Trẻ em Hà Nội thời vượt qua bom đạn để tới trường

Chiến tranh không thể ngăn cản ước mơ được tới trường của những đứa trẻ sinh ra trong cơn binh lửa.

Một lớp học trong Kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.T.

Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường nói: “Học là khó nhất, học tốt thì cái gì cũng làm được”. Thực sự lúc đó tôi không tin lắm về cái chìa khóa vạn năng của sự học. Sau này lớn lên, đã có sự hiểu biết nhất định, đặc biệt khi đã trưởng thành, tôi mới biết những gì mình nghe được năm xưa từ người lớn là hoàn toàn chính xác.

Thời chúng tôi cắp sách tới trường bắt đầu bằng lớp vỡ lòng, sau đó được học 10 năm phổ thông. Đến bây giờ tôi vẫn còn khá ngạc nhiên, tại sao hồi đó mình lại học trễ những hai năm. Vả lại, đâu chỉ có mình tôi đi học trễ như vậy, mà còn có rất nhiều bạn đồng trang lứa tại tất cả các miền quê. Khi vào học trường chuyên Phan Bội Châu, tôi mới biết lứa tuổi của tôi có lẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong lớp.

Số người đi học đúng tuổi ít hơn rất nhiều. Số người đến trường muộn hơn ba, bốn năm cũng không phải là ít. Có lẽ thời đó vẫn có quy định tuổi đến trường, nhưng chưa phải là bắt buộc khắt khe như bây giờ, nên mấy tuổi đi học cũng được, không ai nói gì. Cho đến năm lớp bốn, năm học cuối cấp một, thầy giáo chủ nhiệm bảo tôi về khai lại giấy khai sinh.

Vì thầy cũng không nói phải giảm bao nhiêu tuổi, nên tôi cũng chỉ khai sút một tuổi. Hôm sau đưa lại thì thầy bảo là chưa được, phải khai kém thêm một tuổi nữa. À như vậy là thầy biết tuổi bắt đầu đi học quy định là bao nhiêu, chứ không hẳn ai muốn thế nào thì được như vậy. Vào lớp vỡ lòng, tôi chưa biết chữ.

Tôi còn nhớ, tôi ngồi ngoài cùng của bàn sát cửa hướng ra sân trường, khi tập viết bằng bút chì, tiết học đó viết chữ C, thay vì viết xuôi thuận chiều, thì tôi lại viết ngược, có chị đứng ngoài chỉ cho tôi phải viết thế nào. Ngày từ những ngày đầu tiên đi học, mà chuyện học hành của tôi đã được mọi người quan tâm giúp đỡ như thế.

Chúng tôi đi học lớp vỡ lòng, tất cả dụng cụ học tập bao gồm một cái bảng nhỏ, một cuốn vở, một cái bút chì, cuối lớp vỡ lòng thay bằng một cái bút lá tre viết mực và vài viên phấn. Lên lớp Một, chúng tôi được trang bị thêm vài cuốn sách mỏng dính, đó là sách toán và văn.

Đến lớp bốn cuối cấp một, chúng tôi có thêm một cuốn sách tham khảo 500 bài tập toán. Sang cấp hai, số sách vở đã nhiều lên vì ngoài hai môn chính văn toán, có thêm một số môn như sinh, sử, địa, lý, hóa, kỹ thuật. Nhưng lượng sách cũng không nhiều, ngoài sách giáo khoa chính, được biên soạn cô đọng, hầu như không có tài liệu tham khảo.

Sang cấp 3, chúng tôi được học trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Các môn học cơ bản vẫn vậy, tuy nhiên chương trình được nâng cao, ngoài sách giáo khoa chính, chỉ có thêm vài cuốn bài tập Toán, Vật lý, Hóa học. Nói là trường chuyên, nhưng chúng tôi cũng chẳng được trang bị thêm sách vở gì.

Tập tản văn Chuyện người chuyện ta của tác giả Trần Đình Chất. Ảnh: T.H.

Nhưng bù lại, chúng tôi có một đội ngũ những thầy cô giáo rất giỏi và quan trọng hơn là hết lòng thương yêu học sinh. Ai cũng giảng dạy tận tình, hết mình, có bao nhiêu kiến thức, sức lực, tâm huyết đều truyền dạy cho chúng tôi, không giữ lại điều gì. Tôi và nhiều học sinh thế hệ đó coi thầy cô là tấm gương, là chuẩn mực, để noi theo.

Ngược lại, tôi cũng nhận được từ những người thầy của mình, tình thương yêu và sự tin tưởng đặc biệt. Sau này khi đang học năm thứ ba, thứ tư gì đó ở nước ngoài, cô em gái của tôi, bị gãy tay, phải vào viện, gặp thầy hiệu trường dạy hồi lớp một, nghĩa là đã hơn mười lăm năm sau, thầy vẫn hỏi thăm tôi. Tôi không nghĩ là sau bấy nhiêu năm, trải qua bao nhiêu biến cố chiến tranh, mà thầy vẫn nhớ tới một cậu học sinh bé nhỏ, thơ dại ngày nào.

Khi chúng tôi đang học phổ thông, chiến tranh ác liệt, vùng của chúng tôi là tuyến lửa, nên phần lớn phải học dưới lũy, các lớp hoàn toàn độc lập và cách xa nhau. Thời đó, trong 11 năm đi học kể cả lớp vỡ lòng, chúng tôi đã phải học mười mấy nơi khác nhau, dưới những lớp học hoàn toàn bằng nhà tranh vách đất hay lũy gắn với hệ thống hầm hào tránh máy bay.

Còn ở nhà ban đêm phải học dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn Hoa Kỳ, đã thế lại phải bỏ vào một cái hộp gỗ, có khoét một lỗ nhỏ, ánh sáng hắt ra chỉ đủ sáng một cuốn sách hay một cuốn vở.

Tất nhiên, đó mới chỉ là sơ qua vài nét liên quan trực tiếp đến điều kiện học tập, còn những chuyện khác cũng gặp những khó khăn; chồng chất ảnh hưởng rất lớn đến việc học hành.

[...]

Trần Đình Chất/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/tre-em-ha-noi-thoi-vuot-qua-bom-dan-de-toi-truong-post1454138.html