Trào lưu vẽ tranh bích họa: Cần phải có sự kiểm duyệt

Bích họa đang trở thành một phong trào của Hà Nội. Bên cạnh việc mang đến sự mới mẻ thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô vì tính tự phát và không có kiểm duyệt.

Gần đây, việc chỉnh trang thay đổi diện mạo không gian công cộng nơi đô thị Hà Nội đã trở thành phong trào sâu rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa) vốn cũ kỹ giữa trung tâm thành phố, giờ đã được khoác lên mình những bức tranh bích họa rực rỡ màu sắc, mang đặc trưng của Hà Nội xưa.

Hay ngõ 23 phố Giang Văn Minh (quận Ba Ðình) cũng được trang trí bích họa lên bức tường của Trường THCS Nguyễn Trãi. Trước đó, rất nhiều không gian công cộng của Hà Nội cũng được tô điểm bởi tranh bích họa. Ngõ Ao Dài (tổ dân phố số 2, Phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) dài 400m với hàng chục bức tranh lớn nhỏ khác nhau với nội dung mang hướng tuyên truyền về môi trường, trẻ em, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội.

Dự án cộng đồng ở phố Phùng Hưng đã trở thành một phần của phố cổ Hà Nội

Hay con đường Hủng vào làng Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cũng được thay đổi diện mạo bằng những bức tranh nghệ thuật tươi tắn. Ngoài bích họa, những bức tường ở các con phố nhỏ của Hà Nội còn được trang trí bằng gốm sứ. Ví như ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hay ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã được người dân tự góp tiền thuê thợ gắn những tấm gốm thô mộc thành các bức tranh phong cảnh, làng quê...

Thế nhưng, bên cạnh những dự án làm hay, làm tốt thì nhiều nơi người dân tự phát hoặc chưa được chú trọng về nội dung nghệ thuật đã gây ra không ít băn khoăn, lo lắng. Nếu con đường gốm sứ ven sông Hồng hay phố bích họa Phùng Hưng được dư luận, cũng như giới chuyên môn đánh giá cao, thì không phải phố bích họa nào cũng được đánh giá là có giá trị mỹ thuật, góp phần tôn tạo cảnh quan. Với những người quản lý nghệ thuật, sự xuất hiện của bức tranh bích họa liên tiếp mang đến những lo ngại.

Mới đây nhất, dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã được một nhóm họa sĩ là cựu học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng thực hiện từ đầu tháng 10/2018. Khoảng 20 bức tranh trong tổng thể tác phẩm dự kiến đã được hoàn thành, có chủ đề “Hà Nội xưa và nay”, được chia thành hai mảng quá khứ - hiện tại. Phần quá khứ hiện hữu qua những bức tranh về Hà Nội xưa, phần hiện tại là những bức tranh tái hiện những khoảnh khắc đẹp nhất trên phố Phan Đình Phùng.

Dù ý tưởng và thực hiện từ các họa sĩ chuyên nghiệp thế nhưng việc vẽ tranh trên con phố được coi là đẹp nhất ở Thủ đô đã gây ra nhiều tranh cãi. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Hà Nội không thể vẽ tùy tiện được vì những mặt phố cổ kính từ thời Pháp đã quá đẹp như mặt tường phố Phan Đình Phùng vẫn còn nguyên vẹn cùng với kiến trúc và cây xanh. Nhưng vừa rồi vẽ quá nhiều thì tôi cho là sự tùy tiện.

Có những nơi không cần vẽ vẫn đẹp, chỉ cần bảo đảm yếu tố xanh – sạch – đẹp là đủ rồi”. Rõ ràng bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng, không gian nào là phù hợp, hình thức thể hiện và cách thức thực hiện ra sao để đảm bảo sự hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại vẫn luôn là bài toán lớn đối với những người làm nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển nghệ thuật của dự án công cộng phố bích họa Phùng Hưng cho biết, có rất nhiều cấp độ về tranh bích họa. Phải là tổ chức chuyên nghiệp mời những nghệ sĩ chuyên nghiệp thì mới ra được những tác phẩm bích họa đúng nghĩa. Vì bích họa đòi hỏi kiến thức nhiều hơn họa sĩ chỉ quen vẽ với một tấm toan ở trong xưởng.

Nó đòi hỏi sự hiểu biết về cảnh quan, về không gian, ngữ cảnh, về mối quan hệ với cộng đồng ở quanh bức tường hay địa hình được khoác tấm áo nghệ thuật lên. Những tác phẩm đó thay vì nói lên cái “tôi” riêng của người nghệ sĩ, cần toát lên cái “tôi” chung của cộng đồng.

TS Nguyễn Viết Chức – Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội cho rằng, không thể phủ nhận có những con ngõ nhỏ, những bức tường bẩn thỉu đã được các họa sĩ vẽ những bức họa thay màu áo mới cho con phố trở nên sạch đẹp hơn được cư dân xung quanh hoan nghênh.

Nhưng không phải bích họa tốt, họa sĩ vẽ đẹp mà chỗ nào cũng vẽ được mà vẽ cái gì, vẽ như thế nào và vẽ ở đâu cũng phải được tính toán, phải được sự đồng ý của cư dân. Hơn nữa, ở những nơi không cần thiết những bức vẽ như thế, nếu vẽ sẽ làm phá hỏng không gian ở đó thì cũng không được phép vẽ. “Có lẽ đã đến lúc đây được coi như loại hình nghệ thuật công cộng, đại chúng.

Ngành văn hóa và các cơ quan quản lý nên đưa vào danh mục những thứ có thể kiểm soát, chứ không thể nào tự do mãi được. Nếu không cẩn thận có thể trở thành vấn nạn. Cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, nơi nào được phép vẽ tranh bích họa, nơi nào không được vẽ để phát huy mặt tốt và hạn chế mặt chưa tốt nếu nó nở rộ thành phong trào” – TS Chức cho biết.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/trao-luu-ve-tranh-bich-hoa-can-phai-co-su-kiem-duyet-83189.html