Trẻ mới ốm dậy nên ăn gì để lấy lại sức khỏe?

Các bé sau khi ốm dậy thường bị sút cân, cơ thể yếu ớt và biếng ăn. Trên thực tế, trẻ vừa mới trải qua một thời kỳ khó khăn, mệt mỏi.

Con gái tôi 3 tuổi, cháu rất hay ốm và mỗi lần như thế cháu lại sút cân (vì chẳng chịu ăn uống gì cả, mặc dù tôi luôn thay đổi món ăn cho bé). Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc bé khi ốm để không bị sút cân và suy dinh dưỡng.

Phạm Thúy Hằng (thuyhang@gmail.com)

Các bé sau khi ốm dậy thường bị sút cân, cơ thể yếu ớt và biếng ăn. Trên thực tế, trẻ vừa mới trải qua một thời kỳ khó khăn, mệt mỏi vì phải chống đỡ lại bệnh tật. Cơ thể bé còn yếu và mọi cơ quan, chức năng, tất nhiên không loại trừ cả hệ tiêu hóa của trẻ cũng còn đang rất mệt mỏi và ít hoạt động. Trẻ lúc này thường không có cảm giác thèm ăn, ngại ăn những loại thực phẩm rắn và lười tiêu hóa.

Vì vậy, các mẹ hãy tạm thời không nên cho bé ăn quá nhiều đồ ăn bổ dưỡng và khó tiêu hóa. Có thể cho bé ăn những thức ăn bổ dưỡng dạng lỏng như bột hoặc cháo tùy theo độ tuổi của bé. Thay vì ép trẻ ăn nhiều trong mỗi bữa, mẹ hãy cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày và số lượng cho từng bữa ít đi. Mỗi bữa ăn cho trẻ cần giàu chất dinh dưỡng hơn và mẹ nên nấu loãng cho bé dễ ăn. Khi trẻ ốm sốt, hay sau khi ốm dậy cơ thể thường mệt mỏi, mất hoặc thiếu nước. Vì thế bạn cần cho bé uống nhiều nước.

Trẻ bị tiêu chảy nên tránh cho ăn những thức ăn có chứa nhiều đường, nước ngọt có ga vì có thể làm cho tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Ngoài ra, cần tránh các thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô, đỗ gây khó tiêu cho trẻ. Nếu trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, bị sổ mũi cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để trẻ có thể bú mẹ và ăn uống bình thường.

Theo BS.Phạm Minh Nguyệt/SKĐS

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/me-be/tre-moi-om-day-nen-an-gi-de-lay-lai-suc-khoe-752959.html