Trao quyền bảo vệ di sản

Mở rộng trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo, tin cậy ở giới trẻ và kể cả việc phát huy tối đa tín ngưỡng... để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là vấn đề được nhấn mạnh hôm qua (7.11) tại hội nghị quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

CLB ca Huế có nhiều thành viên là học sinh, trong đó có cháu mới 10 tuổi - Ảnh: Đình Toàn

Hội nghị “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) vì sự phát triển cộng đồng bền vững” khởi động từ ngày 6.11 tại Thừa Thiên-Huế, dự kiến kết thúc hôm nay 8.11, thu hút 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ DSVHPVT từ 16 quốc gia cử đại diện tham dự. Hội nghị do Trung tâm thông tin và mạng lưới quốc tế về DSVHPVT khu vực châu Á - Thái Bình Dương do UNESCO bảo trợ phối hợp Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức.

Tin ở thế hệ trẻ

Chiều 7.11, tại phiên thảo luận đặc biệt về bảo tồn DSVHPVT ở VN, nói về nhã nhạc triều Nguyễn sau 15 năm được UNESCO ghi danh, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: Sau khi được ghi danh, Thừa Thiên-Huế đã thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị nhã nhạc bao gồm cả 3 lĩnh vực: nghiên cứu, lưu trữ; truyền dạy và chính sách nghệ nhân; biểu diễn quảng bá đến với cộng đồng.

Nội dung box

Gần một năm trước, gần lễ Giáng sinh, trong căn phòng ở số 25 Lê Lợi (TP.Huế, trụ sở UBND TP.Huế cũ), công chúng yêu ca Huế lần đầu thưởng thức chương trình ca Huế với Giáng sinh. Trong số những “ca nương”, “ca nhi” có nhiều học sinh, bên dưới khán phòng có nhiều nữ tu. Lần đầu tiên, các làn điệu ca Huế như Long ngâm, Tứ đại cảnh, Hò mái nhì, Tương tư khúc... bước vào “địa hạt” Giáng sinh.

Tham luận tại hội thảo, nhà thơ Võ Quê xác nhận chuyện có thành viên CLB ca Huế hiện chỉ mới 10 tuổi. Theo ông, hoạt động của CLB ca Huế là một trong nhiều cách đã và đang được áp dụng tại VN như là nỗ lực để bảo tồn, phát huy DSVHPVT, được các học giả, nhà quản lý văn hóa quốc tế đánh giá cao. Các đại biểu cũng thảo luận về chủ đề “truyền thừa” DSVHPVT cho thế hệ trẻ. Bà Đường Ngọc Hà (Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho biết tại di tích Quốc Tử Giám, việc thuyết minh giới thiệu cho các học sinh truyền thống khoa bảng các dòng họ được diễn ra thường xuyên; hoạt động giới thiệu chèo, dân ca quan họ thông qua các trò chơi, cuộc thi trở thành “kênh” truyền đạt kiến thức cho học sinh rất tốt.

Ủng hộ cách thức gìn giữ, bảo tồn DSVHPVT không phải chỉ dừng ở việc “đóng khung, đóng băng để bảo vệ nguyên trạng”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, còn gợi ý hình thức truyền đạt kiến thức, kỹ năng và ý nghĩa của di sản. “Cần chú trọng tới các quá trình chuyển giao hay truyền thông về di sản cho các thế hệ tương lai, chứ không chỉ nằm ở việc duy trì các hoạt động cụ thể như ca hát, nhảy múa, nhạc cụ hay thủ công mỹ nghệ”, ông Croft nói.

Giáo dục hữu ích về môi trường

GS-TS Amareswar Galla, Giám đốc điều hành Học viện quốc tế dành cho bảo tàng hội nhập (Mỹ, Ấn Độ và Úc), đưa ra con số cảnh báo tại VN, với khoảng 800 ngôi làng sẽ bị ngập đến năm 2051 do biến đổi khí hậu. “Số liệu” này minh họa cho viễn cảnh xáo trộn lớn về đời sống dân cư, DSVHPVT cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo TS Trần Hữu Sơn (Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN), một chi tiết thú vị là vùng cao Lào Cai liên tiếp bị lũ ống, lũ quét, băng giá, cháy rừng… nhưng riêng cộng đồng người Hà Nhì chưa bao giờ lâm nạn. Câu trả lời mang tính thời sự: Do người Hà Nhì lưu giữ, trao truyền hệ thống văn hóa phi vật thể qua nhiều thế hệ, hệ thống này có nội dung bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và cộng đồng tuân thủ nghiêm ngặt.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cũng lưu ý nhiều đến công tác giáo dục môi trường. Về mặt văn hóa, VN có sẵn triết lý đối xử với bà mẹ thiên nhiên. Đó là “Tứ pháp” trong Phật giáo hay “Tứ phủ” trong tín ngưỡng thờ Mẫu, tất cả đều đề cao những giá trị thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên... “Tín ngưỡng là thành phần quan trọng trong văn hóa phi vật thể, qua đó giáo dục hữu ích về môi trường. Sử dụng văn hóa phi vật thể cũng sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu một cách tích cực nhất”, PGS-TS Đặng Văn Bài nói.

Đình Toàn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/trao-quyen-bao-ve-di-san-1021157.html