'Trẻ em bây giờ biết nhiều chứ không hiểu sâu'

'Tí toáy' với trẻ em suốt 5 năm ở những xưởng vẽ, Thùy Trang chiêm nghiệm 'Trẻ em luôn luôn đúng' và thoáng chút băn khoăn 'Trẻ em bây giờ biết nhiều chứ không hiểu sâu'.

Sinh năm 1988, Thùy Trang là Co-Founder kiếm Giám đốc sáng tạo Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy từ năm 2013. Trang là một trong những người tiên phong khi xây dựng một bộ giáo trình nghệ thuật cho trẻ em một cách bài bản.

Nguyễn Thùy Trang trong một buổi làm việc với trẻ em

Bạn xây dựng giáo trình như thế nào?

Khi bắt đầu xây dựng giáo trình cho Tí Toáy năm 2013, câu hỏi lớn nhất mà tôi gặp phải đó là: Mình dạy nghệ thuật cho trẻ em để làm gì? Mục tiêu giáo dục ở đây là gì?

Sau rất nhiều chỉnh sửa từ thực tế,tôi đã chọn đáp án: Dạy nghệ thuật cho trẻ em để sau này trẻ lớn lên có một nền tảng thẩm mỹ, văn hóa xã hội, đó là những điều kiện cần của một công dân toàn cầu. Mục tiêu giáo dục đó là sau mỗi khóa học trẻ phải thực sự tự tin với ý tưởng của mình, hiểu về sự tôn trọng cũng như cá nhân hóa được tác phẩm của mình.

Chị có thể thấy, chúng tôi không dạy vẽ theo phong cách truyền thống, không gò trẻ nắn nót chỉn chu cho mỗi bức tranh. Mà các lớp học của chúng tôi là một không gian mở, không có đúng sai – xấu đẹp, tất cả tự do học hỏi lẫn nhau.

Bạn quan sát được những gì về tâm lý trẻ em?

Sau 5 năm được làm việc, tiếp xúc với trẻ, trên quan điểm của tôi thì trẻ em luôn luôn đúng. Chỉ có cách giáo dục của phụ huynh đôi khi là có vấn đề thôi.

Theo quan sát, tôi thấy trẻ em hiện nay ít được lắng nghe, ít được chia sẻ và tôn trọng. Người lớn nhiều khi làm thay hết việc con trẻ, đến cả việc nghĩ và sáng tạo nhiều khi phụ huynh cũng can thiệp vào.

Một điều nữa là trẻ em ngày nay phát triển hơn nhiều so với thế hệ chúng ta ngày trước. Sự hiểu biết của một đứa trẻ 6-7 tuổi bây giờ nhiều lúc khiến tôi giật mình. Nhưng nếu quan sát kỹ, trẻ em ngày nay biết nhiều chứ không hiểu sâu như ngày xưa. Và càng ngày, tôi càng thấy trẻ em thiếu đi sự mơ mộng, bay bổng trẻ thơ.

Chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia tâm lý sư phạm trẻ em về để đào tạo, học hỏi những kỹ năng mới. Nếu không chịu cập nhật thay đổi bản thân, mình sẽ lạc hậu trước trẻ em.

Buổi hoạt động của trẻ em tại 1 trong 3 cơ sở của Tí Toáy ở Hà Nội

Bạn được học những gì về giáo dục mỹ thuật cho trẻ em?

Tất cả những gì tôi học được là đều từ thực tế ở Tí Toáy mang lại.

Điều lớn nhất tôi học được và đến giờ tạm gọi là thành công, đó là đã dũng cảm gạt bỏ đi quan niệm dạy vẽ cho trẻ em là phải có tranh đẹp, nắn nót chỉn chu, thiên về kỹ thuật.

Tôi cũng như các cộng sự tuyệt đối không can thiệp chỉnh sửa tác phẩm của học sinh để nó đẹp hơn nhằm lấy lòng phụ huynh.

Năm 2013, khi bắt đầu khởi nghiệp với tư duy như vậy, mọi người không ủng hộ và có vẻ nghi ngờ. Nhưng đến nay, tôi đã chứng minh điều đó là đúng đắn qua cách học sinh thể hiện sự hồn nhiên với nghệ thuật.

Bạn nghĩ gì về năng lực sáng tạo của trẻ em?

Tôi nghĩ rằng trẻ em là giai đoạn vàng về năng lực sáng tạo. Vì những suy nghĩ cực kỳ đơn giản, hồn nhiên chứ không phức tạp như người lớn. Ai trong chúng ta cũng hiểu tầm quan trọng của việc sáng tạo ở trẻ em. Nhưng phải tỉnh táo nhìn nhận rằng rất khó để dạy cho ai đó về sáng tạo. Tôi luôn nghi ngờ những bài học để trẻ sáng tạo thông minh.

Clip: Bé Lan Nhi chia sẻ niềm vui học mỹ thuật

Bởi vì sự sáng tạo nó một quá trình ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó tôi thấy những nhân tố chính như: văn hóa của gia đình – giáo dục tại nhà trường – năng lực bản thân đứa trẻ. Để khai mở và bồi dưỡng sự sáng tạo của trẻ em, thì cả 3 yếu tố trên đều phải đồng điệu với nhau. Không thể có sự sáng tạo khi mà đến trường thì chép văn mẫu hay về nhà bố mẹ lại không có sự tôn trọng nhất định dành cho con.

Tôi nghĩ rằng, để trẻ sáng tạo, trước hết người lớn nên dành cho trẻ sự tôn trọng nhất định. Khuyến khích trẻ thử nghiệm những điều mới lạ, đừng sợ bẩn hay sợ sai.

Kỷ luật có làm hạn chế hay thui chột khả năng sáng tạo của con người hay không?

Nếu biết cách kỷ luật thì không. Kỷ luật không có nghĩa là quát mắng hay la hét. Chúng tôi luôn phải giải thích với trẻ những điều nên và không nên. Luôn có một góc để trẻ suy nghĩ về những việc mình gây ra cho người khác.

Làm việc với trẻ có gì vui?

Trẻ dạy lại chúng tôi rất nhiều điều về sự hồn nhiên, vô tư. Những giờ thực hành ở Tí Toáy luôn tỏa ra những năng lượng tích cực rất lớn. Thú thật, đôi lúc tôi có cảm giác mình không phải là người dạy trẻ mà ngược lại trẻ dạy mình nhiều hơn.

Niềm vui thì có nhưng lúc nào chúng tôi cũng phải tự răn với nhau về sự cẩn thận và trách nhiệm. Vì mình đang giáo dục trẻ, chỉ một sơ xuất hay lỡ lời một câu thôi, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến tận sau này.

Cũng có những niềm vui như khi cuối khóa mình được nghe các bạn nhỏ tổng kết lại những kiến thức đã học được. Đó là niềm vui khi nhìn một đứa trẻ 6 tuổi, kể về các trường phái nghệ thuật như: biểu hiện, dã thú, ấn tượng, hậu ấn tượng… hay nêu cảm nhận về tranh của các họa sĩ lớn: Kandinsky, Henri Matisse, Van Gogh, hay nói về bộ tứ danh họa Việt Nam, nói về các họa tiết đình chùa truyền thống…

Dĩ nhiên, các kiến thức chỉ dừng lại ở việc biết căn bản sơ bộ chứ chưa thể hiểu sâu. Nhưng ít ra chúng tôi đã gây dựng một nền tảng ban đầu để trẻ có tình yêu với nghệ thuật. Về lâu dài, để duy trì tình yêu đó, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về gia đình.

Sau một thời gian thực hành với trẻ em, bạn muốn nói gì với các phụ huynh về việc nuôi dưỡng trẻ?

Hãy dành thời gian với con để hiểu con mình muốn gì, thích gì và có thế mạnh về lĩnh vực gì. Ví dụ con mình thích đá bóng hay các môn thể thao vận động, vậy đừng ép chúng phải đi học về kỹ năng sống hay nghệ thuật vội.

Và phụ huynh hãy tôn trọng trẻ em, đừng ép trẻ làm theo ý thích của mình, đó là một sự can thiệp thô bạo vào tinh thần của trẻ.

Điều nữa đó là phụ huynh đừng nên tạo ra quá nhiều áp lực học hành thi cử cho trẻ em. Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên, để trẻ em đến với giáo dục như là một người tìm kiếm tri thức chứ không phải cố gắng đạt điểm số cao.

Hồi nhỏ bạn học giỏi môn gì?

Chắc là vẽ, một chút ít về văn thôi.

Khởi nghiệp thế này, những lúc nào bạn muốn bỏ cuộc nhất?

Thú thực là mỗi khi hết hè, phụ huynh thường nói: “Cháu thích học lắm, nhưng giờ quay lại năm học rồi còn bao nhiêu thứ khác phải học ở trường” là những lúc tôi nản nhất. Đó là một cảm giác rất tủi thân. Cảm giác bị đặt ra ngoài lề của giáo dục.

Ở phương Tây, hay ngay cả Singapore, Thái Lan, giáo dục nghệ thuật là một môn quan trọng. Nhưng ở Việt Nam, nó xếp ở thứ tự gần cuối cùng. Với nhiều gia đình, một đứa trẻ được coi là thành công khi mà điểm số các môn chính luôn cao chứ không phải đứa trẻ đó có thể sáng tạo ra một tác phẩm từ các đồ vật tái chế.

Ngoài ra, những lúc nản và muốn bỏ cuộc nhất là khi mùa mưa rét, học sinh nghỉ học nhiều, chúng tôi lại chạy vạy đi vay mượn tiền bạc để duy trì hoạt động. Nếu không có tình yêu với lĩnh vực này, chúng tôi đã bỏ lâu rồi để đi sáng tác như một nghệ sĩ.

Đã trải qua thời đi học, bạn thấy có điều gì đáng tiếc mà nhẽ ra trường học nên làm để cho học sinh, sinh viên phát triển được tốt hơn?

Thời đi học, chúng tôi rất ít khi được người lớn khuyến khích học sinh thử nghiệm những điều mới mẻ, dám thể hiện mình. Mà thường theo những quy chuẩn có sẵn trong vòng an toàn. Đó thực sự là điều đáng tiếc vì làm hạn chế khả năng tìm tòi và sáng tạo của con trẻ

Và có điều gì mà bạn thấy là hay ho, có giá trị còn đọng lại?

Vì sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, các đồ dùng, học liệu học tập nên trẻ em thường sáng tạo ra nhiều cách thức mới lạ hay còn gọi là khả năng tự chế. Đó cũng là một điều hay giúp chúng tôi luôn phải động não tìm tòi để làm việc.

Cảm ơn Trang!

Hạ Anh (thực hiện)

Triển lãm đã thực hiện của Nguyễn Thùy Trang

2017 – Triển lãm “Mini-Textile” – Bảo tàng Beaux-Arts d’Angers, Pháp

2016 – Triển lãm nhóm “Yu Yu Vietnam Blue” – Kỷ niệm 20 năm quan hệ US – Vietnam

2015 – Triển lãm cá nhân “Làm Tổ” – Hà Nội

2014 – Triển lãm cá nhân “Carnevale Di Venizia” – Hà Nội

2010 – Giải thưởng hội mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Mỹ Thuật Trẻ” – Hà Nội

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tre-em-bay-gio-biet-nhieu-chu-khong-hieu-sau-443573.html