Trẻ tử vong, biến chứng não vì hóc dị vật

Tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), từ tháng 9/2017 đến nay, tiếp nhận 17 ca hóc dị vật. Trong đó, có 1 ca tử vong.

BS Lại Lê Hưng - Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, cách đây ít ngày, bé N.N.A. (7 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng ho có đờm.

Qua quá trình thăm khám và chụp CT, các BS phát hiện có dị vật ở dưới thùy phổi phải bệnh nhi. Sau khi nội soi phế quản để giải cứu bé A., các BS đã gắp được dị vật là ngòi bút chì dạng lắp ghép trong người bé. Theo lời kể của gia đình, bé có thói quen hay cắn bút khi ngồi học.

Theo BS Hưng, bé may mắn được phát hiện kịp thời, nếu không sẽ bị viêm phổi kéo dài vì carbon trong đầu bút chì có thể gây kích thích tạo đờm nhớt, mủ nhiều hơn, gây viêm phổi nặng, hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết.

Một số dị vật được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhi tại Khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2.

Trong năm qua, tại Khoa Hô hấp 1 cũng đã tiếp nhận một bé 2 tuổi bị di chứng não do thiếu oxy kéo dài vì hóc cục đồ chơi treo trên xe tập đi được đưa vào bệnh viện khá trễ. Một trường hợp khác, bệnh nhân tử vong do hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích, biến chứng viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết.

Một trường hợp đau lòng khác là bệnh nhân tử vong do hóc cọng kẽm quấn quanh đầu cây xúc xích, biến chứng viêm phổi kéo dài, nhiễm trùng huyết.

Trước đó chưa lâu, tại TP.HCM, một tai nạn đau lòng xảy ra với bé gái 11 tuổi do uống trà sữa có hạt trân châu. Sự việc xảy ra khi hai mẹ con cùng làm món trà sữa trân châu tại nhà. Lúc uống, bé hút mạnh hạt trân châu kẹt trong ống nên hạt đã bay thẳng vào họng, làm tắc đường thở. Thấy con gái bị nghẹn, người mẹ là bác sĩ đã cấp cứu cho con, kể cả dùng thủ thuật Heimlich (sơ cứu mắc dị vật đường thở), tuy nhiên, tất cả đều không có tác dụng. Khi đưa tới bệnh viện, bé đã tử vong.

Qua các trường hợp trên, BS Hưng nhấn mạnh: “Hóc dị vật là một tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng và phải được xử trí cấp cứu".

Các BS khuyến cáo phụ huynh:

- Không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như kẹo cứng, đậu phộng, nho, sơ ri, các loại hạt... Trong đó hạt đậu phộng hay gặp nhất và kẹo cứng có thể gây tử vong.

- Trẻ nhỏ nên được ngồi thẳng khi ăn, tất cả các bữa ăn của trẻ phải được giám sát bởi người lớn. Trẻ nên được dạy cách nhai thức ăn kỹ, tránh việc la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc trong khi ăn.

- Những thuốc nhai chỉ được sử dụng cho trẻ trên 3 tuổi, khi trẻ đã nhai tốt.

- Không được trao đồng xu và các vật nhỏ cho trẻ nhỏ. Không cho trẻ sử dụng miệng để giữ các đồ dùng học tập hoặc các vật nhỏ.

- Để các đồ chơi có bộ phận nhỏ và đồ gia dụng nhỏ ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Nhận thức được hành động của trẻ lớn vì chúng có thể đưa những đồ vật nhỏ cho em.

- Phụ huynh, giáo viên, những người chăm sóc trẻ nên tham gia các khóa học cơ bản về sơ cứu cho trẻ.

- Thực hiện các khuyến cáo về độ tuổi trên gói đồ chơi của trẻ.

Chí Tâm

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/tre-tu-vong-bien-chung-nao-vi-hoc-di-vat-278712.html