Trào lưu yoga - Kỳ cuối: Thiếu sự quản lý chặt chẽ

Có lợi cho sức khỏe, thế nhưng không phải ai cũng có thể phù hợp với yoga. Có lẽ chính sự chạy theo lợi nhuận, sự dễ dàng của người dạy, người học khiến yoga đôi khi bỗng trở thành 'tội đồ' của sức khỏe. Tuy đã có cả một Liên đoàn yoga Việt Nam, nhưng việc quản lý về vẫn không thực sự sâu sát.

Bắt nguồn từ những “lò” đào tạo huấn luyện viên quá dễ dãi

Trong một phòng yoga, huấn luyện viên sẽ là trung tâm và trái tim của cả không gian đó. Thế nên, việc có một huấn luyện viên đúng chuẩn và thực sự hiểu về yoga có lẽ là điều quan trọng nhất.

Ở điểm này, theo bà Nguyễn Thị Thu Xinh, Phó Chủ tịch HĐQT Cty Thiền và yoga Trái Tim Vàng, thì: “Để có thể trở thành một huấn luyện viên, người học buộc phải thực sự hiểu mình. Vì thời điểm này yoga đã thực sự là một ngành nghề chứ không còn đơn thuần là một bộ môn thể dục quần chúng”.

Cũng theo bà, trong quá trình học phải luôn đặt cho mình mục tiêu rõ ràng, hiểu được năng lực của bản thân. Yoga có lịch sử hơn 5.000 năm và đỉnh cao của yoga chính là khoa hoa học tâm thức, khoa học năng lượng con người. “Nghề nghiệp nào cũng phải luôn có khó khăn thử thách và hiện nay yoga càng có nhiều thử thách, nhiều ý chí hơn. Yoga không phải một kỹ năng; nên bộ môn này không dành cho những người vô kỷ luật, lười biếng và người chỉ thích làm giàu nhanh. Vậy nên bất kỳ ai đang có ý định đổi nghề, đều cần cân nhắc thật kỹ”, bà Thu cho biết.

Cùng quan điểm, anh Thành Duy, giáo viên một trung tâm yoga cho biết, để đạt được “ngưỡng” yoga phải trải qua 3 giai đoạn: rèn luyện sức khỏe, rèn luyện chân ngã, hòa hợp vũ trụ. Tuy nhiên, có người cả đời cũng không luyện xong phần một, phần căn bản. Nhưng để đáp ứng nhu cầu, nhiều cơ sở đã đào tạo huấn luyện viên cấp tốc chỉ trong vài tháng. Hay nhiều nơi chuộng giáo viên người nước ngoài, nhiều nhất là Ấn Độ. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố đáng lưu ý khi tập luyện.

Và từ sự dễ dãi đó, việc có những bất cập từ yoga là lẽ đương nhiên. Chia sẻ về điểm này, bà Thu thẳng thắn: “Đầu tiên yoga gắn liền với hơi thở nhưng rất nhiều người đi học lại chỉ tập trung vào kỹ thuật các tư thế. Điều này đôi khi không giúp sức khỏe của bạn cải thiện mà còn có tác dụng ngược trong quá trình luyện tập. Yoga chú trọng vào việc cảm nhận bản thân, sự thư giãn và sự cảm nhận trong từng động tác thông qua hơi thở nên nếu học viên chỉ tập trung vào những thế tập đẹp mắt thì dễ dàng bị chấn thương”.

Như thế có nghĩa, với những huấn luyện viên không thực sự có chuyên môn, yoga hoàn toàn trở thành phản tác dụng.

Hơn nữa, với quan điểm y học, bác sĩ Lê Thanh Tùng, BV Thể thao thẳng thắn: “Huấn luyện viên môn yoga ở ta phần nhiều không được học cơ bản về y tế, nên áp dụng một hình thức tập cho nhiều người. Yoga có lợi cho sức khỏe, nhưng nguyên tắc là phải phù hợp lứa tuổi: có bài tập dành riêng người già, có bài tập chỉ dành cho lớp trẻ và phải đi từ thấp đến cao”.

Việt Nam đã có Liên đoàn yoga .

Chưa có sự quản lý rõ ràng

Mặc dù Liên đoàn yoga Việt Nam đã ra đời, và người tập yoga cũng đã từng hi vọng sẽ có một đơn vị, cơ quan quản lý chuyên nghiệp với những quy định, thông tư rõ ràng cho yoga. Tuy nhiên, việc ấy có lẽ chỉ dừng trên giấy, và Liên đoàn cũng chỉ hoạt động như một… hội nghề nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện của Vụ Thể dục thể thao quần chúng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nhận định, phong trào tập luyện yoga rất tốt, gần như đã phát triển ở các khu vực Bắc, Trung, Nam, các TP đều có tập luyện bộ môn này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có căn cứ gì để quy định cho các phòng tập yoga. Do đó công tác thống kê, rà soát các phòng tập cũng như chất lượng là vô cùng khó khăn.

Thời điểm hiện tại, Sở Văn hóa và thể thao là cơ quan quản lý Nhà nước, được UBND TP ủy quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể dục thể thao (TDTT), đã nhiều lần có những kiến nghị, đề xuất đến các cấp có thẩm quyền đề nghị nghiên cứu soạn thảo Thông tư hướng dẫn môn yoga, nhưng hiện tại vẫn chưa được ban hành…

Với thực tế hiện nay, chỉ cần xin được giấy phép đầu tư là đã có thể mở cửa hoạt động các lớp yoga, còn những vấn đề về chuyên môn chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý. Hơn nữa, do thiếu sự quản lý sâu sát, nhiều trung tâm quảng cáo sự có mặt của các huấn luyện viên chuyên nghiệp từ nước ngoài về giảng dạy, nhưng thực tế không ai chứng minh được là họ có bằng cấp quốc tế về chuyên môn. Mặc dù biết nhiều trường hợp làm huấn luyện viên không có bằng cấp gì nhưng thực tế vẫn chưa có đủ chế tài để xử phạt.

Yoga là một phương pháp luyện thân, luyện tâm bắt nguồn từ xa xưa. Không ai phủ nhận cái ưu việt của nó. Thế nhưng khi về Việt Nam, yoga trở thành một bộ môn… thể dục bình dân không khác gì bóng đá hay chạy bộ. Dễ dàng khi đào tạo, dễ dãi khi giảng dạy, dễ dãi khi cấp phép cho một trung tâm, phòng tập yoga… khiến yoga ở Việt Nam, lợi bất cập hại.

Việc cần có một chế tài, một hành lang pháp lý và cần có một đơn vị thực sự quản lý cho yoga là điều hết cấp bách trong tình hình hiện nay.

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/trao-luu-yoga-ky-cuoi-thieu-su-quan-ly-chat-che-114035.html