Trẻ bị rôm sảy, có nên tắm nước lá?

Vào mùa hè, trẻ nhỏ thường có rôm sảy. Những nốt mẩn đỏ khiến trẻ ngứa ngáy, mất thẩm mỹ. Nếu không biết cách chăm sóc, các mụn rôm có thể lan rộng hoặc gây các biến chứng về da khác.

Rôm sảy mọc kín người, lan cả ra mặt và trên đầu cô con gái khiến bé ngứa ngáy khó chịu, gãi luôn tay đến chảy máu, nên quấy khóc liên miên, nhất là những lúc trưa nóng. Chị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) phải tìm đủ mọi cách để chạy chữa.

“Cứ tưởng bệnh đơn giản, nhưng thấy con ngày càng khó chịu, mặt mũi, tay chân lem nhem vì nốt sẩn mà thương quá. Tôi tìm hiểu đủ mọi cách, từ bôi thuốc xanh, bôi thuốc nam, tắm lá nhưng con vẫn không đỡ. Vác con đi nhiều bác sĩ, nhiều bệnh viện mà bệnh vẫn hoàn bệnh”, chị Khánh Linh phàn nàn.

Qua tìm hiểu được biết, vào ngày hè nóng bức, số bệnh nhi phải khám, điều trị về bệnh da ngày càng tăng, trong số đó có bệnh rôm sẩy. Nhiều trẻ, rôm mọc kín người, mụn vỡ lở loét, không ít cháu bị biến chứng viêm da, nhiễm trùng vì cha mẹ chăm sóc sai cách.

Trẻ nhỏ thường dễ rôm sảy do tuyến mồ hôi chưa hoàn thiện.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung Ương, mới đầu hè, đã tiếp nhận gần 8.000 ca mắc sẩn ngứa. Bệnh thường gặp ở trẻ 3 - 4 tuổi, bởi ở độ tuổi này trẻ chưa có ý thức giữ gìn da, thường cào gãi nhiều, làm tăng tổn thương da…

Theo BS CK Da liễu Đào Anh Vũ - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, rôm sảy là bệnh lý thường gặp vào mùa hè. Đặc biệt xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ do liên quan đến tuyến mồ hôi dưới da của trẻ chưa hoàn thiện.

Khi nóng bức, độ ẩm cao, cha mẹ cho trẻ mặc quá nhiều quần áo, khó thoát mồ hôi khiến da của cháu bị tắc và viêm tuyến mồ hôi, làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ ngoài da.

Thông thường, việc chăm sóc bệnh rôm sảy cho trẻ rất đơn giản, chỉ cần giúp trẻ mặc thoáng, mát… các nốt sẩn sẽ tự lặn. Tuy nhiên, với một số trường hợp, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, điều này liên quan đến cơ địa của trẻ.

Mặt khác, bác sĩ cho biết, nhiều cha mẹ cũng đang sai lầm trong việc chăm sóc, chữa trị rôm cho con. Nhiều gia đình vò các loại lá để trẻ tắm. Thế nhưng, các loại lá này nếu không được rửa sạch sẽ, còn nhiễm hóa chất, chứa vi khuẩn gây hại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng cho trẻ. Không chỉ không khỏi bệnh, chất độc hại có thể ngấm qua làn da non nớt của trẻ hoặc vi khuẩn làm viêm nhiễm thêm vùng da đã bị tổn thương.

Điển hình như với một số loại lá như trà xanh, lá bàng… thường được phụ huynh sử dụng. Đây là các loại lá chứa chất chát rất dễ khiến da trẻ bị tổn thương hay với lá trúc đào là loại lá chứa độc tố có thể dẫn đến viêm da, nhiễm trùng nặng.

Theo bác sĩ, quan niệm trẻ bị rôm sảy chỉ tắm lá mới khỏi là hoàn toàn sai mà cần có chỉ định của bác sĩ.

Hay quan niệm bôi phấn rôm sẽ giúp cho da trẻ khô thoáng nhờ “hút” ẩm. Thế nhưng, cha mẹ đặc biệt chú ý đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nặn mụn rôm cũng là một thói quen không hợp vệ sinh, làm cho da trẻ dễ bị nhiễm trùng.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh rôm sảy mùa hè, hàng ngày cha mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước mát. Cho trẻ mặc quần áo mềm, thoáng mát, hút mồ hôi, không nên để nhà quá kín. Đặc biệt, gia đình cần chú ý đến thực phẩm cho trẻ, hạn chế cho ăn đồ nóng, sinh nhiệt mà thay bằng đồ ăn mát.

Hồng Ngọc

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/tre-bi-rom-say-co-nen-tam-nuoc-la-d7126.html