Trào lưu 'sống ảo' trên mạng xã hội và lằn ranh đạo đức (1): Thế giới 'ảo' và những 'bóng ma' ngoài đời

Cách đây 22 năm, sự ra đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến làng nhạc Việt chấn động. Lễ viếng vị nhạc sĩ tài ba được gia đình tổ chức tại tư gia trong 3 ngày trước khi an táng. Thời điểm ấy, hoa xếp hàng dài trong con ngõ dẫn vào nhà ông, hàng nghìn người chờ bên ngoài để đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Song lạ ở chỗ, người ta chỉ đứng yên nhìn hoặc lặng lẽ di chuyển theo đoàn xe tang, rừng người được một người bạn của cố nhạc sĩ sau này mô tả lại là 'rất tự giác và trật tự', là 'dòng sông xe máy, ô tô, xe đạp… từ từ trôi trên đường'.

Lời Tòa soạn: Không phải đến bây giờ báo chí mới lên tiếng về tình trạng xuống cấp đạo đức, hành xử thiếu văn hóa, coi thường pháp luật của đời sống online. Cùng với sự phát triển như vũ bão của các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok… trào lưu “sống ảo” đã lan rộng, ăn sâu, bám rễ vào cuộc sống của hàng triệu người dùng mạng xã hội. Dù là thế giới “ảo”, nhưng ở đó, sự nổi tiếng và khả năng “hái” ra tiền là có thật. Các nền tảng, ứng dụng mạng xã hội sẵn sàng trả phí cho nhà sáng tạo dựa trên tỷ suất lượt xem. Vậy nên, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả để có danh và thu lợi. Sau 2 năm đại dịch Covid-19, con người càng gắn bó hơn với công nghệ số và vấn đề này càng trở nên nhức nhối. Các YouTuber, TikToker, Streamer “mọc” lên như nấm, tạo ra những nội dung “câu view” bằng nhiều cách, từ phao tin đồn thất thiệt, tranh giành chia sẻ thông tin về đời tư cá nhân, thậm chí là bịa ra các nội dung để bôi xấu hoặc cạnh tranh không lành mạnh…

Đám đông vây kín lễ đưa tang người nổi tiếng, tranh nhau ghi lại những hình ảnh, clip để đăng tải trên mạng xã hội

Hôm qua và hôm nay

Trong một vài đoạn clip hiếm hoi về đám tang (có lẽ được ghi lại bởi chiếc điện thoại công nghệ thô sơ ngày đó), tuyệt nhiên không thấy ai chen chúc hay quay sang chuyện trò bàn tán, tất cả đều lặng yên khoanh tay trước ngực, khuôn mặt thoáng nét buồn rầu, tiếc nuối. Ở nơi hạ huyệt cố nhạc sĩ, biển người kéo đến chật cứng nhưng không ồn ào. Không cần đến loa đài, người ta vẫn có thể nghe rõ tiếng kèn tiễn biệt của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Và tiếng đồng ca bỗng vang lên theo điệu kèn, từ “Biển nhớ” đến “Nối vòng tay lớn”…

Đó chắc chắn là câu chuyện lạ, là quang cảnh không thể nào có được ở thời buổi hiện tại khi mà đám tang của người nổi tiếng trở thành nơi thu hút người ta tìm đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Và hơn cả, họ tranh giành nhau ghi lại những bức ảnh, đoạn clip để phát trên mạng xã hội. Điển hình và gần đây nhất là đám tang NSƯT Vũ Linh - người được mệnh danh là “ông hoàng cải lương Hồ Quảng”.

Thời điểm gia đình tổ chức lễ tang cho cố nghệ sĩ (tháng 3-2023), trên mạng xã hội ngập tràn video clip, ảnh cập nhật sự kiện này ở đủ các góc độ khác nhau, từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, từ ban thờ cho đến tận nơi hạ huyệt. Đáng nói, để tăng sự tương tác và chú ý của người dùng, các clip này được đăng với tiêu đề giật gân, thậm chí sai sự thật như: “Vợ nghệ sĩ Vũ Linh bất ngờ xuất hiện tại tang lễ, quỳ gối trước linh cữu”; “Xúc động Hồng Loan, Hồng Phượng nằm xuống đường”; “Đám tang nghệ sĩ Vũ Linh xuất hiện chuyện lạ chưa từng có”; “Hãi hùng cảnh hàng ngàn đóa hoa tang phủ kín lễ di quan”; “Trực tiếp cảnh hạ huyệt, chôn cất…”; “Người phụ nữ ngồi bất động 30 phút trước mộ Vũ Linh và cái kết bất ngờ”… Khung cảnh lễ tang nam nghệ sĩ qua những video clip này hiện lên đầy nhốn nháo và hỗn tạp. Ở đó, biển người chen chúc, xô đẩy, cốt sao tiếp cận được gần nhất nơi tổ chức đám viếng. Những cánh tay thi nhau giơ điện thoại lên quay, chụp, nhiều người còn chuẩn bị cả

“gậy selfile”, sạc pin dự phòng để ghi hình lâu nhất có thể. Thậm chí có cặp đôi YouTuber khá nổi tiếng trên mạng xã hội còn xuất hiện trong trang phục lố lăng, đeo đầy vàng từ đầu đến chân, vừa đi vừa cười nói vẫy tay như thể đang tham dự một sự kiện tiệc tùng. Đám đông thì chỉ chờ có vậy là hò reo rồi hướng điện thoại sang ghi lại những hình ảnh dị hợm này, hả hê như thể vừa chộp được một tình tiết có sức lan tỏa lớn.

Cũng tại tang lễ của Vũ Linh, khi có nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đó xuất hiện là lập tức những tiếng hú hét, vỗ tay vang lên. Dĩ nhiên kèm theo đó là những chiếc điện thoại chĩa về phía họ để chụp ảnh, ghi hình. Nhiều người còn tìm cách “xé rào” đội bảo vệ để có cơ hội gí sát điện thoại vào mặt nhân vật. Đáng sợ hơn là một bộ phận thiếu ý thức thi nhau chen lấn, giẫm đạp lên cả mộ phần của người khác để quay chụp khi gia đình nam nghệ sĩ thực hiện lễ hạ huyệt. Nơi an nghỉ của cố NSƯT Thanh Kim Huệ gần đó cũng nằm trong số những ngôi mộ phải hứng chịu sự xâm phạm vô ý thức này. Sau khi tang lễ nghệ sĩ Vũ Linh chấm dứt thì mộ NSƯT Thanh Kim Huệ ngập trong rác, vỡ cả bia, chậu cây xung quanh gãy đổ. Trước cảnh tượng xót xa này, NSND Thanh Điền (chồng cố NSƯT Thanh Kim Huệ) chỉ biết lên mạng xã hội nhắc nhở mọi người bảo vệ cảnh quan trên mộ người đã khuất.

Các "camera chạy bằng cơm" giẫm cả lên mộ phần người khác để theo dõi đám tang nghệ sĩ Vũ Linh

Sự độc ác vô tư

Không chỉ đợi đến khi có người nổi tiếng qua đời để lao vào quay, chụp rồi phát trên mạng xã hội, các YouTuber, Facebooker, TikToker… còn không ngừng giương “ăng ten” lên tìm kiếm xem những nghệ sĩ nào còn sống, nghệ sĩ nào có thể giúp họ “câu view” là đua nhau lao đến săn tin. Nghệ sĩ Hồng Nga - một “quái kiệt” của sân khấu cải lương - đã từng là nạn nhân của hành động xấu xí này.

Cận kề tuổi 80, nữ nghệ sĩ sức khỏe giảm sút, lại mắc chứng lẫn của tuổi già, nói chuyện lúc quên lúc nhớ. Cuối năm 2022, bà từng chia sẻ về việc đi lưu diễn ở nước ngoài rồi bị mắc kẹt lại do dịch Covid-19, phải sống trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2. Câu chuyện này từng thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Phát hiện được khả năng “câu view” từ nữ nghệ sĩ có tuổi, giới săn tin trên mạng xã hội không hẹn mà cùng kéo nhau đến tận nhà bà với mục đích chụp ảnh, quay phim rồi đăng lên mạng. Ban đầu gia đình nghệ sĩ Hồng Nga chưa cảnh giác với chuyện này nên “những kẻ đi săn” vẫn ít nhiều tiếp cận được bà và quay chụp từ nơi ăn, chỗ ở, đến dụ bà ca vài câu, nói vài lời, rồi sung sướng cười khi thấy bà bị lẫn lộn. Tàn nhẫn hơn, trong khi người thân cố giấu, kiên quyết không kể những chuyện buồn về sự ra đi của người này, người kia vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà thì “những kẻ đi săn” lại tìm đến thông báo việc NSND Diệp Lang - một đồng nghiệp vô cùng thân thiết của bà - vừa qua đời tại Mỹ.

Trong một video clip ngắn đăng trên YouTube, bất chấp gương mặt bơ phờ, tiều tụy của nữ nghệ sĩ vốn không còn minh mẫn, “những kẻ đi săn” vẫn cố thông báo: “NSND Diệp Lang hát cải lương ngày xưa với cô đã mất cách đây 2 ngày rồi đó. Chế Linh còn đăng hình lên chia buồn… ai cũng chia buồn hết mà…”. Không để nữ nghệ sĩ trấn tĩnh, người này còn cố tình trêu chọc: “Đi qua Mỹ dự đám ma Diệp Lang không?”. Rồi chỉ đợi bà vì lẫn nên hỏi giá vé máy bay đi dự đám tang, người này cười cợt: “Cỡ 5 triệu thôi”.

Ngay cả khi người thân của nghệ sĩ Hồng Nga lên tiếng phản đối và nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng để các YouTuber, Facebooker, TikToker không còn tìm đến tụ tập trước cửa nhà quấy rầy, làm phiền bà nữa thì sau đó vẫn có một người lạ xông vào tự xưng là “phóng viên đến phỏng vấn quay hình tập tuồng”. Trong lúc người thân của nữ nghệ sĩ chưa kịp xuất hiện thì người này mở sẵn camera điện thoại đề nghị nghệ sĩ Hồng Nga hát và liên tục nhắc tuồng. Sau khi bị mời ra khỏi nhà, người này tỏ thái độ phản ứng, lớn tiếng cãi lại và hăm dọa. Về phần nghệ sĩ Hồng Nga, từ chỗ vô tư tiếp chuyện người lạ, bà trở nên sợ sệt khi thấy đám đông tụ tập ở nơi mình sinh sống, trên tay lăm lăm các thiết bị ghi hình. Cảnh tượng khó hiểu này khiến bà thậm chí không dám bước chân ra khỏi phòng.

Kiên quyết ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật

Trung tâm pháp y cũng trở thành nơi thu hút các YouTuber, Facebooker, Tiktoker... đến "hành nghề"

Bộ Thông tin - Truyền thông mới đây đã soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ về bản dự thảo Nghị định sử đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Một trong những định hướng quan trọng của bản dự thảo là ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Tại bản dự thảo, trong Điều 27, mục 2, chương III nêu quy định: chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử); các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử) thì thực hiện thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Cụ thể, mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên thấp là các mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên trong 1 tháng dưới 10.000 người hoặc có dưới 1.000 thành viên sử dụng thường xuyên trong tháng. Còn mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên lớn là mạng xã hội có số lượng người truy cập thường xuyên trong 1 tháng từ 10.000 người trở lên hoặc có trên 1.000 thành viên sử dụng thường xuyên trong tháng. Số liệu thống kê tại thời điểm xác định dựa trên số liệu thu thập trong thời gian 6 tháng liên tục.

Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ Thông tin - Truyền thông, thì đối với video phát trực tuyến (livestream) vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ.

Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 1 tháng có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật bị Bộ Thông tin - Truyền thông yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ), các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc tạm khóa hoạt động đối với các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung này chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ. Thời gian tạm khóa từ 7 ngày đến không quá 30 ngày, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Đối với các ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng do mình quản lý, phân phối, chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin - Truyền thông.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm hoặc không tạm khóa các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

(Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trao-luu-song-ao-tren-mang-xa-hoi-va-lan-ranh-dao-duc-1-the-gioi-ao-va-nhung-bong-ma-ngoai-doi-post547056.antd