Trẻ bị 'bắt nạt': Thái độ phụ huynh gây ảnh hưởng lớn

Mỗi người có một cách xử lý khác nhau khi nghe tin con bị bạn 'bắt nạt'. Thái độ của phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến con khi chúng bị bắt nạt.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Không có lửa làm sao có khói

Không phải cha mẹ nào cũng đùng đùng nổi giận khi biết con bị bạn đánh. Mỗi người có một phản ứng khác nhau, thế nhưng, ở hoàn cảnh nào, cha mẹ hãy lắng nghe trẻ, đừng vội vàng kết luận hay phán quyết.

Tham gia công tác giảng dạy đã hơn 10 năm, cô giáo Nguyễn Thị Trường (Trường THCS Bình Bộ, Phú Thọ) chia sẻ về phản ứng của nhiều phụ huynh khi biết con bị bạn đánh.

Một cậu con trai kể, hôm nay bị bạn đánh, người mẹ lập tức cho rằng “con lại làm bạn đó khó chịu”. Hai mẹ con tranh luận một lúc, trong khi cậu con trai liên tục khẳng định mình không làm gì bạn, người mẹ vẫn giữ không thay đổi quan điểm. Cuối cùng người mẹ yêu cầu “con phải tự giải quyết mọi vấn đề của bản thân và nhìn nhận lại chính mình”.

Một cô học trò lớp 8 khóc lóc kể với bố bị bạn bạo hành, người bố tỏ ra không quan tâm lắm. Cho đến khi tiếng khóc lớn hơn, người bố tỏ ra khó chịu và nói: “Không có lửa làm sao có khói?”. Cô gái tiếp tục phân bua rằng lần này mình không hề làm gì mà chỉ là nạn nhân. Người bố kết luận: “Con đâu phải dạng vừa”.

“Đối với trẻ em, khi yêu cầu sự giúp đỡ nhưng nhận lại sự buộc tội và từ chối, chúng thường chọn cách chịu đựng một mình. Và khi sự chịu đựng là thái độ thường xuyên, kẻ bắt nạt sẽ càng lộng hành. Trong khi con ngày một thu mình không dám thổ lộ cùng ai”, cô Trường nói.

Thế nhưng, có trường hợp, cậu con trai về nhà ấm ức bảo: “Hôm nay con bị bạn đánh”. Người mẹ không giấu nổi sự tức giận hét lên: “Đứa nào đánh, tại sao không đánh lại?”. Và hôm sau, người mẹ chờ sẵn ở cổng trường để gặp cậu bạn của con để nói chuyện.

Chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, nếu người mẹ luôn bên con khi xảy ra mọi cuộc xung đột, trẻ không bao giờ học được cách đối mặt với thử thách một cách độc lập. Trong cuộc sống, trẻ có thể gặp những va chạm, tranh chấp. Lúc này, nhiều cha mẹ đã “vội vàng” xử lý giúp con mà không chú ý đến việc hướng dẫn chúng cách tự vệ khi gặp những chuyện tương tự.

Bố mẹ sợ con mình bị đánh ấm ức, thiệt thòi, nhưng điều kiện tiên quyết để con không còn trải qua cảm giác đó là tạo niềm tin cho con. Để đánh trả lại, trước tiên phải có sức mạnh. Sức mạnh không chỉ nằm ở kích thước của nắm đấm, mà nằm ở bên trong.

Xử trí khi con là “nạn nhân”

Bà Nguyễn Phương Thùy, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường (Trường ĐHSP HN), cho rằng, khi con bị bạn đánh, phụ huynh nên tiếp cận nhà trường sớm nhất có thể thay vì gặp trực tiếp, hành hung lại học sinh đánh con mình. Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động nếu chẳng may rơi vào những tình huống tương tự.

“Cần tôn trọng và tuân theo quy trình đó để các bên cùng nhau giải quyết theo hướng tích cực nhất, ở đó những đứa trẻ sẽ nhận được các bài học giá trị cho mình. Tôi nghĩ phụ huynh nên tạo điều kiện cho nhà trường giải quyết vụ việc. Mỗi bên đều phải bình tĩnh thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nếu cảm thấy không an toàn, phụ huynh có thể yêu cầu cho con tạm ngưng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra và yêu cầu dịch vụ hỗ trợ”, bà Thùy nói.

Trong trường hợp vẫn không tìm được “tiếng nói chung” khi xử lý, bà Thùy cho rằng, cha mẹ học sinh có thể báo cáo sự việc đến các bộ phận liên quan ở các cấp cao hơn. Thậm chí khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần bảo vệ những đứa trẻ. Có nghĩa, nhà trường cần chủ động thông tin cho phụ huynh ngay khi có sự việc xảy ra thật rõ ràng về chính sách, nội quy, quy trình xử lý kỷ luật học sinh; Đồng thời, lập hội đồng kỷ luật và mời phụ huynh tham gia các cuộc họp.

Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các hành vi bắt nạt, việc đối thoại với những học sinh tham gia vào vụ việc là tiên quyết. Bên cạnh đó, người quản lý giáo dục cũng phải trao đổi với phụ huynh để đảm bảo quyền lợi của học sinh, cũng như tránh những hệ quả không đáng có do hiểu nhầm hay thiếu giao tiếp.

Bà Thùy cho rằng, học sinh cũng nên tìm cách thoát khỏi đối tượng có hành vi bạo hành. Khi bị bạn trêu ghẹo, nếu cảm thấy khó chịu, muốn chấm dứt tình trạng này, trẻ cần phải bình tĩnh, lảng tránh đi ra nơi khác, phản ứng gay gắt càng kích thích đối tượng trêu ghẹo. Dùng lời lẽ nhẹ nhàng yêu cầu chấm dứt hành vi trên.

Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn cần phản ánh đến giáo viên chủ nhiệm, với cha mẹ… Tránh xử lý tiêu cực như nhờ bạn bè ngoài xã hội can thiệp hoặc trêu ghẹo lại sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

Khi bị đe dọa dùng vũ lực, phải bình tĩnh tỏ thái độ phối hợp. Sau khi tạm thời thoát ra khỏi sự đe dọa của đối tượng cần phải báo ngay những người có trách nhiệm để ngăn chặn, chấm dứt việc đối tượng đe dọa dùng vũ lực. Sau đó, trẻ cần báo cáo với nhà trường để cùng gia đình phối hợp giải quyết. Nếu đối tượng là người ngoài xã hội, cần báo sự việc cho cảnh sát khu vực hoặc công an nơi gần nhất để ghi nhận sự việc và răn đe.

“Việc giáo dục những đứa trẻ thôi là không đủ, mà cần giáo dục nhận thức của toàn bộ xã hội, gia đình và nhà trường về các vấn đề của đứa trẻ, đặc biệt là sự phát triển của trẻ. Nếu chỉ hướng tới riêng trẻ em thì sẽ không làm giảm thiểu được các hành vi bạo lực. Bởi vậy, các chương trình, các chính sách bảo trợ cho trẻ em nên tập trung cả tới các vấn đề trong gia đình”, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Nguyễn Phương Thùy nhấn mạnh.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/tre-bi-bat-nat-thai-do-phu-huynh-gay-anh-huong-lon-wwUTKmq7R.html