Trao giải thưởng Võ Trường Toản cho 50 nhà giáo tiêu biểu

Ngày 24/11, tại Nhà hát Thành phố, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 22 năm 2019 cho 50 nhà giáo tiêu biểu.

Các nhà giáo tiêu biểu nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2019.

Các nhà giáo tiêu biểu nhận Giải thưởng Võ Trường Toản 2019.

Năm nay có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý được xét trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản, trải đều ở các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các đơn vị trực thuộc, trường chuyên biệt...

Đó là những cán bộ quản lý, giáo viên am hiểu về nghề nghiệp, có uy tín trong tập thể sư phạm nhà trường, được đồng nghiệp tín nhiệm, tin yêu, được phụ huynh và học sinh kính trọng. Đặc biệt, đây là những cá nhân có sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, chất lượng chuyên môn được duy trì và giữ vững qua từng năm.

Điển hình như gương cô Phạm Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường Mầm non 11 (quận Tân Bình), trong suốt 25 năm qua, động lực giúp cô chính là niềm vui được nhìn thấy sự trưởng thành của học trò. Bản thân từng trải qua 2 lần “thập tử nhất sinh” vì chống chọi với bệnh nan y nhưng cô Bích Hạnh vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác. Năm 2016, cô được chọn vinh danh danh hiệu “Trái tim người thầy” do Công đoàn Giáo dục TPHCM trao tặng.

Lãnh đạo UBND TPHCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT trao Bằng khen cho ccô Phạm Thị Mộng Lan tại buổi lễ.

Với cô Phạm Thị Mộng Lan, giáo viên Trường Hy Vọng (quận 6), để có thể hòa nhập được với thế giới của học sinh khiếm thính, cô đã chọn cách học hỏi từ chính học trò của mình. Cô Lan bày tỏ, nhiều lúc bản thân tự xem mình như người khiếm thính, chỉ dùng ánh mắt và đôi tay để giao tiếp với học sinh. Bởi chỉ khi thấu hiểu được những khó khăn của các em, cô mới tìm ra phương pháp giáo dục, giúp các em hòa nhập cuộc sống với các trẻ em bình thường khác. Cô Mộng Lan cho biết, lớp học của trẻ khuyết tật thường gồm trẻ ở nhiều độ tuổi, khả năng giao tiếp và trình độ tiếp nhận kiến thức của các em rất khác nhau.

Một tấm gương khác là cô Huỳnh Thị Kim Kiều, giáo viên Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè). 21 năm đứng lớp đối với cô là chuỗi ngày vượt lên khó khăn, vất vả. Khi 2 đứa con cô lần lượt chào đời, niềm hạnh phúc vừa đến thì chồng cô bị tai biến, phải chữa trị lâu dài. Hơn 7 năm qua, người giáo viên ấy vừa là trụ cột kinh tế trong gia đình, vừa gồng gánh việc trường lớp, vừa nuôi dạy hai con nhỏ…

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, xã hội luôn dành sự tôn trọng, trân quý cho những người thầy, người cô đang ngày đêm thực hiện trọng trách “cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Theo đó, các thầy cô, giáo là những người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh, là kỹ sư tâm hồn, là người đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai của thành phố, của đất nước và nhân loại.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đề nghị ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất và tinh thần cho các nhà giáo. Người thầy phải thấy hạnh phúc khi đứng trên bục giảng mới có thể đem đến cho học sinh những giờ học vui tươi, sinh động, hấp dẫn, dạy cho các em hướng đến xây dựng một gia đình, một cộng đồng, một xã hội hạnh phúc. Đó là nhiệm vụ mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội luôn quan tâm, cùng đồng hành với ngành giáo dục.

Với 22 năm phát triển không ngừng, giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh 714 thầy, cô giáo tiêu biểu, những tấm gương mô phạm, hết lòng vì đàn em thân yêu, góp phần đào tạo bao lớp công dân trẻ cho thành phố. Tính trên tổng thể hơn 85.000 nhà giáo hiện tại của thành phố, đây là con số còn khiêm tốn nhưng đã phần nào động viên, khích lệ những người thầy, người cô phấn đấu, nỗ lực hết mình.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trao-giai-thuong-vo-truong-toan-cho-50-nha-giao-tieu-bieu-115803.html