cai trị "Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ" bắt đầu từ đó đến khi Ngô Quyền lên ngôi vua.

Vấn đề này trong các cuốn sách thông sử các triều đại phong kiến xưa và nay đều thừa nhận.

Theo chức vụ lớn nhỏ thì theo Đại Việt sử ký toàn thư quy định: Kinh lược sứ -> Đô hộ -> Tiết độ sứ.

Cho nên cần phải phân định rõ ràng tên gọi phù hợp với thời đại, chứ không thể sử dụng chức danh Tiết độ sứ là viên cai trị thời An Nam đô hộ phủ và Tĩnh hải quân, trong câu "Trị sở của An Nam đô hộ phủ là thành Đại La.

III. Về vấn đề Thành Đại La, theo Đại Việt sử ký toàn có viết:

- Năm 767, Kinh lược sứ Trương Bá Nghi đắp lại La Thành ở vị trí cách sông Tô Lịch khoảng 200 thước. Năm 808, Đô hộ Trương Chu và năm 791, Đô hộ Triệu Xương đắp thêm thành Đại La.

- Vào trong khoảng cuối năm 824 - đầu năm 825, Đô hộ Lý Nguyên Gia dời thành đến sông Tô Lịch bắt đầu đắp thành. Sau này Cao Biền đắp thêm La Thành.

Nhưng trong Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng thừa nhận những vấn đề trên, nhưng thêm vào câu dựa theo Thanh nhất thống chí cho rằng ngay từ thời Hán đã coi trọng việc xây dựng, tu bổ trị sở cai trị, tục gọi là La Thành.

Như vậy thì câu "Trị sở của An Nam đô hộ phủ là thành Đại La" là đúng, nhưng cũng không lên hiểu thành Đại La này với thành Đại La kia là cùng một vị trí.

IV. Về câu: "hành quân theo đường sông Luộc về sông Hồng để nhanh chóng về Đại La"

Tên thành Đại La là địa danh thời bấy giờ, còn tên sông Hồng, sông Luộc thì lại là tên sau này thời mãi thế kỷ XIX mới đặt. Cho lên sử dụng tên cũ thì hợp lý hơn trong bối cảnh tiểu thuyết cộng thêm việc có thể sử dụng lời chua ghi chú để làm rõ hơn.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thời Bắc thuộc không thấy đề cập gì, có một số chi tiết nói đến đến Sông Hồng thời Lý Trần đều chép với tên là sông Lô:

- Năm 1011, khi viết về việc xây dựng kinh đô Thăng Long có viết "Lô Giang bộ đầu khởi Hàm Quang điện." Nghĩa: Dựng điện Hàm Quang ở bến sông Lô.

- Khoảng đầu năm 1257, trước thế mạnh của quân Nguyên, vua trần lui quân về đóng ở sông Lô, sau đó lui về giữ sông Thiên Mạc.

- Giữa năm 1282, cá sấu xuất hiện ở bến sông Lô, Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn Đuổi cá sấu. Nền thơ ca chữ Nôm được cho là bắt đầu từ đó.

- Cuối năm 1285, khi quân ta mở đợt tấn công chiếm lại kinh thành Thăng Long, quân giặc tan vỡ rút chạy qua sông Lô.

- Cuối năm 1389, Trần Khát Chân đưa quân Trần từ sông Lô đến Hoàng Giang dẹp loạn.

- Năm 1426, Lê Lợi cho quân xuôi dòng đến bến Đông Bộ Đầu sông Lô tiến về thành Đại La.

- Sang thời Hậu Lê có nhiều tên gọi khác nhau khi chảy qua các khu vực khác nhau.

Không rõ căn cứ vào tài liệu nào để gọi là Nhĩ Hà, Nhị Hà hoặc Hồng Hà trong thời kỳ này.

Mai Đức Thạch

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trao-doi-ve-chuong-vii-ba-ho-anh-hung-trong-tap-i-bo-tieu-thuyet-lich-su-viet-nam-dien-nghia-74854