Trẻ con không được ăn thịt chó

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng chúng ta không nên ăn thịt chó, thì bỗng lại nhớ đến truyện ngắn 'Trẻ con không được ăn thịt chó' của cố nhà văn Nam Cao. Ông viết câu chuyện cười ra nước mắt này trong thời kỳ làng quê Việt Nam cực kỳ khó khăn, đến địa chủ cũng phải dè sẻn huống hồ bần cố nông. Trong truyện, người cha háu ăn - có lẽ cũng còn do cơn đói khát lâu ngày dồn lại- nên đã lấy quyền làm cha không cho con ăn, để mình ngồi hưởng.

Bìa một số tác phẩm văn học, trong đó tình cảm giữa người và chó được mô tả hết sức xúc động.

Chó là con vật được loài người thuần dưỡng sớm nhất, được coi là “bạn” của con người. Trong rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khắp thế giới, con vật được coi là “nghĩa cẩu”- là con vật có nghĩa trong nếp nghĩ của người Việt ta- không ít trường hợp nó đã trở thành nhân vật chính.

Jack London, nhà văn Mỹ lừng lẫy từng mô tả rất xúc động về những con chó theo chân đoàn người đi đào vàng chốn rừng sâu nước độc, và cũng là nơi con người giành giật khốc liệt nhất, mất nhân tính nhất. Còn trong tiểu thuyết “Không gia đình”, nhà văn Pháp Hector Malot kể về ba con chó Capi, Zerbino, Dolce cùng con khỉ Joli Coeur trong một gánh xiếc rong, không khác gì kể về con người, lấy đi của thiên hạ không biết bao nhiêu nước mắt.

Con Bim trắng tai đen là tác phẩm của nhà văn Nga Xô-viết Gavriil Troyepolsky, cũng viết về thân phận một con chó. Chuyện kể về người thợ săn khi phải lên thành phố chữa bệnh, đã gửi Bim - chú chó thân yêu của mình - cho người hàng xóm trông coi. Ngay trong ngày đầu tiên, Bim nhớ chủ quá, bỏ cả ăn rồi quyết định ra đi tìm chủ. Nó lang thang hết nơi này đến nơi khác giữa mùa đông lạnh giá, trải qua không biết bao nhiêu nỗi vất vả, gian nguy. Bị bắt và bị nhốt, hành hạ đến nỗi chân thì giập nát còn cơ thể thì tàn tạ, suy kiệt, song nó vẫn không thay đổi quyết tâm. Để rồi đến lúc người chủ thân yêu gặp lại Bim, thì nó đã mãi mãi ra đi...

Cuốn sách được dịch ra 52 ngôn ngữ. Bộ phim dựa trên tiểu thuyết này của đạo diễn Rostotsky năm 1977 cũng rất thành công, được đề cử giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất.

Trở lại với Nam Cao, ông không chỉ viết “Trẻ con không được ăn thịt chó”, mà trong truyện ngắn “Lão Hạc”, nhà văn đã mô tả cực kỳ xuất sắc. “Lão Hạc” kể chuyện một ông lão sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi vợ mất sớm, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Ông lão sống một mình với mảnh vườn và con chó vàng. Ông cưng chiều nó như con, luôn miệng gọi là “cậu Vàng”, bởi đó là con chó của cậu con trai để lại. Lão giữ con chó cho con trai để chờ ngày con lão trở về. Nhưng rồi cuộc sống ngày càng khốn khó, đến độ ông lão phải bán cả “cậu Vàng”. Ông lão kể lại một cách đau đớn lúc con chó bị người ta kéo đi: “Khốn nạn… ông giáo ơi!… Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó kêu ư ử và nhìn tôi, như muốn trách tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó”.

Ấy vậy nhưng với nhiều người, thì thịt chó lại là món khoái khẩu, đôi khi trong bàn nhậu hứng chí lên còn tuyên bố xanh rờn đó là món ăn “quốc hồn quốc túy”. Và rằng ở đời không được ăn miếng dồi chó thì cũng phí hoài. Người ta tán tụng món ăn đó hết lời. Có nơi, đám cưới mà không có thịt chó, không xong. Lạ là có nơi đám giỗ cũng phải… thịt chó. Từng có lúc, ngay ở Hà Nội, có hẳn cả một “liên hợp thịt chó”, “tập đoàn thịt chó”với vài chục cửa hàng chuyên thịt chó nối tiếp nhau.

Nói chung là ở đời cái gì cũng có hai mặt, tốt xấu, đen trắng, đêm ngày. Nói rằng thịt chó ngon, bổ cũng đúng mà bảo là độc cũng chẳng sai, khi mà chế độ ăn uống quá nhiều dưỡng chất đang làm hại con người. Ở ta, thông thường người ta nuôi chó để giữ nhà, phòng kẻ gian và rồi… để thui.

Nhưng rồi dần dà theo thời gian, nhiều người nuôi chó như nuôi một con vật tình nghĩa, trung thành, nuôi như chăm một người bạn quấn quít. Trẻ con ở phố, trong những nhà khá giả cũng đòi bố mẹ mua cho bằng được một chú chó để chơi. Có nghĩa là quan niệm về loài chó nhà cũng biến đổi dần. Và rồi, người ta chợt nhận ra rằng, con chó xuất hiện trong cuộc sống loài người cả lúc nghèo khó lẫn lúc phong lưu. Ở cả hai thái cực ấy nó đều rất trung thành.

Nhìn chung, từ chuyện con chó, chuyện miếng thịt chó cũng nên nghĩ rộng ra chuyện đối xử với loài vật thế nào. Chẳng lẽ do thèm quá mà ăn cả giống vật trung thành, cả loài động vật quý hiếm bên bờ tuyệt chủng được ghi vào Sách đỏ cũng bị đem ra làm thức ăn.

Viết tới đây, bỗng nhớ đến bài thơ “Sao không về Vàng ơi”, Trần Đăng Khoa viết năm 1967 khi mà máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc. Bom nổ rền vang, con chó sợ, chạy đi đâu mất. Mấy câu đầu của bài thơ như sau: “Tao đi học về nhà/ Là mày chạy xồ ra/ Đầu tiên mày rối rít/ Cái đuôi mừng ngoáy tít/ Rồi mày lắc cái đầu/ Khịt khịt mũi, rung râu/ Rồi mày nhún chân sau/ Chân trước chồm, mày bắt/ Bắt tay tao rất chặt/ Thế là mày tất bật/ Đưa vội tao vào nhà”…

Phần cuối bài thơ là sự ngẩn ngơ khi con chó sợ tiếng bom chạy mất. Dẫu thế thì cũng còn hơn cái cảnh lão Hạc khóc ròng khi nhìn người ta trói “cậu Vàng” mang đi làm thịt. Đúng không?

Năm 2021: Hà Nội không bán thịt chó trong các quận nội thành

Sáng 13/9, Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó.

“Chúng tôi dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội. Đây là những khu vực trung tâm, có đông du khách quốc tế nên cần làm trước” - ông Sơn thông tin. Với khu vực ngoại thành, Chi cục trưởng Thú y cho rằng cần thời gian để tuyên truyền do những nơi này nuôi chó thả rông nhiều, khó quản lý và còn liên quan đến thói quen, tập quán của người dân trong việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm. Về lý do tại sao lại vận động người dân bỏ thịt chó theo ông Sơn, không chỉ vì nhiều nước và các tổ chức quốc tế phản đối ăn thịt chó, mà trong thực tế ăn thịt chó có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; hơn nữa, thịt chó quá nhiều chất đạm không tốt cho sức khỏe...

Về cấm thịt chó, ông Phạm Thanh Học - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – cho biết ông hoàn toàn ủng hộ việc Hà Nội khuyến khích người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. A.Anh

Miên Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tre-con-khong-duoc-an-thit-cho-tintuc415603