Trau dồi kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở

Vừa qua gần 400 học viên là tổ trưởng, bí thư chi bộ các tổ dân phố, lực lượng bảo vệ tổ dân phố ở quận Ba Đình và gần 300 học viên là chủ chủ các xưởng sản xuất tư nhân trên địa bàn xã Bình Phú, huyện Thạch Thất đã tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, biện pháp chữa cháy, cứu người...

Theo đó, ngày 15-6, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 – Cảnh sát PCCC Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình, Hà Nội tổ chức tập huấn công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) cho 360 học viên là tổ trưởng, Bí thư chi bộ các tổ dân phố, lực lượng bảo vệ tổ dân phố và lực lượng PCCC cơ sở trên địa bàn quận.

Tại buổi tập huấn, báo cáo viên đã cung cấp thông tin về những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên phạm vi địa bàn cả nước và TP Hà Nội thời gian gần đây. Đồng thời, truyền đạt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP và quận Ba Đình về tăng cường lãnh đạo công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã đưa ra các câu chuyện, tình huống thường xảy ra trong gia đình để cùng các học viên tháo gỡ, giải đáp. Truyền đạt phương pháp tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCCC; quy trình xử lý một vụ cháy và nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố khi xảy ra cháy trên địa bàn; những kiến thức cơ bản về PCCC bao gồm: Các nguyên nhân gây ra cháy nổ; một số biện pháp PCCC tại cơ quan và gia đình; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ; những kỹ năng thoát hiểm, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ…

Các học viên thực hành chữa cháy tại buổi tập huấn (ảnh:Q.Đ)

Các học viên thực hành chữa cháy tại buổi tập huấn (ảnh:Q.Đ)

Cùng với đó là những nội dung thực hành thiết thực như cách thoát nạn, thoát hiểm khi gặp sự cố cháy, nổ. Đối với nhà cao tầng khi xảy ra sự cố cháy ở tầng hầm, người dân ở tại các tầng cao, lửa không thể cháy đến được thì người dân không nên chạy ra ngoài thang máy, không hoảng loạn mà phải bình tĩnh xử lý như đóng cửa phòng lại và bịt kín khe cửa tránh khói xộc vào trong bằng các vật dụng như băng dính, khăn giẻ ướt…

Ngay sau khi thực hiện xong các động tác, bình tĩnh gọi cho lực lượng cứu hỏa theo số 114 báo cụ thể số tầng, số phòng, số người đang ở trong đó để lực lượng cứu nạn biết đưa phương tiện, thiết bị, mặt nạ đến cứu về nơi an toàn.

Đối với các gia đình có ban thờ ở nơi thấp, gần nơi dễ cháy phải đặc biệt chú ý khi thắp hương, nến. Ban thờ cần thường xuyên tỉa bỏ chân hương, không xếp quá nhiều đồ vàng mã, bánh kẹo, thuốc lá… lên ban thờ, vì khi thắp hương chính những đồ này là tác nhân cháy lớn khi không may tàn hương rơi xuống. Mỗi gia đình cần trang bị bình chữa cháy mini để dập lửa khi phát hiện sự cố.

Sau phần lý thuyết, các học viên đã được hướng dẫn thực hành thao tác sử dụng phương tiện PCCC tại chỗ bằng bình chữa cháy xách tay; hệ thống chữa cháy bằng nước; tổ chức, điều hành, triển khai đội hình một tiểu đội tham gia ứng cứu, xử lý một vụ cháy xảy ra ở khu dân cư.

Qua tập huấn giúp cho các học viên nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm về công tác PCCC, từ đó, chủ động trong công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho các hoạt động của cơ quan, gia đình và cộng đồng, kịp thời xử lý cháy, CHCN khi có sự cố cháy xảy ra, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Trước đó, ngày 14-6, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 14 đã tổ chức lớp Tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH cho 290 học viên là chủ các xưởng sản xuất tư nhân trên địa bàn xã Bình Phú, huyện Thạch Thất cùng các đồng chí lãnh đạo UBND xã này.

Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 14 đã thông báo nhanh đến các học viên tình hình cháy, nổ thời gian gần đây trên địa bàn TP Hà Nội và địa bàn huyện Thạch Thất. Đồng thời mong muốn sau buổi tập huấn này mỗi học viên tham dự sẽ nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng về công tác PCCC và CNCH; sẽ là một tuyên truyền viên trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC tới người thân và đông đảo quần chúng nhân dân biết và thực hiện tốt, nhằm giảm tới mức tối đa số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra.

Qua buổi tập huấn, các học viên đã được nghe phổ biến những nội dung của Luật PCCC, các thông tư, nghị định có liên quan tới công tác PCCC; những bài học kinh nghiệm, phân tích các nguyên nhân gây cháy; các biện pháp chữa cháy cơ bản, cách sử dụng, bảo quản phương tiện chữa cháy tại chỗ, những kỹ năng, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ, đặc biệt hướng dẫn những kỹ năng thoát hiểm. Sau buổi học lý thuyết, các học viên đã có cơ hội thực hành cách sử dụng các phương tiện hỗ trợ dập tắt đám cháy và cách thức xử lý nhanh các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra.

Mai Chi

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/trau-doi-ky-nang-pccc-va-cuu-nan-cuu-ho-tai-co-so-117325.html