Trẻ em bị xâm hại trong chính gia đình mình

Khi Hoa mang thai ở tuần thứ 22, người cậu đưa em lên TP.HCM để phá bỏ. Bác sĩ nghi ngờ có chuyện bất thường nên đã trình báo công an.

Khi Hoa mang thai ở tuần thứ 22, người cậu đưa em lên TP.HCM để phá bỏ. Bác sĩ nghi ngờ có chuyện bất thường nên đã trình báo công an.

Mẹ của Hoa (quê Tiền Giang) mất khi em mới 3 tuổi. Ba năm sau, trong một lần đến trường đón con đi học về, ba em bị tai nạn, qua đời. Từ đó, em dọn đến ở với ông bà ngoại và cậu ruột.

Cậu em đã lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình. Thấy cháu gái dễ thương, anh ta giở trò đồi bại với cháu từ lúc Hoa 9 tuổi. Trong gia đình không ai hay biết.

14 tuổi, có lần em bị chảy máu cam, người cậu đưa Hoa đến khám ở trạm y tế xã. Tại đây, bác sĩ thông báo em mang thai ở tuần thứ 22.

Đưa cháu gái đến bệnh viện tỉnh phá thai không được, gã đàn ông chở cháu đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Vị bác sĩ phát hiện có chuyện bất thường đã trình báo công an. Kết quả giám định ADN bào thai cho thấy, cái thai trong bụng Hoa là “sản phẩm” của người cậu.

Khi cơ quan điều tra mời đến làm việc, bé Hoa khai, người cậu bắt đầu “quan hệ” với em từ năm 2014. “Cứ khoảng một tuần, cậu quan hệ với con một lần”, bé Hoa nói. Biết cậu là người chăm sóc và trực tiếp nuôi dưỡng mình, mỗi lần như vậy, cô bé “cắn răng” chịu đựng, không dám chia sẻ cùng ai. Cứ như vậy, suốt 5 năm, cô bé bị cậu ruột xâm hại.

Khi sự việc được đưa ra ánh sáng, người cậu bị xử phạt 12 năm tù vì tội hiếp dâm trẻ em.

Tiếp nhận câu chuyện của Hoa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đã tìm cách đưa em đến nhà tạm lánh ở TP.HCM. Tại đây, em được đi học, nhưng đã hơn một năm trôi qua, Hoa vẫn chưa quên được chuyện buồn của mình.

“Dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, các học viên ở nhà tạm lánh được về với gia đình, nhưng Hoa thì không. Em xin về nhà của một giáo viên. Có lẽ, trong lòng em vẫn còn những vết thương”, luật sư Nữ kể.

Một phiên tòa giả định chuyên đề "Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em". Ảnh: N.N.

Một phiên tòa giả định chuyên đề "Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em". Ảnh: N.N.

6 tháng đầu 2019: 7 trẻ bị xâm hại/ngày

Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 đã phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập, nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác, nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác...

Hậu quả khiến 337 trẻ tử vong do bị xâm hại (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại dẫn đến tử vong), 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật…

Số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2015-2018 tăng nhiều hơn so với giai đoạn 2011-2014. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, tính trung bình cứ 1 ngày, cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả người lạ và người quen biết với trẻ, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi…

Thời gian gần đây tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, thân thích và quen biết với trẻ chiếm tỷ lệ lớn và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 97,29%; Phú Thọ 97%; Cà Mau 95,9% …

Trẻ em bị xâm hại không chỉ xảy ra ở nông thôn, vùng còn khó khăn, mà tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng.

TP.HCM và Hà Nội nằm trong số 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất cả nước.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng trẻ bị chính người thân xâm hại có xu hướng tăng lên. Ảnh: T.A.

“Địa phương nào để xảy ra vụ việc, quy trách nhiệm người đứng đầu”

Vấn đề nhức nhối là tình trạng trẻ bị chính người thân xâm hại có xu hướng tăng lên. Rất nhiều nạn nhân “ngậm đắng nuốt cay” vì sợ “mất mặt” hoặc bị đe dọa nên không tố cáo.

Mới đây, luật sư Nữ tiếp nhận câu chuyện của Linh, 11 tuổi, bị chú ruột hiếp dâm nhiều lần dẫn đến mang thai. Khi cô bé mang thai 31 tuần, gia đình mới phát hiện. Gã đàn ông phủ nhận mọi chuyện. Bà nội em một mực bênh con trai.

Bà ngoại bé Linh đưa đơn cùng kết quả giám định ADN đi tố cáo. Bà nội bé biết chuyện đã làm khó đủ điều, còn nói: “Cháu không có đứa này thì có đứa khác, nhưng con chỉ có một. Chú nó còn thanh niên, tụi bay để cho nó lấy vợ nữa”.

“Câu nói của bà nội bé Linh làm người nghe rất đau lòng. Chính sự kém hiểu biết của nhiều người như vậy làm cho nhiều vụ trẻ bị xâm hại mãi ở trong bóng tối. Kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nạn nhân phải chịu đau đớn”, luật sư Nữ chia sẻ.

Để ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại, luật sư Nữ cho rằng, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn. Nếu cha mẹ chỉ mê làm việc không quan tâm con, việc tuyên truyền xâm hại ở nhà trường, của các tổ chức xã hội cũng như “dã tràng xe cát biển Đông”.

Bà Phan Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) cho rằng, hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào thẩm định nội dụng về công tác tuyên truyền kiến thức và kỹ năng về phòng tránh xâm hại trẻ em.

Mỗi nơi, thường xây dựng kiến thức và kỹ năng riêng nên không đảm bảo được chất lượng. Hơn nữa, việc tuyên truyền này chưa được phụ huynh, cộng đồng hay ngay cả nhà trường quan tâm. “Một cộng đồng có hiểu biết về vấn đề này, chắc chắn kẻ xấu đang sống trong cộng đồng cũng phải cân nhắc kỹ về hành vi của mình đối với trẻ”, bà Hương nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, luật pháp về bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng chưa đủ răn đe. Một số điều luật cần sửa đổi và bổ sung sao cho phù hợp với tính chất của vấn nạn này. “Một kẻ dâm ô trẻ em mà chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng là không đủ sức nặng răn đe”, bà Hương nói.

Bà Hương cho biết, nhiều vụ dâm ô và xâm hại trẻ em đã bị bỏ qua. Có nơi khi biết nạn nhân bị xâm hại là kỳ thị, không thông cảm, chia sẻ và còn đổ lỗi cho nạn nhân. Chính việc này làm những kẻ phạm tội càng lộng hoành và lại tiếp tục có những trẻ khác là nạn nhân.

“Muốn ngăn chặn được tình trạng xâm hại trẻ thì các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cần phải làm nghiêm. Nếu địa phương nào để xảy ra vụ việc thì phải truy trách nhiệm người đứng đầu”, bà Hương nói.

Chín điều nên dạy trẻ khi gặp nguy cơ bị xâm hại hoặc đã là nạn nhân
Dạy trẻ la hét thông minh.
Dạy trẻ chạy đến nơi an toàn và biết cách nói đang gặp nguy hiểm
Dạy trẻ thông báo với cha mẹ, thầy cô, bạn bè… mình đang gặp nguy hiểm.
Dạy trẻ biết tấn công lại kẻ xấu.
Dạy trẻ nói “không” với người lạ.
Không để trẻ đi một mình.
Dạy trẻ kín đáo trong ăn mặc, tâm sự, vệ sinh và thay đồ…
Dạy trẻ không cho ai đụng chạm vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể.
Dạy trẻ không im lặng, hãy lên tiếng khi mình bị xâm hại.
(Theo Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM)

*Tên nạn nhân đã được thay đổi

Tú Anh

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/tre-em-bi-xam-hai-trong-chinh-gia-dinh-minh-n-474491.html