'Trầu cau' trong nền tân nhạc Việt Nam

Cách đây 70 năm, có một thiếu niên 16 tuổi chập chững bước vào khu vườn tân nhạc Việt Nam bằng ca khúc đầu tay Trầu cau. Sau này, người thiếu niên ấy đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, đó chính là cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Bìa nhạc Trầu cau do Nhà xuất bản Tinh hoa ấn hành.

Cổ tích trầu cau

Người Việt Nam ai cũng thuộc lòng truyện cổ tích Trầu cau. Thời vua Hùng thứ tư, nhà quan lang họ Cao có hai người con trai sinh đôi giống nhau như đúc, người anh tên Tân còn người em tên Lang. Đến năm họ 17, 18 tuổi thì cha mẹ đều mất. Hai anh em đến xin trọ học tại nhà một vị danh sư.

Ông thầy có một cô con gái đẹp người đẹp nết, được cha gả cho người anh. Từ lúc có vợ, Tân hầu như quên mất người em của mình. Lang rất buồn nhưng cố giữ hòa khí. Cho đến một hôm, hai anh em có việc đi ra ngoài và cùng trở về rất muộn. Lang vào nhà trước, người vợ tưởng nhầm là chồng mình, đến ôm chầm lấy. Tân vào sau, chứng kiến và nổi cơn ghen.

Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, quê gốc Điện Bàn, Quảng Nam, lớn lên tại Đà Nẵng.

Đau buồn vì bị hiểu nhầm, Lang bỏ nhà đi mãi, đi mãi cho đến khi gặp một dòng sông chắn ngang trước mặt. Chàng mệt mỏi ngồi bên bờ sông than khóc rồi kiệt sức mà chết biến thành một tảng đá. Sau khi nghe vợ giãi bày, Tân hối hận và lên đường đi tìm người em.

Chàng đi mãi, cho đến khi gặp một dòng sông chắn ngang trước mặt. Chàng mệt mỏi ngồi tựa lưng vào phiến đá than khóc, rồi kiệt sức mà chết hóa thành một loại cây mọc thẳng đứng, xanh mướt. Người vợ không thấy chồng trở về lại lên đường đi tìm. Nàng cũng lại gặp dòng sông chắn ngang trước mặt. Nàng ôm lấy thân cây mà than khóc rồi cũng chết đi hóa thành một loại dây leo quấn quanh thân cây.

Sau này, vua Hùng có dịp đi ngang qua đó được nghe người dân kể lại sự hóa thân của hai anh em và người vợ. Vua truyền hái trái ăn kèm với lá dây leo thấy có mùi thơm nồng, nhổ lên tảng đá thấy có màu đỏ tươi như màu máu. Tục lệ ăn trầu cau quệt thêm chút vôi ra đời từ đó. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, miếng trầu đã đi vào mọi sinh hoạt hàng ngày, một lễ vật dân gian không thể thiếu trong bất cứ nghi thức tang, hôn, hiếu, hỷ nào!

Hiện nay, ở làng Nam Hoa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn tồn tại một ngôi đền thờ ba người (Lang, Tân và người vợ) có sắc phong của các triều đại phong kiến.

Bản trường ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Ngày 16-5-2015, người viết có đến thăm cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại tư gia của ông tại đường Thất Sơn, cư xá Bắc Hải, quận 10, TPHCM (trước khi nhạc sĩ mất mấy tháng). Buổi nói chuyện thật rôm rả. Tôi chú ý thấy trên tường đối diện với bàn làm việc có treo một bức tranh vẽ một thiếu nữ trong trạng thái “nu” bán thân, đẹp một cách rất… thanh tân. Chợt nghĩ nửa thế kỷ trước, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã không nhầm khi đặt tên cho Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ của tình yêu.

Trầu cau ca khúc đầu tay của ông sáng tác năm 1940. Ông tâm sự: “Trầu cau bắt nguồn từ cảm hứng khi đoàn kịch của nhà thơ Thế Lữ vào Đà Nẵng diễn vở Tục lụy (thơ Châu Vinh và Thế Lữ, nhạc của Lưu Hữu Phước), xem kịch xong tôi cũng ao ước viết một vở ca kịch mang sắc thái cổ tích như thế, nên dù mới 16 tuổi, học nhạc lỏm bỏm với thầy Võ Văn Phước, tôi vẫn liều viết Trầu cau bằng cây đàn mandoline.

Lúc đầu, tôi định làm bài hát đó cho đoàn Sói Con của mình hát trong các đêm lửa trại trong phong trào Hướng Đạo. Không ngờ khi lọt ra ngoài nó đã đem lại thành công lớn. Bẵng đi mấy chục năm, đất nước đi qua hai cuộc kháng chiến, ngỡ rằng bài hát ấy đã chìm vào quên lãng. Sau 1975, có dịp qua Pháp dự một buổi trình diễn nhạc của mình, nghĩ rằng bài Trầu cau đã quá cũ, tôi không xếp vào chương trình. Vậy mà khán giả, nhất là các khán giả lớn tuổi, đã yêu cầu trình diễn bài đó. Họ bảo, thiếu Trầu cau thì không phải Phan Huỳnh Điểu!”.

Bìa nhạc Trầu cau.

Tôi kể với ông: “Ngày xưa, khi còn sống, mẹ của cháu vẫn thường vừa làm việc nội trợ vừa hát lỏm bỏm, câu được câu mất:

Ngày xưa có hai anh em nhà kia, cùng yêu thương, ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa. Vì hai người cùng yêu một cô gái làng bên, nhưng người anh được kết duyên cùng nàng. Vì như thế nên người em lòng buồn rầu bỏ đi khỏi làng… Ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu…

Thấy tôi rơm rớm nước mắt, ông ôm chặt tôi.

Nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu nhận xét: “Dù chưa phải là một tác phẩm tới hàng siêu phẩm (như Thiên thai, Trương Chi của Văn Cao hay Hòn vọng phu của Lê Thương), bài Trầu cau cũng đã được dân chúng đón nhận từ lúc ra đời cho tới nhiều năm về sau như một trong những bài trường ca đầu tiên của tân nhạc vậy”.

Nhân đây cũng không thể không nhắc đến cặp uyên ương Mạnh Phát - Minh Diệu và sau đó là ca sĩ Hoàng Oanh đã một thời trình bày rất thành công ca khúc này.

Hà Đình Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280338/trau-cau-trong-nen-tan-nhac-viet-nam.html