Trẻ mắc tăng động giảm chú ý: Gánh nặng đường dài

Theo các chuyên gia y tế, tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Quá trình điều trị chứng ADHD cho trẻ là 'gánh nặng' cả về kinh tế lẫn chăm sóc cho gia đình và xã hội. Đáng lo ngại, nhiều gia đình thường bỏ dở quá trình điều trị cho con, khiến bệnh nặng thêm và việc điều trị trở lên khó khăn tốn kém.

Gia tăng trẻ bị ADHD

Ths.BS Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo sổ tay thống kê các rối loạn tâm thần, tỉ lệ trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm từ 3-7%. Tại Mỹ, ước tính từ 5-9% trẻ em trong độ tuổi từ 5-12 tuổi mắc ADHD, tỉ lệ này tương tự với tỉ lệ trẻ mắc ADHD ở nhiều nước thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu.Bác sĩ Thiện lý giải, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây nên ADHD như: Di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường…

Theo các chuyên gia y tế, chứng ADHD là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các yếu tố nguy cơ có thể biểu hiện từ rất sớm ngay từ những tuần đầu, tháng đầu khi bé nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, hay khóc, rối loạn giấc ngủ.

Ths.BS Lê Công Thiện đang lắng nghe bố bệnh nhân mắc rối loạn tăng động giảm chú ý nói về các biểu hiện của bé sau điều trị.

Ths.BS Lê Công Thiện đang lắng nghe bố bệnh nhân mắc rối loạn tăng động giảm chú ý nói về các biểu hiện của bé sau điều trị.

Tuy nhiên, các biểu hiện này của trẻ có thể do các nguyên nhân khác như trẻ đói, trẻ bị nóng lạnh… Lớn hơn một chút, khi bắt đầu biết đi các biểu hiện này rõ dần hơn như: Vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; trẻ hay bị kích thích bởi các yếu tố tác động bên ngoài, có khuynh hướng chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác nhưng không hoàn thành việc nào.

Đơn cử, theo lời các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhi bị tăng động đến mức không giúp việc nào “chịu đựng được”. Gia đình cháu thuê rất nhiều giúp việc nhưng rồi ai cũng chỉ được vài ngày là xin nghỉ. Chỉ vì không thể chịu được cậu bé quá nghịch. Cháu có thể cầm vật cứng đập vào đầu giúp việc, thậm chí có lúc bác giúp việc ngủ vạch quần đái luôn vào mặt…Sau đó bố mẹ cháu bé đã phải đưa con nhập viện thăm khám. Tại Viện các bác sĩ đã hội chẩn và xác định cháu mắc chứng ADHD. Sau nhiều năm điều trị bằng thuốc và can thiệp hành vi, hiện cháu đã đi học và đi làm được.

Cũng theo bác sĩ Thiện, độ tuổi đi khám xác định chính xác nhất chứng rối loạn này là khi trẻ lên 6 tuổi. Và kíp khám phải có cả bác sĩ lẫn chuyên gia tâm lý. Với việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện, phục hồi chức năng cho trẻ bị tăng động, giảm chú ý. “Đáng lo ngại, quá trình điều trị chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý theo mô hình bệnh mạn tính không lây, tức là điều trị lâu dài, có khi cả đời. Tuy nhiên, người Việt Nam đã quen với mô hình điều trị bệnh lý lây nhiễm nên cứ thấy triệu chứng ổn định rồi là bỏ điều trị”, bác sĩ Thiện phân tích.

Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Trung K (Hoàng Mai, Hà Nội), từng phát hiện và điều trị ADHD từ 16 năm trước.“Cháu đến gặp tôi khi mới 8 tuổi với đầy đủ biểu hiện của một trẻ bị tăng động giảm chú ý. Sau hai năm với hai lần đổi thuốc, cháu đã có tiến triển rõ rệt, tập trung hơn, kết quả học tập cũng khả quan rất nhiều. Gia đình thấy cháu đỡ, ngỡ khỏi bệnh nên ngưng điều trị. Chỉ thời gian sau, cháu lại tái phát. Sau lần đó, gia đình rút kinh nghiệm, duy trì đều đặn việc điều trị cho đến tận bây giờ.Hiện cháu học tốt, bố mẹ có dự định cho cháu đi du học. “Như vậy, điều trị ở đây không có nghĩa phải uống thuốc mà là sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị, càng dài càng tốt”, bác sĩ Thiện nhấn mạnh.

Nguy cơ mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác

Các bác sĩ cũng cho biết thêm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ. Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán ADHD tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kì thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ bị ADHD có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong việc cải thiện, hồi phục chức năng cho các trẻ bị ADHD.

Hiện chi phí điều trị cho bệnh nhân điều trị tăng động giảm chú ý chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, điều này trở thành gánh nặng của không ít gia đình không may có con mắc tăng động, giảm chú ý. TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một viên thuốc đặc trị ADHD Concerta có giá 50.000 – 60.000 đồng/viên. Mỗi bệnh nhân dùng mỗi ngày ít nhất 1 viên, có trường hợp 2 viên. Như vậy, trung bình mỗi tháng gia đình đã phải chi trả 1,8 triệu đồng cho một loại thuốc này. Trong khi đó, gia đình có trẻ tăng động, giảm chú ý sẽ phải bỏ nhiều công sức chăm sóc con…

“Việc điều trị cho trẻ ADHD kéo dài, nên đây thực sự là gánh nặng đối với những gia đình có con mắc chứng bệnh này, nhất là với những gia đình làm công ăn lương, gia đình không có thu nhập. Vì thế, tôi rất mong bệnh nhân ADHD được hưởng bảo hiểm y tế”, TS Doãn Phương kiến nghị.

Các bác sĩ Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện của ADHD, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở khám chuyên khoa Tâm thần Nhi để được khám, đánh giá chính xác, toàn diện và được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả.Và điểm mấu chốt trong điều trị chứng ADHD ở trẻ em nằm ở sự quan tâm và kiên nhẫn của cha mẹ bởi các triệu chứng cần cải thiện từ từ, không thể tiến bộ trong ngày một ngày hai. Mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt. Do đó, phương pháp can thiệp cho từng trẻ cũng sẽ khác nhau.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tre-mac-tang-dong-giam-chu-y-ganh-nang-duong-dai-90964.html