Trẻ có thể bị ngưng thở sau một đêm khản tiếng

Khi nhắc đến vấn đề trẻ bị khò khè, khản tiếng, bác sĩ Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh triệu chứng này nguy hiểm không kém viêm phổi.

Tôi vẫn nhớ như in một trường hợp bé trai 4 tuổi (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào khoa cấp cứu vì khó thở dịp đầu năm. Khi vào viện, bé đã ngưng thở, toàn thân tím tái, hôn mê… dù người nhà đã đưa ngay vào viện cấp cứu (chỉ hơn 10 phút) ngay khi có cơn khó thở cấp. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải mở khí quản, bóp bóng rồi thở máy nhưng bệnh nhân vẫn tím tái. Sau hội chẩn, chúng tôi chẩn đoán cháu bị viêm thanh quản tắc nghẽn gây ngưng thở kèm theo viêm phổi.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó mấy ngày, bé có biểu hiện sốt nhẹ, ho khan, khản tiếng. Nghĩ con chỉ bị viêm họng thông thường như mọi lần, nên gia đình tự mua kháng sinh về cho bé uống. Sang ngày uống thuốc thứ 3, bé đột nhiên sốt cao, nhịp thở tăng nhanh, dồn dập, khó thở.

Các cha mẹ cần tỉnh táo khi trẻ bị khản tiếng. Ảnh: New Kids Center.

Thanh quản là nơi phát ra âm và thanh quản là nơi hẹp nhất trên đường thở. Chính vì là nơi hẹp nhất nên khi xảy ra hiện tượng viêm, gây phù nề thanh quản sẽ khiến dây thanh quản bị bít kín. Khi đường thở bị bít kín, bệnh nhân sẽ khó thở, dần thiếu oxy cung cấp lên não. Tùy từng mức độ bít hẹp mà thể hiện khó thở cấp khác nhau.

Viêm thanh quản xảy ra ở những người sử dụng giọng nói nhiều. Còn ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến là viêm nhiễm ở đường mũi họng không được điều trị. Ngoài ra, những trẻ hay la hét, hét to, khóc to cũng làm dây thanh quản căng lên, có thể gây viêm thanh quản, thậm chí có thể chảy máu thanh quản.

Khi mới bị viêm thanh quản, người bệnh không có biểu hiện khó thở mà chỉ bị khàn giọng nên chủ quan không đi khám. Thực tế, khi người bệnh viêm thanh quản cấp đã lên cơn khó thở, bác sĩ cũng hoảng, phải cấp cứu cho người bệnh rất nhanh mới hy vọng cứu sống. Vì thanh quản đã hẹp, lại bị phù nề nhanh nên người bệnh không thể thở được.

Vì thế, ở trẻ em càng phải đặc biệt chú ý đến căn bệnh này. Đầu tiên bé có thể chỉ bị viêm mũi họng thông thường, sổ mũi nước trong, rồi mũi đục, ho, khàn tiếng, hoặc có biểu hiện đau tai. Nhưng diễn tiến bệnh rất nhanh, vừa buổi tối thấy khản giọng, đến đêm thanh quản đã phù nề khiến bé không thể ngủ, quấy khóc.

Do vậy, khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, rồi lại bị khản giọng, cần nhanh chóng đưa bé đi khám, điều trị kịp thời, tránh lơ là, chủ quan để phòng những nguy cơ đáng tiếc xảy ra cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tre-co-the-bi-ngung-tho-sau-mot-dem-khan-tieng-post858962.html