Trào lưu vạch tội người nổi tiếng làm chao đảo dư luận

Phim tài liệu có thể làm dậy sóng truyền thông nhưng dễ rơi vào lối mòn là không mang lại những điều mới mẻ cho dư luận.

Allen v. Farrow không chỉ mang lại cái nhìn toàn cảnh về bê bối lạm dụng con gái nuôi của đạo diễn từng 4 lần đoạt giải Oscar, đây còn là "cuộc điều tra" scandal nóng nhất lịch sử Hollywood diễn ra từ rất lâu trong quá khứ.

Theo CNN, trào lưu làm phim tài liệu về người nổi tiếng tuy tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ khó giải quyết những khúc mắc. Câu hỏi "Phim tài liệu có phải là cán cân công lý hay không?" vẫn khó có lời giải.

Phong trào #FreeBritney trở lại mạnh mẽ sau khi Framing Britney Spears lên sóng.

Phong trào #FreeBritney trở lại mạnh mẽ sau khi Framing Britney Spears lên sóng.

Trào lưu "vạch tội" người nổi tiếng thông qua phim tài liệu

Gần đây, Allen v. Farrow đào bới lại quá khứ tuy diễn ra gần 30 năm trước nhưng vẫn thường xuyên được công chúng nhắc đến. Năm 1992, Dylan Farrow cáo buộc bị cha nuôi lạm dụng tình dục, lúc ấy cô 7 tuổi.

Allen Woody tuy được tòa án tuyên vô tội nhưng lại bị Hollywood tẩy chay, sự nghiệp xuống dốc. Hiện tại, Allen v. Farrow tiếp tục thổi phồng ngọn lửa #MeToo và khiến cuộc sống của đạo diễn 86 tuổi bị đảo lộn.

Series của HBO xuất hiện sau khi Framing Britney Spears làm dậy sóng dư luận. Phim tài liệu do The New York Times sản xuất bàn sâu vấn đề Britney Spears bị truyền thông đối xử tệ. Câu chuyện công chúa nhạc pop bị cha ruột giám hộ suốt 13 năm cũng được mang ra bàn tán, mổ xẻ.

Bộ phim tạo được hiệu ứng xã hội vượt ngoài sự mong đợi của nhà sản xuất. "Khi làm phim, tôi không bao giờ biết phần nào lay động cảm xúc người xem. Mọi thứ đều bất ngờ và nằm ngoài dự tính", đạo diễn Samantha Stark nói với The New York Times.

Năm 2019, Surviving R. Kelly Leaving Neverland cũng mang lại cho khán giả cái nhìn toàn cảnh cáo buộc tình dục chống lại hai ca sĩ R. Kelly và Michael Jackson. Theo CNN, sau khi phát sóng, bộ phim đã làm "hoen ố" danh tiếng của hai ngôi sao. Một số quán cà phê, nhà hàng cũng ngừng phát nhạc của cả hai sau khi bộ phim gây tác động quá lớn.

"Chúng ta đang sống trong giai đoạn cancel culture (tạm dịch: văn hóa xóa sổ, một kiểu tẩy chay người nổi tiếng vì những sai lầm họ gây ra). Cùng với cancel culture, phong trào #MeToo đã đẩy nhanh quá trình lên án ngôi sao tiêu cực", CNN viết.

Xu hướng phơi bày mặt tối Hollywood thông qua phim tài liệu ngày càng được ưa chuộng.

Tuy nhiên, phim tài liệu không trực tiếp hủy hoại tiếng tăm của ngôi sao. Chúng chỉ góp phần xem xét các cáo buộc về hành vi sai trái, mở đường cho công lý lên tiếng, còn lại là để công chúng và người trong cuộc quyết định.

Trên thực tế, các bộ phim khó mang lại những thứ mới mẻ cho công chúng, vì những cáo buộc được công khai từ lâu. Tuy nhiên, một số tác phẩm đã thành công trong việc rẽ hướng dư luận, khiến người trong cuộc ít nhiều chịu trách nhiệm về việc mình làm.

Đó gọi là consequences culture (tạm dịch: văn hóa chịu trách nhiệm).

Framing Britney Spears khiến Justin Timberlake lên tiếng xin lỗi công chúa nhạc pop vì gọi bạn gái cũ là "người phụ nữ khủng khiếp" trong MV riêng, liên tục đá đểu Spears suốt 15 năm qua.

Allen v. Farrow tuy không làm Woody Allen nhận tội nhưng cũng khiến ông chịu mở miệng, đưa ra những tình tiết mới trong vụ việc được cho là "cáo buộc nổi tiếng nhất nhì giới Hollywood".

"Người bị cáo buộc không có trách nhiệm giải thích cặn kẽ vụ việc ở tòa án, đặc biệt là những phiên tòa của người nổi tiếng. Phương tiện truyền thông đại chúng đã thay mặt công lý buộc tội những người liên quan", Tiến sĩ Allison Covey, nhà đạo đức học tại ĐH Villanova, nói với CNN.

Truyền hình nắm giữ sức mạnh làm chao đảo dư luận

Theo CNN, khoảng 10 năm gần đây, các nhà làm phim tài liệu (điện ảnh) mới có cơ hội đưa tác phẩm của mình đến các LHP, nơi chiếu công cộng. Các bản phát hành sân khấu lại hiếm hơn.

Song, truyền hình trực tuyến đã thay đổi tất cả.

Các nền tảng Netflix, Amazon và HBO Max đang trong cuộc đua tìm kiếm và độc quyền các tác phẩm tài liệu, chia chúng ra thành loạt phim nhiều phần và đưa đến khán giả toàn cầu.

Giáo sư Allison Covey cho biết góc khuất của người nổi tiếng có sức hút không kém những tội phạm nguy hiểm. "Framing Britney Spears Tiger King: Murder, Mayhem and Madness đưa ra những bí ẩn chưa có có lời giải đáp hoặc những thuyết âm mưu cần được sáng tỏ. Người xem thường bị thu hút bởi điều này và chia sẻ chúng lên mạng xã hội, khiến phim tài liệu được quan tâm nhiều hơn", ông chia sẻ.

Xét lại trường hợp của R. Kelly. Tuy là ngôi sao R&B nổi tiếng của thập niên 1990 nhưng từ lâu danh tiếng của nam ca sĩ bị vấy bẩn bởi những cáo buộc xâm hại tình dục, gạ gẫm phụ nữ trẻ.

Sự nghiệp ca sĩ R. Kelly gần như chấm dứt khi bộ phim tài liệu Surviving R. Kelly lên sóng.

Tháng 7/2017, BuzzFeed có bài điều tra về nam ca sĩ. Trong đó, có hai gia đình cáo buộc R. Kelly lạm dụng tình dục con gái họ bằng cách giam giữ các cô gái trẻ thông qua giáo phái.

Lúc ấy, luật sư của Kelly phủ nhận cáo buộc. Một trong những phụ nữ trẻ cũng cho biết không bị nam ca sĩ tẩy não. Ngôi sao 48 tuổi tiếp tục hoạt động nghệ thuật.

Đến tháng 1/2019, bộ phim tài liệu Surviving R. Kelly phát trên Lifetime chính thức hủy hoại sự nghiệp nam ca sĩ. Tác phẩm đã kể lại những cáo buộc tình dục mà R. Kelly từng gặp phải, nhiều nạn nhân cũng xuất hiện và khóc lóc trong bộ phim. Cuối cùng, Surviving R. Kelly có hơn 26 triệu lượt xem.

Vài tuần sau, Kelly chính thức bị hãng thu âm RCA sa thải. Nam ca sĩ cũng bị bồi thẩm đoàn ở Illinois truy tố 10 tội danh lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, Kelly đã không nhận tội và tiếp tục chờ các phiên điều trần tiếp theo.

Đầu năm 2020, Lifetime lên kế hoạch phát phần tiếp theo mang tên Surviving R. Kelly Part II: The Reckoning, tiếp tục chống lại nam ca sĩ.

Theo Ted Mandell, giảng viên dạy môn Phim tài liệu tại ĐH Notre Dame, các cáo buộc của sao Hollywood được kể trên báo chí rất hấp dẫn nhưng không thể tạo hiệu ứng như phim tài liệu.

"Kể chuyện bằng hình ảnh hiệu quả hơn hẳn bởi khán giả có được sự liên kết với nhân vật, người bị hại. Máy quay có sức mạnh khó nói. Khán giả đọc được nét mặt của chính nhân vật và hiểu câu chuyện một cách trực quan nhất", Mandell nói.

Phim tài liệu nói thay công lý?

Tuy nhiên về bản chất, phim tài liệu dễ bị phiến diện.

Woody Allen đã từ chối phỏng vấn cho Allen v. Farrow. Phim chỉ khai thác được gia đình Farrow, trong khi đó những câu nói, biện bạch của đạo diễn tai tiếng chỉ được trích từ tự truyện của ông.

Trong cuộc phỏng vấn với Hollywood Reporter, Allen tiếp tục phủ nhận các cáo buộc và lên tiếng chỉ trích bộ phim do HBO sản xuất. "Họ không quan tâm đến sự thật. Họ lén lút hợp tác với nhà Farrows để thực hiện bộ phim đầy rẫy sự giả dối", đạo diễn 4 lần đoạt giải Oscar nói.

Cây bút Brian Lowry của CNN từng nói trước đó là việc ủng hộ bên nào cũng ảnh hưởng rất lớn với cách sản xuất phim tài liệu. Tiến sĩ Allison Covey lại cho rằng dịch vụ phát trực tuyến đã ảnh hưởng nhiều đến cách khai thác câu chuyện trên phim.

"Đừng quá kỳ vọng phim tài liệu ngày nay sẽ cung cấp thông tin tuyệt đối khách quan. Những bộ phim có mặt trên dịch vụ phát trực tuyến thường chú trọng vào cảm xúc, giải trí nhiều hơn là sự thật", Covey đưa quan điểm.

Phim tài liệu có phải là cán cân không lý không là câu hỏi khá nhiều người thắc mắc.

Giáo sư Mandell lại cho rằng phim tài liệu không phải để buộc tội ai đó mà là đồng cảm với nạn nhân bằng cách thổi phồng, cảm xúc hóa câu chuyện của họ.

Ngoài ra, như đã đề cập từ đầu, phim tài liệu khó mang lại sự mới mẻ ngoài những điều công chúng đã biết. "Bạn có gì mới cho khán giả? là câu nỏi nan giải của các đạo diễn khi phần lớn sự thật đều được phơi bày trên báo chí", David Resha, phó giáo sư ĐH Emory cho biết.

Los Angeles Times gọi phim của HBO là cái đinh đóng trong "quan tài di sản" của Woody Allen. IndieWire nói rằng Allen v. Farrow có thể là cán cân thay mặt cho công lý. Song, series sẽ tác động thêm gì trong sự nghiệp Woody Allen lại là điều khó nói.

Có người cho rằng Allen Woody bị hủy nhiều hợp đồng. Song, đó là chuyện trước kia. Việc Amazon hủy hợp đồng bốn phim và từ chối xuất bản hồi ký của Allen đã diễn ra vài năm trước. Năm 2019, tuy A Rainy Day in New York không được công chiếu ở Mỹ nhưng vẫn thu 22 triệu USD tại nước ngoài.

Tuy không giải quyết được vấn đề tồn đọng là "sự thật như thế nào", phim tài liệu vẫn phần nào giúp công chúng hình dung được vấn đề tồn đọng.

"Sự thật là gì không quan trọng nữa, điều chúng ta cần là công chúng tin vào những gì", Mia Farrow nói trong phim.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-vach-toi-nguoi-noi-tieng-lam-chao-dao-du-luan-post1187993.html