Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng thường do nước ối hoặc nhiễm khuẩn từ mẹ và đều có diễn biến nặng lên nhanh chóng, khó lường cũng như có nguy cơ tử vong khá cao.

Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh là tình trạng nguy hiểm và có diễn biến khá phức tạp. Chính vì thế, việc phòng ngừa nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh là việc làm rất quan trọng đối với các thai phụ ngay từ khi mang thai đến quá trình sinh nở, nuôi dưỡng,...

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng

Trong thời gian mang thai, túi ối rất quan trọng với thai nhi vì nó không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn bảo vệ thai nhi tránh khỏi các nguy cơ nhiễm bệnh từ bên ngoài. Nếu mẹ bầu bị vỡ ối, vi khuẩn sẽ từ đường sinh dục xâm nhập vào dịch ối, gây viêm màng ối, nhiễm khuẩn thai nhi.

Trong trường hợp mẹ bầu để khó thì dịch ối cũng có thể lẫn với phân su, thai nhi hít phải dịch ối này thì sẽ bị nhiễm khuẩn.

Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh là tình trạng nguy hiểm và có diễn biến khá phức tạp. Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn còn có thể do xoắn khuẩn, khuẩn listeria, virus, nấm candida. Theo đó, vi khuẩn sẽ di chuyển qua rau thai hoặc đường máu của mẹ truyền sang cho thai nhi trong thai kỳ. Đồng thời, có thể lây cho trẻ qua đường âm đạo khi bé chào đời.

Bên cạnh đó, nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh còn do lây truyền qua những môi trường nhiễm bẩn, gián tiếp qua kim, catheter, thông dạ dày, không rửa tay khi tiếp xúc với bệnh nhân. Không chỉ vậy, còn có thể lây truyền khi nằm viện lâu, ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân.

Một số biến chứng nguy hiểm khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng

Thông thường, trẻ bị nhiễm trùng sẽ thường mắc các bệnh như viêm phổi, viêm màng não hay nhiễm trùng huyết. Lúc này, trẻ sẽ có các dấu hiệu là: Ngủ li bì, ít cử động hơn bình thường, bỏ bú, cổ cứng, nôn trớ, co giật, chướng bụng, co rút lồng ngực, sốt, hạ thân nhiệt, tím tái, nổi vân tím, thở nhanh, chảy mủ tai...

Cách phòng tránh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh

Cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng. Ảnh minh họa: Internet

Đầu tiên, trước khi sinh, thai phụ cần thường xuyên đi thăm khám định kỳ và thử máu nhằm phát hiện ra các bệnh như giang mai, HIV, viêm gan B để có hướng phòng ngừa và điều trị sớm.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần tiêm chủng Rubella, uốn ván sớm, đồng cần điều trị dứt điểm các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu sinh dục nếu bị. Không chỉ vậy, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ bầu, cũng như giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể. Khi nước ối bị vỡ sớm thì nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Trong khi sinh, cần bảo đảm sinh trong điều kiện vô trùng và tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ y tế. Đồng thời, cần tránh các biến chứng như sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con. Bên cạnh đó, sau khi sinh thì cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

Đặc biệt quan tâm đến chăm sóc, vệ sinh da, rốn và mắt của trẻ. Phòng của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng, ấm, đầy đủ ánh sáng và nên cho trẻ bú mẹ để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh nhiễm trùng.

Bảo Bình (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/tre-so-sinh-bi-nhiem-trung-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-c21a299961.html