Trao sinh kế để người nghèo vươn lên

Để hỗ trợ người nghèo hiệu quả, Mặt trận TP Thủ Đức (TPHCM) đã phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động vận động hỗ trợ người nghèo. Trong đó, nổi bật là các hoạt động như trao tặng sinh kế, gian hàng 0 đồng, đi bộ gây quỹ…

Trao phương tiện sinh kế, một giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững ở TP Thủ Đức.

Trao phương tiện sinh kế, một giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững ở TP Thủ Đức.

Giúp người nghèo vượt qua khó khăn

Ông Trần Hữu Phước - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức cho biết, mô hình “Trao tặng phương tiện sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn” được triển khai từ năm 2013 do MTTQ quận 9 (cũ) thực hiện; năm 2017 được nhân rộng trên địa bàn quận Thủ Đức (cũ). Đến nay mô hình này được duy trì rộng rãi trên địa bàn TP Thủ Đức, giúp người nghèo, người hoàn cảnh khó khăn có phương tiện sinh kế làm ăn, vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Thống kê của Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức, năm 2019 trao tặng 120 phương tiện sinh kế, với tổng số tiền trên 627 triệu đồng; năm 2020 trao tặng 98 phương tiện, với tổng số tiền trên 512 triệu đồng và năm 2021 trao tặng 107 phương tiện với tổng số tiền trên 561 triệu đồng.

Từ kết quả trên đã giúp cho gần 280 hộ thoát nghèo bền vững. Năm 2022, Ban thường trực Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế tại 3 địa điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến nhận, trong đó có 40 phương tiện sinh kế được trao tặng gồm: 5 xe gắn máy, 16 xe nước mía, 2 xe bán cơm, bánh ướt, 4 xe hủ tiếu, 2 xe nước giải khát, 6 xe bánh mì, 3 máy may… tổng trị giá hơn 328 triệu đồng. “Hỗ trợ những phương tiện sinh kế cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn là hình thức trao tặng “cần câu” để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Qua đó, động viên tinh thần các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”- ông Phước nhấn mạnh.

Bà Lưu Thị Hải (phường Hiệp Bình) chia sẻ, trước đây bà là công nhân may ở Thủ Đức, còn chồng bà chạy xe ôm ở đầu hẻm. Năm 2016, do công ty nơi bà Hải làm việc gặp khó khăn dẫn đến phải đóng cửa, bà thất nghiệp. Lúc đó, do sức khỏe yếu nên bà Hải khó tìm cho mình một việc làm tại một doanh nghiệp may khác. Mọi chi tiêu từ sinh hoạt gia đình cho đến việc học hành của 2 người con đều trông chờ vào thu nhập chạy xe ôm của chồng, đời sống vô cùng khó khăn.

Năm 2018, bà Hải được Ủy ban MTTQ quận Thủ Đức tặng một máy may. Thời gian đầu, bà nhận gia công quần áo lại từ các bạn hàng, các đại lý, sau đó nhờ có người giới thiệu, bà Hải mở rộng nhận đơn hàng trực tiếp từ các công ty. Đơn hàng ngày càng nhiều, thu nhập theo đó cũng tăng lên, 2 năm sau, bà Hải thuê 1 căn nhà trong hẻm để mở rộng cũng như có kho chứa hàng hóa. Bên cạnh đó, bà còn nhận thêm 2 lao động vào đào tạo, làm việc, bao ăn ở, lương mỗi tháng trung bình hơn 10 triệu đồng/người.

“Có được như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, nhất là Mặt trận đã quan tâm động viên, trao tặng phương tiện sinh kế. Hiện kinh tế gia đình tôi đã ổn định, có phần dư giả, vì vậy gia đình tôi rất muốn phát triển cơ sở hơn nữa để nhận thêm người lao động khó khăn vào làm việc” - bà Hải mong muốn.

46 nghìn hộ được sử dụng gian hàng 0 đồng

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm hộ nghèo tăng hộ khá trên địa bàn TP Thủ Đức, năm 2018, mô hình “Phiên chợ 0 đồng chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn” được Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức phối hợp triển khai tại một số phường trên địa bàn. Theo bà Lê Thị Bấc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức, lúc đó chương trình được Mặt trận các phường tổ chức trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và nhân dịp lễ, Tết Nguyên Đán cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, mô hình này được triển khai chăm lo ở 34 phường nhằm chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, nhất là các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện nay, mô hình này vẫn được duy trì ở 34 phường với tên gọi “Gian hàng 0 đồng”, được các phường triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, điển hình nhất là phường Linh Tây thực hiện theo hình thức tổ chức gian hàng 0 đồng định kỳ hàng tuần, với hình thức ai thiếu đến nhận và ai thừa đến cho với nhiều sản phẩm từ nhu yếu phẩm đến các vật dụng gia đình, quần, áo…

Mô hình góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm hộ nghèo tăng hộ khá trên địa bàn TP Thủ Đức và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường thông qua việc đổi các vật dụng, vỏ chai nhựa, bìa carton… để nhận quà. Kết quả từ năm 2019 đến nay các phường đã tổ chức hơn 300 gian hàng 0 đồng, qua đó đã hỗ trợ hơn 46 nghìn hộ gia đình với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Chia sẻ về những kinh nghiệm hoạt động của mình, bà Lê Thị Bấc cho rằng, phải phối hợp với các cấp ủy, chính quyền; triển khai đồng bộ chặt chẽ với các tổ chức thành viên, ban, ngành các cấp. Đặc biệt, liên tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp và vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân cùng tham gia công tác hỗ trợ an sinh.

Từ 2017 đến nay, chương trình “Đi bộ đồng hành Vì người nghèo” do TP Thủ Đức tổ chức đã vận động được 19,5 tỷ đồng. Cụ thể: Năm 2017 vận động được 3 tỷ đồng; năm 2018 và 2019 mỗi năm vận động được 3,5 tỷ đồng; năm 2020 vận động được 6,5 tỷ đồng; năm 2021 chương trình không thực hiện do dịch Covid-19 bùng phát; năm 2022 vận động được 3 tỷ đồng. Nguồn lực này đã giúp cho rất nhiều hộ nghèo thoát nghèo.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trao-sinh-ke-de-nguoi-ngheo-vuon-len-5718045.html