Trẻ động một chút là nổi giận có thể do người lớn thường có những hành vi này

Bố mẹ thường cảm thấy phiền vì trẻ động một chút là khóc quấy, nổi giận, ngỗ nghịch. Tuy nhiên, không hẳn đó là tính cách bẩm sinh của trẻ, rất có thể chính do những hành vi thường ngày của người lớn.

Vì sao nói thái độ của bố mẹ càng khiến trẻ dễ phản kháng?

Nhiều người nuôi dạy con cảm thấy đau đầu vì dường như lúc nào trẻ cũng có xu hướng “đi ngược” lại mong muốn và yêu cầu của bố mẹ. Bạn sẽ áp đặt rằng trẻ là đứa bé không ngoan, tính tình không tốt và phiền não không biết làm sao để cải thiện.

Thực tế, theo các chuyên gia tâm lý trẻ em lý giải, khi chúng ta đối diện và xử lý tâm trạng giận dữ, ngỗ nghịch của trẻ cũng là lúc bản thân bạn khó kiểm soát cảm xúc của chính mình. Nghĩa là bạn cũng dùng thái độ bực bội, giận dữ để giải quyết vấn đề của trẻ. Chính vì vậy, bạn càng dễ có cái nhìn chỉ trích trẻ, thậm chí “dùng bạo lực đối phó với bạo lực”, nghĩa là bạn có xu hướng la mắng, đánh đòn trẻ.

Người lớn trong gia đình, đặc biệt bố mẹ chính là người có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng phát triển cảm xúc cho con cái. Vì vậy, bạn không nên dùng thái độ nói ở trên để áp chế trẻ. Tốt nhất, trước tiên bạn cần học cách tiếp nhận tâm trạng của trẻ, sau đó dùng thái độ khách quan nhất để phân tích, tìm hiểu lý do vì sao trẻ nổi giận rồi mới có giải pháp phù hợp nhất.

Cách xử sự của bố mẹ có thể là nguyên nhân khiến trẻ động một chút là nổi giận

Ngoài tính cách vốn có của trẻ thì mọi hành vi, thái độ cư xử của bố mẹ và các thành viên khác đều ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, hành động tương tác lại của trẻ. Nếu con nhà bạn có tình trạng dễ nổi giận, cáu gắt và ngỗ nghịch, bố mẹ nên bình tâm xem xét lại bản thân có phải đã mắc những lỗi này khi dạy dỗ con hay không.

Bạn đối xử không công bằng với trẻ

Bạn đối xử không công bằng với trẻ

Với những gia đình có từ 2 con trở lên thì bố mẹ dù yêu thương đồng đều cũng khó tránh có những hành động thiếu công bằng trong mắt con trẻ. Khi đó, trẻ nào có cảm giác mình không được bố mẹ “thương đều” như anh chị em khác sẽ dễ sinh ra tâm lý giận dỗi, tủi thân. Lâu dần, nếu tình trạng này không được bố mẹ quan tâm và cải thiện sẽ tạo thành “tật” dễ nổi giận ở trẻ.

Đặc biệt khi trẻ từ 2 đến 6 tuổi, ham muốn chiếm hữu đối với một thứ gì đó càng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn nếu bố mẹ “ép buộc” trẻ phải chia sẻ món đồ chơi yêu thích của mình cho ai khác cũng khiến trẻ cho rằng bố mẹ không công bằng với mình, cảm thấy uất ức và tức giận.

Ngoài ra, người lớn luôn áp đặt nguyện vọng của mình lên trẻ cũng là một kiểu bất công thường thấy. Lời khuyên cho bạn là dù bất cứ chuyện gì cũng nên nghĩ đến cảm nhận của trẻ, trưng cầu ý kiến và học cách tôn trọng trẻ.

Bạn “lờ đi” yêu cầu của trẻ

Dù là trẻ con nhưng cũng có nhu cầu và nguyện vọng của mình. Khi trẻ đã đưa ra yêu cầu nhiều lần với bạn mà không được đáp ứng, thậm chí không có cả một phản hồi nào thì nội tâm trẻ sẽ cảm thấy thiếu an toàn. Trẻ nghĩ rằng mình không được tôn trọng nên dễ sinh ra thái độ cáu gắt, dễ nổi giận.

Bạn không giữ lời hứa với trẻ

Chữ tín là cơ sở xây dựng mối quan hệ thân tình chứ không phải chỉ trong xã hội mới cần giữ uy tín. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì bố mẹ muốn nói gì, hứa gì cũng không sao sẽ rất nguy hiểm. Khi bố mẹ không kiểm soát được lời nói, không thực hiện lời đã hứa với trẻ thì không thể làm gương cho trẻ được.

Cách cư xử này lâu ngày sẽ khiến trẻ không còn lòng tin tưởng tuyệt đối với bố mẹ, thậm chí khi nhận được một lời hứa, trẻ sẽ sinh ra tâm lý khó chịu, dễ tức giận vì nghĩ rằng bố mẹ lại “hứa suông” với mình.

Bạn cũng là người dễ nổi giận

Trẻ con luôn học theo bố mẹ và những người thân gần gũi nhất với mình. Chính vì vậy, nếu bản thân bạn cũng là người không giỏi kiểm soát cảm xúc, chuyện gì cũng có thể tức giận và to tiếng trong gia đình sẽ khiến trẻ có xu hướng học theo.

Thiên Khuê

Nguồn: Sohu, Kknews

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/tre-dong-mot-chut-la-noi-gian-co-the-do-nguoi-lon-thuong-co-nhung-hanh-vi-nay-201902262006166.htm