Trao giải báo chí 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam '

Sáng 17/11, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2018 được tổ chức long trọng tại Hà Nội.

Ban Tổ chức trao Giải A cho tác phẩm xuất sắc . Ảnh VA

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực đã nhận được gần 700 tác phẩm của 4 loại hình báo chí gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình tham dự Giải.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, số lượng tác phẩm tham gia giải lần này phong phú cả về nội dung, hình thức thể hiện. Đề tài của các tác phẩm khá toàn diện. Số lượng bài phản ánh mặt tích cực của ngành giáo dục nổi trội.

Trong tổng số gần 700 tác phẩm được gửi tới dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra 43 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng. Trong đó, có 4 giải A, 8 giải B, 11 giải C và 20 giải Khuyến khích, 1 giải đặc biệt được Ban giám khảo bình chọn từ 4 giải Nhất của 4 loại hình báo chí

Phần thưởng cho mỗi giải bao gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018; Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiền thưởng bằng tiền mặt với Giải Nhất: 30 triệu đồng/giải; Giải Nhì: 15 triệu đồng/giải; Giải Ba: 10 triệu đồng; Giải Khuyến khích: 5 triệu đồng/giải.

Tác phẩm xuất sắc được xét chọn từ 04 tác phẩm đoạt giải Nhất của 04 loại hình được nhận phần thưởng: chuyến thăm tìm hiểu giáo dục tại Vương quốc Anh dành cho 1 người, thời gian 14 ngày, trị giá 130 triệu đồng, không quy đổi thành tiền mặt.

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, bởi giáo dục tác động tới mọi người, mọi nhà.

Sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia trong quá trình đổi mới.

Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt; những tấm gương giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo không ngừng; những tấm gương giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vượt qua khó khăn để dạy tốt-học tốt. Hình ảnh đẹp của ngành Giáo dục được lan tỏa trong dư luận xã hội là nhờ phần lớn từ báo chí.

PV

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/trao-giai-bao-chi-quot-vi-su-nghiep-giao-duc-viet-nam-quot-n11476.html