Trẻ sặc cháo, sữa chớ coi thường

Hóc - sặc là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ trong khi ăn.

Xử lý chậm, nguy cơ tử vong cao

Ngày 13/10, khoa Hồi sức Cấp cứu - BV Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé Ngô Tuấn T. (7 tháng tuổi), thường trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng ho, khó thở, suy hô hấp, tím tái, phải thở oxy, co kéo cơ hô hấp rất nhiều, tiên lượng rất nặng…

Trẻ bị sặc cháo nặng cần cấp cứu kịp thời

Người nhà của bé cho biết, trong lúc cho bé ăn bột, bất ngờ trẻ bị ho, cháo phun lên mũi. Thấy cháu bị sặc, người nhà liền bế ngửa cháu lên mà quên không vỗ nên bé càng ho dữ dội, người tím đi. Hoảng sợ, người nhà liền mang bé đến Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên. Tại đây bé được xử trí cấp cứu ban đầu rồi chuyển thẳng tới BV Sản nhi Quảng Ninh.

Kết quả nội soi phế quản ghi nhận trong phổi của bệnh nhân chứa rất nhiều dịch lẫn bột thức ăn màu trắng mà bệnh nhân đã hít vào. Sau khi xác định được nguyên nhân suy hô hấp ở trẻ, qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi hít do sặc bột và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu cho bé. Kíp nội soi diễn ra trong khoảng gần 1h đồng hồ, các bác sĩ tiến hành bơm rửa, hút sạch dịch lẫn bột trắng tại hạ họng, thanh quản, khí quản và phế quản cho bé. Hiện tại sức khỏe toàn trạng bệnh nhân ổn định, tình trạng khó thở của bé đã giảm đáng kể.

Các bác sĩ cho biết, trường hợp bé Ngô Tuấn T. bị tắc đường thở do sặc bột, rất may được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên nhanh chóng cung cấp oxy cho não, não không bị thiếu oxy quá lâu. Nếu đến bệnh viện chậm, thiếu oxy lâu sẽ để lại di chứng ở não, rất khó hồi phục hoàn toàn, nguy cơ tử vong ở trẻ rất cao.

Cực kỳ nguy hiểm

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, hóc - sặc là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ trong khi ăn. Vì khi thức ăn vào đường thở sẽ kích thích gây co thắt thanh khí phế quản, mặt khác dịch dạ dày đi cùng thức ăn là dịch có tính a-xít mạnh, sẽ gây tổn thương phế quản và nhu mô phổi. Nếu cha mẹ không biết cách và không kịp xử lý trong vòng từ 5 đến 10 phút thì tính mạng trẻ sẽ bị đe dọa.

Do đó, TS Dũng khuyến cáo, khi cho trẻ bú, cha mẹ cần quan sát con thật kỹ, động tác mút sữa và nuốt xuống một cách nhịp nhàng. Con nuốt xong thức ăn lại bú tiếp, hạn chế bé bú liên tiếp rất dễ bị sặc. Sau khi bú xong, cha mẹ hoặc người trông trẻ cần bế bé lên vai, giúp bé ợ hơi, vỗ lưng nhẹ tránh gây sặc sau khi ăn.

“Khi bé ăn cháo, không nên ép bé ăn nhiều, không cho bé ăn khi đang chơi đùa, nói chuyện, chạy nhảy. Khi trẻ bị sặc sữa nhưng trẻ còn hồng hào, khóc được cố gắng giữa trẻ yên nên đặt ở tư thế ngồi thở. Nếu bé nhỏ, mẹ bồng giữ yên trẻ. Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn. Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ). Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra”, PGS. Dũng nói.

PGS. Dũng nhấn mạnh, nếu trẻ tím tái kéo dài, không khóc hoặc có thể ngưng thở cần nhanh chóng gọi cấp cứu và trong khi chờ cấp cứu, cần làm nhanh thủ thuật “vỗ lưng ấn ngực” liên tục cho đến bé hồng hào trở lại. Cha mẹ kiểm tra xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.

Dấu hiệu cơ bản để bố mẹ có thể nhanh chóng nhận ra con mình đang bị hóc - sặc đó là: Khi trẻ đang bú, đang ăn, thậm chí đang chơi đùa đột ngột bé ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ. Trường hợp nặng nhất, bé có thể xuất hiện những cơn ngừng thở và tử vong ngay lúc đó. Đối với trường hợp bị hóc - sặc nhẹ hơn thì trẻ có thể trở lại bình thường nhưng sau đó trẻ dễ bị viêm phế quản, tái phát nhiều lần.

Huyền Anh

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tre-sac-chao-sua-cho-coi-thuong-post204835.html