Trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được nghỉ học 7 - 10 ngày

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn TP đã ghi nhận 624 ca mắc tay chân miệng, tăng 178 ca (hơn 25%) so với cùng kỳ năm 2021. Ca bệnh có xu hướng tăng trong 2 - 3 tuần gần đây, trung bình ghi nhận 150 - 170 ca mắc mới/tuần.

Bệnh tay chân miệng do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm vi rút gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và lúc giao mùa.

Bệnh có thể kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình là loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 - 5 ngày của bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Theo CDC Hà Nội, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, thành phố tiếp tục tăng cường các đội đáp ứng nhanh phòng dịch; đồng thời, duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, đáp ứng với diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Chăm sóc cho bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi trung ương.

TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) lưu ý, bệnh tay chân miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng phụ huynh hoàn toàn có thể phát hiện trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao; sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng); tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Với trẻ mắc bệnh nhẹ, cần cách ly trẻ bệnh tại nhà. Trong 7 - 10 ngày đầu của bệnh, trẻ không đến nhà trẻ, trường học, sân chơi tập trung…

Bích Thảo

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/tre-mac-benh-tay-chan-mieng-can-duoc-nghi-hoc-7---10-ngay-d201707.html