Trào lưu tự sáng tác và hiện tượng 'một bài' trong dòng nhạc trẻ

Một mùa 'Sing my song - Bài hát hay nhất' nữa lại bắt đầu, giới thiệu và đánh dấu tên tuổi của những ca sĩ - nhạc sĩ trẻ trước công chúng như những tác giả của các tác phẩm hoàn chỉnh, gây ấn tượng.

Nhóm Lộn Xộn gây sốt ngay từ tập đầu Sing my song.

Thậm chí, có những ca khúc chỉ cần người nổi tiếng “đặt hàng” hay mua bản quyền là có thể ghi điểm trong lòng khán giả. Thế nhưng cũng có người đặt câu hỏi: Các thí sinh đoạt giải cao của mùa trước nay đã làm được gì, vì sao họ không thực sự bật lên như mong muốn?

Đừng biến thành hiện tượng “một bài”

Tối 4.3, tập đầu tiên của “Sing my song - Bài hát hay nhất” mùa 2 đã lên sóng truyền hình VTV3. Đây là cuộc thi thu hút sự quan tâm của giới trẻ, vì là bệ phóng cho nhiều tên tuổi mới. Nhiều thí sinh đã giới thiệu sáng tác mới của mình một cách chững chạc, tự tin khiến các giám khảo Hồ Hoài Anh, Lê Minh Sơn, Giáng Son và Đức Trí phải khen ngợi. Để lại ấn tượng mạnh mẽ là tiết mục của Lộn Xộn Band với ca khúc “Người yêu tôi không có gì để mặc”. Nhiều người hy vọng, bài hát này cũng gây sốt không kém “Ông bà tôi” của Lê Thiện Hiếu từ mùa trước, đồng thời thể hiện xu hướng sáng tác mới mà nhạc sĩ Đức Trí gọi là xu hướng trào phúng đang lan rộng.

HLV Lê Minh Sơn cho rằng đây sẽ là “quả bom” trong năm nay và khẳng định chất liệu của ca khúc này chính là âm nhạc dân gian đương đại với một góc nhìn rất mới mẻ, “quái kiệt”. HLV Đức Trí thích những gì đương đại nhưng rất Việt Nam trong bài hát của nhóm. HLV Hồ Hoài Anh cho rằng nhóm đã có khả năng làm show riêng trong năm 2018 và sẵn sàng ủng hộ liveshow của nhóm trong tương lai. Bên cạnh đó, các giám khảo cũng dùng những lời khen có cánh với Quốc Huy, Juun Đăng Dũng - R Tee, Bùi Lan Hương, Hakoota Dũng Hà. Riêng Hakoota Dũng Hà với “Dưới tán lá phong non” được ban giám khảo đánh giá là chủ nhân ca khúc hoàn chỉnh, có thể biểu diễn trên các sân khấu và mang tính nghệ thuật.

Những bản hit, những “quả bom” được ca ngợi liệu có làm nên chuyện? Nhìn lại “Sing my song” mùa trước, có thể thấy Lê Thiện Hiếu chật vật không vượt qua nổi cái bóng của ca khúc “Ông bà anh” nên đã để tuột chức quán quân cho Cao Bá Hưng với ca khúc đoạt giải “Có vấn đề” gây tranh cãi từ tiêu đề, đến nội dung và giai điệu. Hoàng Dũng - người lẽ ra đoạt giải quán quân nhờ ca khúc “Giấc mơ bình yên” - thì lại lặng lẽ chìm nghỉm. Tương tự, quán quân Cao Bá Hưng cũng không ai còn nhớ. Trương Thảo Nhi, Trương Kiều Diễm, Ưng Đại Vệ cũng không thấy sáng tác mới. Chỉ còn Phan Mạnh Quỳnh, Phạm Hồng Phước là còn bền bỉ theo đuổi nghiệp sáng tác vì còn phải trình diễn trong giới showbiz.

Nổi lên ưu điểm của các cây bút trẻ chính là giai điệu mới mẻ, bắt tai, có xu hướng hòa nhập với nhạc trẻ thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm dễ nhận thấy là cảm xúc còn non, hoặc ca từ thiếu chiều sâu. Thế nên hiện tượng “1 bài” tồn tại là dễ hiểu.

Trào lưu tự sáng tác “chiếm sóng”

Trong những năm gần đây, gần như có trào lưu là ca sĩ tự sáng tác và sẵn sàng giới thiệu ca khúc mới trong các cuộc thi mà không hề e ngại sáng tác của họ có thể bị lép vế trước những ca khúc của các nhạc sĩ gạo cội. Trong chương trình “Sao đại chiến”, từ Trọng Hiếu, Hà Lê đến Hoàng Tôn, Ái Phương, nhóm MTV… đều tự tin hát ca khúc của mình và được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Là bởi, họ đã học hỏi ở các lớp ca sĩ đi trước, từ Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Lê Cát Trọng Lý, Thủy Tiên, Trịnh Thăng Bình, Đông Nhi, Khắc Việt, Nguyễn Trần Trung Quân… cho đến lớp mới nổi như Vũ Cát Tường, Đinh Mạnh Ninh, Sơn Tùng M-TP… Bên cạnh đó là các nhà sản xuất với thế mạnh vừa sáng tác, vừa trình bày tốt các ca khúc của mình, lần lượt khẳng định tên tuổi ở các bảng xếp hạng âm nhạc trong năm qua, như Only C, Rhymastic, SlimV, Phúc Bồ, Da LAB, Tăng Nhật Tuệ, Kai Đinh…

Trong số đó, có không ít tác giả trẻ vướng nghi án đạo nhạc vì ảnh hưởng người này, người kia, song nhìn chung, sáng tác của họ được giới trẻ yêu thích và tìm thấy sự đồng cảm nhanh hơn thế hệ đi trước. Chính vì thế, nhiều người cho rằng những người trẻ, đại diện cho cái mới, cùng xu thế mới, sẽ góp phần làm “thay máu” thị trường âm nhạc.

Tuy nhiên, nói rằng họ “chiếm sóng” mạnh mẽ thì đúng hơn, còn “thay máu” vẫn là từ to tát và còn phải chờ một thời gian khá dài, khi các tác giả đã trưởng thành và tìm thấy chất liệu riêng của mình, thay vì còn “chông chênh”, bồng bềnh ở nơi nào đó với những ảnh hưởng qua lại các dòng nhạc…

MINH THI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giai-tri/trao-luu-tu-sang-tac-va-hien-tuong-mot-bai-trong-dong-nhac-tre-594475.ldo