Trẻ em Việt Nam bị bọn buôn người bán qua Anh làm nail

Một cuộc điều tra đã phát hiện tình trạng trẻ em Việt Nam 'biến mất' khỏi các nhà trú ẩn ở Hà Lan, hóa ra các em phải làm nail (thợ sơn, sửa móng tay chân) cho các tiệm nail ở Anh.

Theo báo Observer ngày 30/3, cuộc điều tra khẳng định các tiệm nail ở xứ đảo sương mù sử dụng “nô lệ thời hiện đại”. Và một báo cáo gần đây của tổ chức Mỗi trẻ em được bảo vệ khỏi nạn buôn người (EPCAT) cho biết, có rất nhiều trẻ em Việt Nam được cho là đã bị bán qua Anh. Số nạn nhân Việt Nam đông hơn so với bất kỳ các nước nào có nạn nhân của bọn buôn người.

Anh được cho là điểm đến cuối cùng của đường dây buôn người, vốn bắt đầu từ Việt Nam qua Đông Âu và đến Hà Lan, Pháp. Cảnh sát Hà Lan nói, Anh là một địa chỉ buôn người, vì trẻ bị bán có thể kiếm hàng ngàn bảng Anh/tháng ở các trại trồng cần sa hoặc các tiệm nail.

Các số liệu chính thức của Anh cho biết mỗi năm có hàng trăm trẻ em Việt Nam bị bán đến nước này, dù con số thực có thể còn cao hơn. Người Việt Nam luôn được xếp trong 3 nhóm quốc tịch hàng đầu có nạn nhân bị buôn người qua Anh, theo Cơ chế chuyển giao quốc gia Anh (NRM) nêu.

Từ năm 2009 đến 2018, có tổng cộng 3.187 trẻ em và người lớn Việt Nam được chuyển vào NRM. Đây là một hệ thống thuộc chính phủ Anh, để xem xét liệu một người có phải là nạn nhân của bọn buôn người hay không, từ đó đề xuất những dịch vụ hỗ trợ gồm chăm sóc sức khỏe tới cung cấp nơi ở.

Bọn buôn người phục kích ngoài nhà trú ẩn

Tờ Observer nêu tại một làng nhỏ ở miền bắc Hà Lan, khung cảnh yên bình ngoại trừ các máy quay kiểm soát an ninh bên ngoài cửa một nhà trú ẩn dành cho trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người. Đa số là trẻ em đến từ Việt Nam. Các em sống trong nhà trú ẩn được bảo vệ này, để tránh xa bọn buôn người muốn “giật” các em khỏi Hà Lan và đưa qua Anh.

Nhưng cuộc điều tra của tờ báo Anh và kênh phát thanh Argos Radio (Hà Lan) đã phát hiện trong 5 năm qua, ít nhất 60 trẻ em Việt Nam đã “biến mất” khỏi các nhà trú ẩn. Cảnh sát và quan chức cơ quan di trú Hà Lan nghi các em đã đến Anh và phải làm việc ở các trại trồng cây cần sa và hành nghề nail.

 Hà Lan nghi trẻ em Việt Nam mất tích đã đến Anh làm nghề nail. Ảnh: Guardian

Hà Lan nghi trẻ em Việt Nam mất tích đã đến Anh làm nghề nail. Ảnh: Guardian

Cảnh sát Hà Lan nói nhiều trẻ em Việt Nam bị đưa lén đến hai thành phố Anh là London và Birmingham. Chỉ có một số ít em được xác định nhân thân, còn đa số đều không có giấy tờ. Trong một trường hợp, một thiếu niên 17 tuổi bị bán từ một nhà trú ẩn ở miền nam Hà Lan, phải lao động trong một trại trồng cần sa ở Anh, trước khi em có thể nhờ cảnh sát Anh giải cứu.

Theo đúng qui trình thì khi một người xin tị nạn ở tuổi vị thành niên đến Hà Lan, Cơ quan tiếp nhận người xin tị nạn trung ương (COA) của nước này sẽ cung cấp một nhân viên hỗ trợ trong quá trình xin tị nạn.

Nếu chính quyền Hà Lan nhận định một đứa trẻ có nguy cơ bị buôn người, đứa trẻ sẽ được đưa tới nhà trú ẩn (gọi là Beschermde Opvang). Nhà trú ẩn ở miền bắc Hà Lan do công ty Jade điều hành, còn nhà trú ẩn ở miền nam do Xonar điều hành. Hai công ty này ký hợp đồng làm việc với COA.

Ông Johan van der Have, giám đốc COA, nói dù cơ quan đã nỗ lực bảo vệ trẻ em Việt Nam, nhưng “nhiều em biến mất khỏi nhà trú ẩn. Bọn nhỏ cứ thế mà mất tăm, bất kể chúng tôi làm gì chăng nữa”.

Báo Observer đã được xem các thư điện tử nội bộ của COA và cảnh sát, mô tả chi tiết việc trẻ em Việt Nam tìm cách trốn khỏi nhà trú ẩn: các em thường nghiên cứu bản đồ, mài dao để mở cửa sổ và gây báo động cháy giả. Các báo cáo nêu nhân viên ở các nhà trú ẩn đã nỗ lực ngăn chặn trẻ trốn nhưng hiếm khi đạt thành công.

Sự lo ngại khả năng bọn buôn người tiếp cận được các nhà trú ẩn ngày càng tăng. Bà Victoria, điều phối viên ở nhà trú ẩn ở miền bắc Hà Lan, nói với Observer: bọn buôn người dùng các nhà này như “trạm chọn nô lệ”, nơi mà chúng sẽ lôi kéo trẻ em - nhập cảnh lậu và không có người lớn đi cùng- có thể tạm trú trong thời gian chờ xét cấp quyền tị nạn.

Bà còn nói: “Tôi nhận ra nhà trú ẩn là trạm quá cảnh trên đường qua Anh”, khi bọn buôn người -gồm một số tên thuộc các nước Đông Âu- thường phục kích trong xe đậu bên ngoài chờ đón các trẻ em.

“Chưa có dấu hiệu phạm tội hình sự”

Các phát hiện trong cuộc điều tra đặt câu hỏi nghiêm túc về nỗ lực phòng chống buôn lậu trẻ em của các quốc gia thuộc khối Liên hiệp châu Âu (EU), và phơi rõ sự thất bại của chính quyền Hà Lan và Anh trong việc chăm sóc trẻ em không có người lớn đi kèm hợp pháp.

Nhưng Bộ trưởng An ninh-Tư pháp Hà Lan Mark Harbers nói các cuộc điều tra trước đây về những vụ mất tích không dẫn đến chứng cứ phạm tội hình sự. Ông nói: “Hiện cũng không có thông tin rằng bọn buôn người dính líu sự mất tích của người di cư Việt Nam dưới tuổi thành niên”.

Ông Herman Bolhaar, báo cáo viên quốc gia về tình trạng buôn người của Hà Lan, nói đây là một vấn nạn quốc tế, đòi hỏi cuộc điều tra cấp quốc tế: “Tầm cỡ vụ việc quá lớn, và đó là một vấn nạn đáng lo ngại. Chúng tôi không thể biết chắc nơi các em này đang ở. Một cuộc điều tra sâu là điều rất cần”.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Hà Lan nói: “Nạn nô lệ thời hiện đại là một tội ác ghê tởm mà chính phủ cam kết dập tắt. Tất cả các sĩ quan Lực lượng Biên phòng đều được đào tạo về cách xác định và đối xử với các nạn nhân trẻ em tiềm năng của nạn nô lệ hiện đại và buôn người cũng như những người tìm cách bóc lột sức lao động của trẻ em”.

Bộ Nội vụ Hà Lan còn cho biết có mạng lưới các đội Bảo vệ chống nô lệ hiện đại (SAMS) ở tất cả các vùng: “Lực lượng này được huấn luyện bài bản để bảo vệ trẻ em, các nạn nhân tiềm năng của tình trạng nô lệ thời hiện đại, và xử lý vấn đề này rất hiệu quả”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tre-em-viet-nam-bi-bon-buon-nguoi-ban-qua-anh-lam-nail-160875.html