Traphaco 'kích hoạt' cuộc đua trên thị trường tân dược

Nhà máy sản xuất Dược Việt Nam được đầu tư quy mô lớn với các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới được Traphaco chính thức đưa vào vận hành từ đầu tháng 11 đã hâm nóng thị trường tân dược vốn đang tỏa nhiệt cạnh tranh hầm hập bấy lâu nay.

“Tân binh” nặng ký

Mảng tân dược vốn không phải là thế mạnh của TRA trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, do đó, tham gia sâu vào một thị trường đang có mức độ cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến TRA đối mặt với không ít thách thức. Ban lãnh đạo TRA, những người có thâm niên vài chục năm trong ngành dược phẩm nhận thức rõ điều đó và họ đã chủ động thiết lập chiến lược ứng phó. Đó là đầu tư nhà máy đạt chuẩn công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, với các dây chuyền sản xuất thuốc tự động, đạt chuẩn quốc tế khắt khe.

Nhà máy sản xuất Dược Việt Nam có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, với công suất 1,2 tỷ đơn vị/năm. Công nghệ, máy móc được sử dụng tại nhà máy đều là nhóm dẫn đầu, với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới các tiêu chuẩn GMP EU, PIC/S.

Ấn tượng nhất là công nghệ BFS trong sản xuất Thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi. Với công nghệ này, lọ thuốc nhỏ mắt sẽ được tạo ra trực tiếp từ hạt nhựa nguyên sinh, tự động tiệt trùng vỏ lọ, tự động bơm dịch và hàn kín lọ trong khu vực vô trùng. Quá trình sản xuất được cài đặt tự động, liên tục, không có sự can thiệp của con người.

Dây chuyền thuốc viên được trang bị hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ của châu Âu kết nối liên hoàn, khép kín đảm bảo giảm thiểu nguy cơ bay bụi ra ngoài môi trường, khắc phục hoàn toàn nguy cơ nhiễm chéo trong quản lý sản xuất (hiện tại các nhà máy, một dây chuyền sản xuất nhiều loại thuốc nên mất nhiều chi phí, công sức để áp dụng các giải pháp nhiễm chéo bụi thuốc)

Còn toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị của các dây chuyền sản xuất thuốc nước và thuốc uống siro, đều được thiết kế đồng bộ với hệ thống pha chế hoàn toàn tự động, được kiểm soát bằng các phần mềm công nghệ hiện đại nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do tác nhân con người.

Bên cạnh đó, hệ thống điều hòa không khí được thiết kế đặc biệt, cho từng khu vực sản xuất riêng biệt, cho phép các thông số vận hành được kiểm soát trực tuyến, kết nối hệ thống máy tính giám sát từ xa, đảm bảo các điều kiện sản xuất được khống chế tối đa trong giới hạn cho phép, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu khắt khe nhất của công nghệ sản xuất dược phẩm hiện nay.

Đón đầu xu hướng

Ở dự án này, Traphaco đã bước đầu chứng minh được tầm nhìn chiến lược dài hạn, thích ứng với xu thế thị trường và năng lực triển khai, vận hành đúng kế hoạch.

Trước hết, phải kể đến tiến độ thần tốc trong xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà máy. Sau gần một năm rưỡi kể từ khi khởi công, nhà máy đã hoàn thành, vượt tiến độ và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP-WHO. Đáng chú ý, các dây chuyền như Thuốc nhỏ mắt đã đạt chuẩn và đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu GMP EU, PIC/S.

Anh Nguyễn Bảo Huấn, Trưởng phòng Quản lý thiết bị chia sẻ “Để về đích kịp tiến độ đề ra, chúng tôi đã làm việc không có ngày nghỉ, thậm chí có những thời điểm tập trung 24/24 mỗi ngày”.

Nói về độ kỹ tính trong việc chọn lựa công nghệ, anh Huấn kể: “Một tháng chúng tôi đi nước ngoài thậm chí 2-3 lần, đi liên tục để chọn công nghệ. Chỗ nào có cái hay, công nghệ mới là tìm đến. Chúng tôi tiếp cận đủ mọi nguồn từ thông tin về công nghệ, các tạp chí hay người giới thiệu. Chúng tôi đến tận hãng có công nghệ tốt, xem thực tế và hồ sơ tài liệu như nào, mức độ chi phí ra sao rồi tính toán mức độ cạnh tranh…Khi chọn lựa máy móc, thành viên ban dự án đều bàn thảo rất kỹ lưỡng, đặt lên bàn mọi chi tiết về công nghệ, giá thành, hồ sơ đáp ứng tiêu chuẩn, về dịch vụ hậu mãi, sử dụng tiết kiệm năng lượng để cân nhắc, quyết định phương án tốt nhất rồi trình lên ban lãnh đạo, hội đồng quản trị xem xét”. Thực địa nhà máy sẽ thấy những cỗ máy chạm tới nóc xưởng, bóng loáng, đồ sộ và khép kín. Nhiều thiết bị đưa về được nhà máy mất kha khá thời gian vì phải đặt chế tạo, thậm chí là hơn một năm, còn thông thường thì từ 6 tháng đến 1 năm. Có những chiếc máy nặng tới 14-15 tấn cần vận chuyển và lắp đặt trong nhà máy... “Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải để lại các khung vừa cho việc đưa máy vào nhà xưởng. Mọi việc xong xuôi rồi mới tiến hành bịt khung lại”.

Ngành dược phẩm Việt Nam đang bước vào giai đoạn lột xác với sự dịch chuyển không thể ngăn cản từ số lượng sang chất lượng. Xu hướng toàn cầu hóa và dịch chuyển sản xuất sang các “công xưởng dược phẩm mới” như Việt Nam, Indonesia… khiến việc nâng cấp lên các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế là yêu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển trong cả kênh OTC, ETC.

PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, ưu thế chủ đạo sẽ đến với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế (EUGMP, PIC/S) bởi vừa đảm bảo chất lượng thuốc theo chuẩn châu Âu, Mỹ vừa có chi phí cạnh tranh, rẻ hơn Trung Quốc 20%, Ấn Độ 30%, Nhật Bản 40%.

Với chiến lược đầu tư bài bản, ưu tiên công nghệ hiện đại cho Nhà máy sản xuất Tân dược, tuy đi sau nhưng rõ ràng Traphaco sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Một điểm mạnh trong nước cờ chiến lược đầu tư cho mảng tân dược của Traphaco được giới đầu tư “mổ xẻ” và đánh giá cao là trước khi đầu tư nhà máy mới, Traphaco đã tái cấu trúc sâu hệ thống phân phối, chuyển trọng tâm từ các nhà phân phối bán sỉ sang các hiệu thuốc bán lẻ. Chiến lược này đã thành công và đem lại kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2015 và năm 2016 cho Traphaco. Hiện hệ thống của Traphaco đã lên tới gần 27.000 nhà thuốc, còn độ phủ thì rộng lớn với gần 40.000 cửa hàng. Có sẵn hệ thống phân phối mạnh cho nhà máy tân dược là lợi thế “độc đắc” không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được.

Qua nhiều lần gặp và trao đổi với Ban lãnh đạo Traphaco, đứng đầu là ông Trần Túc Mã, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, giới phân tích đánh giá, họ giỏi về chuyên môn, nhanh nhạy với thị trường cũng như linh hoạt, táo bạo, chịu khó học hỏi và thay đổi theo các xu hướng mới trên thị trường. Cùng với hơn 800 nhân sự Traphaco vừa được Anphabe khảo sát và đánh giá có chỉ số hạnh phúc và gắn kết với tổ chức cao hơn hẳn mức trung bình ngành và toàn thị trường. Đó sẽ là “sức mạnh” để nhà máy dược Việt Nam sớm cất cánh, trên con đường hiện thực chiến lược mới của Traphaco.

Lan Anh

Nguồn NDH: http://ndh.vn/traphaco-kich-hoat-cuoc-dua-tren-thi-truong-tan-duoc-20171106094236157p4c147.news