Trẻ em vẫn bị bạo hành từng ngày trong gia đình

Nhiều trẻ em vẫn đang bị bạo lực bởi chính những người ruột thịt của mình. Không có kiến thức, thiếu kỹ năng xử lý khiến cho những người thân yêu sẵn sàng bạo lực với chính con, em mình từ lúc nào không hay biết.

Mắng chửi là chuyện bình thường

Mới đây nhất, vụ việc một cô bé T.D (Hà Nội) lên mạng đăng những dòng dài tố cáo anh rể là MC đài truyền hình về việc anh này bạo lực bé kèm với nhiều hình ảnh được cho là vết thương. Sự việc bị đẩy lên tới cao trào khi cư dân mạng vào cuộc soi mói đời tư của những người liên quan. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời tư tâm lý của trẻ em.

Trẻ em lên tiếng mong muốn được sống trong một thế giới không có bạo lực(ảnh chụp tại Diễn đàn Trẻ em năm 2017). Minh Nguyệt

Trước đó, vào đầu tháng 12.2017 vụ việc một bé trai 10 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội bị bố mẹ bạo hành cũng khiến cộng đồng phẫn nộ. Theo lời kể của em bé dù sống với bố đẻ và mẹ kế nhưng em đã bị bạo hành trong suốt 2 năm trời. Em bị bố bắt nghỉ học, bị đánh liên tục, làm công việc của người lớn, phải nhịn đói thường xuyên... Mãi cho tới khi cậu bé tích cóp được 5.000 đồng mới gọi được xe ôm chạy trốn đến nhà ông bà.

Cùng thời điểm đó, vụ việc một bé trai 9 tuổi ở Vân Nội (Hà Nội) cũng đã bị bố chửi bới, bỏ đói, đánh đập nhiều lần bằng dây điện. Mãi sau khi được mẹ phát hiện cậu bé mới được giải thoát và người mẹ nhận bé N về nuôi.

Không riêng gì các vụ việc trên, hàng ngày vẫn có hàng trăm nghìn vụ bạo lực trẻ em trong chính gia đình mà không được phát giác. Năm 2016 một nữ sinh ở Hà Nội đã dùng dao lam cắt tay tự vẫn bởi không thể chịu được sức ép của gia đình khi cô không đậu đại học. May mắn, sự việc được phát hiện sớm, cô bé được đưa đi cấp cứu.

Ngay sau vụ việc đáng tiếc, gia đình đã có chia sẻ với nhân viên tâm lý, bản thân bố mẹ nữ sinh này cho rằng họ chưa hề có bất cứ hành động nào liên quan tới việc chửi bới, đánh đập bé gái. Có thể việc gia đình đặt mục tiêu em đậu vào trường đại học danh tiếng đã khiến em nữ sinh này chịu sức ép rất lớn và khi không đạt được mục tiêu thì cảm thấy xấu hổ, buồn bã và có ý định tự vẫn.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc, bạo lực của bố mẹ, trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% - gấp 6 lần tỷ lệ bị mẹ đánh.

Bạo lực với trẻ em ngày càng tinh vi

Đề cập tới vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình, ông Nguyễn Trọng An – Nguyên Cục phó Cục Trẻ em - chuyên gia trẻ em cho rằng ngày nay bạo lực trong gia đình ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn trước kia.

“Có thể thấy việc trẻ nhỏ bị bạo hành trong gia đình khá đa dạng. Thường trẻ bị bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình cảm. Mỗi loại bạo lực thường để lại những hậu quả khác nhau, gây thương tổn rất nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần” – ông An nói.

Theo ông An, nếu bạo lực không được ngăn chặn thì nguy cơ trẻ sẽ đối mặt với những sang chấn lâu dài. Trẻ bị bạo lực có thể bị trầm cảm, rối loạn hành vi, trở nên nổi loạn, hoặc bi quan tìm tới cái chết để giải thoát. Số khác lại mang tâm lý ám ảnh suốt đời hoặc lớn lên lại trở thành những người gây bạo lực với chính bạn đời và con mình.

Nói về các thể loại bạo lực, ông An cho rằng, thông thường cha mẹ thường nghĩ, đánh con mới là bạo lực, không ai nghĩ rằng quát mắng, hay sao nhãng con cũng là bạo lực. Do vậy nhiều ông bố, bà mẹ, anh chị em, ông bà vô tình gây bạo lực tinh thần, tình cảm cho con mà không hay biết.

“Chính vì vậy, theo tôi để phòng tránh bạo lực từ trong gia đình, những người thân của trẻ cần phải được truyền đạt kỹ năng nhận diện bạo lực, xử lý khi có tình huống căng thẳng trong gia đình dễ dẫn tới bạo lực. Muốn vậy đội ngũ cộng tác viên trẻ em ở địa phương cần phải truyền đạt những kỹ năng này cho cha mẹ các em” – ông An nói.

Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) lấy làm buồn vì thường xuyên phải lắng nghe những câu chuyện bạo lực hay xâm hại trẻ em trong gia đình.

“Theo tôi để không gây bạo lực cho trẻ, người lớn mà trước hết là người thân cần nghiêm túc quán triệt tư tưởng không được sử dụng bạo lực với trẻ em trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù là bạo lực thể chất hay tinh thần. Có rất nhiều phương pháp yêu thương để giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em, làm người giáo dục, chính cha mẹ, người thân cũng phải học tập” – bà Linh góp ý.

Riêng với những trường hợp trẻ em đang ở độ tuổi có những xáo trộn mạnh về tâm sinh lý, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, ở bên cạnh con, xem con như người bạn để lắng nghe chia sẻ với con. Nếu cần thiết có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, tránh việc không thấu hiểu để xảy ra mâu thuẫn và dễ gây nên các tình huống bạo lực trẻ em trong gia đình.

Bà Linh khuyến cáo, bất kỳ ai khi phát hiện hành vi bạo lực, cần báo ngay tổng đài 111 và các tổ chức xã hội, các cơ qua chức năng để trẻ em được hỗ trợ. “Nên nhớ rằng: "Roi vọt không giúp trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng", chúng ta hãy nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương và lan tỏa yêu thương bằng các thực hành, hành vi hàng ngày” – bà Linh nói.

Không chấp nhận lý do vì dạy bảo nên ứng xử bạo lực

Trong một xã hội hiện đại, các gia đình thường không chỉ phải đau đầu về vấn đề làm kinh tế, mà còn đối diện với những khó khăn trong việc dạy con. Nhiều người vì lý do bận công việc mà xao nhãng việc dạy con hoặc thấy con bướng bỉnh thì vội vàng dùng “nắm đấm”. Tất cả những điều này đều chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ. Luật Trẻ em năm 2016 đã có quy định cụ thể với những trường hợp bạo hành đều sẽ bị xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, tôi cũng kiến nghị pháp luật cần xử tăng nặng với những hành vi bố mẹ, người thân bạo hành nghiêm trọng với con, em.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng.

Người lớn thiếu kỹ năng xử lý mâu thuẫn

Ngày nay, vì thiếu kỹ năng giải tỏa, ứng xử nên nhiều người là cha, mẹ, ông, bà, anh chị đã trút giận vào những đứa con vô tội để được… giải tỏa tâm lý. Thậm chí có những người còn xem việc hành hạ người khác là niềm vui... Để ngăn chặn hành vi bạo lực với trẻ em, không còn cách nào khác người thân, bố mẹ trẻ cần có kỹ năng xử lý mâu thuẫn. Cùng với đó, theo tôi, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh hoạt động giám sát, khi cần thiết phải có điều tra độc lập để xác minh vụ việc, bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Ông Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam)

Bạo lực gia đình sẽ ám ảnh trong trí não trẻ

Nhiều nghiên cứu cho thấy hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em thường để lại những tổn hại nghiêm trọng, trong đó có phát triển trí não. Các chuyên gia thần kinh cảnh báo, sự phát triển thùy trước não bộ của những nạn nhân này sẽ bé hơn trẻ sống trong môi trường lành mạnh. Riêng về vụ việc em T.D (Hà Nội) tố anh rể bạo hành, phía Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã gửi công văn yêu cầu can thiệp vụ việc đến Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình đề nghị sớm can thiệp bảo vệ quyền lợi cho nữ sinh trên.

Bà Lê Hồng Loan (Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc)

Tạ Nguyệt (ghi)

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tre-em-van-bi-bao-hanh-tung-ngay-trong-gia-dinh-880563.html