Trẻ bị não úng thủy và cụ già neo đơn cần giúp đỡ

Đó là những mảnh đời bất hạnh, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn, đeo mang bệnh tật quanh năm. Cuộc sống mưu sinh nơi làng quê vốn không đủ xoay xở cơm áo hàng ngày, còn phải tốn kém thêm tiền thuốc trị bệnh. Trong cảnh túng quẫn, họ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hội An (huyện Chợ Mới) Trần Kim Ngân hướng dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Nguyệt (43 tuổi, ngụ ấp An Thới, xã Hội An). Chị Nguyệt là một người phụ nữ cần mẫn, chăm chỉ làm thuê quanh năm nhưng không thể lo xuể cho chồng con. Đứa con gái út Nguyễn Thị Hoài Ngọc không may mới sinh ra 1 tháng đã bị chứng não úng thủy. Suốt 9 năm qua, bao nhiêu tiền làm được của vợ chồng đều dành cho những đợt khám và điều trị cho con.

"Lúc con còn nhỏ, tôi phải đưa con đi điều trị ở TP. Hồ Chí Minh. Nay con lớn, sức khỏe tạm ổn, mỗi tháng đưa sang Bệnh viện Sản - Nhi An Giang để khám và lấy thuốc bổ não, trị ho, cảm sốt. Điều khó khăn nhất là con thường xuyên quấy khóc ngày lẫn đêm, có khi cần phải ẵm bồng trên tay mới chịu yên. Do vậy, tôi không thể đi làm mướn để kiếm tiền như trước. Những năm trước, tôi dành dụm được ít tiền, sắm được dàn máy may, nay thi thoảng nhận được vài mét vải may quần áo tại nhà cho khách" - chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Phạm Thị Nguyệt và con gái

Chị Phạm Thị Nguyệt và con gái

Anh Nguyễn Thành Phương (42 tuổi, chồng chị Nguyệt) tiếp lời: "Ngày trước, tôi còn theo sà lan phụ vác hàng, còn có thể tích cóp để cuối tháng lo tiền thuốc men cho con gái. Từ ngày bị căn bệnh lao phổi kéo dài, tôi không còn sức khỏe để làm việc nặng. Hiện tại, tôi đang cố gắng uống thuốc để mong sớm hết bệnh, khỏe mạnh trở lại để đỡ đần cho vợ".

Chị Trần Kim Ngân cho biết: "Hoàn cảnh của vợ chồng chị Nguyệt rất đáng thương. Nhà có 4 người con, trong đó 1 người đi làm công nhân ở xa, vì cuộc sống quá khó khăn phải gửi con cho anh chị trông giúp. Chị Nguyệt vừa giữ cháu ngoại, chăm sóc con gái bị bệnh não, chồng mắc bệnh lao phổi. Cuộc sống gia đình đang rất khó khăn, không đủ tiền sinh hoạt và chăm lo thuốc men. Do vậy, địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ nhưng khả năng có hạn. Chúng tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa chia sẻ để chị Nguyệt phần nào giảm bớt khó khăn, áp lực".

Bà Trương Thị Không

Đến ấp An Thịnh (xã Hội An), chúng tôi rất xót xa trước hoàn cảnh neo đơn, khuyết tật của bà Trương Thị Không. Bởi, bao nhiêu điều bất hạnh đang dồn lên bà. Bị câm, điếc bẩm sinh, nên ngày còn trẻ bà sống nương tựa vào cha mẹ, không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Đến khi cha mẹ lần lượt qua đời, cuộc sống ngày càng vất vả hơn. Bà đi làm đủ nghề để tự chăm lo cho mình. Hơn 10 năm nay, bà Không cũng không còn sức để làm ra tiền, cùng với đó bà mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ đến nỗi không ý thức được việc mình làm, không còn khả năng tự sinh hoạt cá nhân. Bà Lê Kim Hoàng (chị dâu bà Không) cho biết: "Tôi ở gần nhà nên thi thoảng ghé chăm sóc. Em ấy đầu óc lúc nhớ, lúc quên, bao nhiêu quần áo, mùng mền đều đem đi vứt bỏ, thích đi lang thang khắp nơi, bà con hàng xóm thấy thương tình dẫn giúp về nhà".

Phó Trưởng ban Nhân dân ấp An Thịnh Trương Văn Bùi cho biết: "Bà Không sống một mình, câm điếc bẩm sinh, đầu óc không tỉnh táo nên địa phương và hàng xóm xung quanh rất quan tâm. Ai đi ngang qua nhà có món ăn gì đều chia sẻ. Điều khó khăn nhất hiện nay là mái nhà ven sông của bà xuống cấp, địa phương đang vận động để cất lại cho bà. Chúng tôi rất mong những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ, để bà Không có được gian nhà che nắng che mưa đàng hoàng hơn".

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tre-bi-nao-ung-thuy-va-cu-gia-neo-don-can-giup-do-a359939.html