Trẻ uống trà sữa như thế nào để không bị tắc đường thở?

Sự việc một bé gái 11 tuổi ở TP.HCM uống trà sữa bị hạt trân châu chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở, khiến bé tử vong đang gây hoàng mang, lo lắng cho rất nhiều phụ huynh, vì món trà sữa trân châu đang là khoái khẩu của rất nhiều trẻ em hiện nay.

Theo các chuyên gia, nếu hạt trân châu trong trà sữa làm tắc hoàn toàn đường thở thì chỉ trong vòng 4 phút bệnh nhân đã bị chết não - Ảnh: minh họa

Theo người nhà của bé gái này, bé sử dụng món trà sữa do gia đình chế biến. Khi đang uống trà sữa, hạt trân châu bỗng dưng mắc kẹt vào ống hút, bé gái liền hút mạnh khiến hạt trân châu chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở, khiến bé không thở được, tím tái và tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.

Phân tích về tình huống trên, các chuyên gia cho rằng việc trẻ em hút mạnh hạt trân châu trong trà sữa như thế là rất nguy hiểm, vì hạt trân châu có kích thước bằng, thậm chí lớn hơn đường kính khí quản của trẻ. Khi đó, hạt trân châu sẽ chui vào thanh môn, gây co thắt thanh môn rồi vào khí quản gây tắc hoàn toàn đường thở khiến trẻ tím tái, ngưng tim, ngưng thở và tử vong, nếu không tống được dị vật đó ra kịp thời.

Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) thường đường kính khí quản của những cháu bé từ 5 tuổi đến 10 tuổi chỉ khoảng 7mm đến 8mm. Với kích thước đường kính trên, khi hạt trân châu được hút mạnh vào sẽ bay thẳng qua thanh môn, chụi tọt vào đường thở và mắc kẹt tại đây, gây nên tình trạng tắc đường thở dẫn đến tử vong.

Phân tích của bác sĩ Minh cho thấy thường trẻ uống trà sữa hay hút mạnh hạt trân châu vào lúc gần hết trà sữa hoặc hạt trân châu mắc kẹt vào ống hút như trường hợp của bé gái trên. Do đó để hút hạt trân châu trong trường hợp trên mà không chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở, bác sĩ Minh cho biết thay vì hút ở giữa họng nên hút một bên má.

“Trong trường hợp này, các bé nên để ống hút một bên má và dùng lực hút một bên, khi đó hạt trân châu bắn vào một bên thành họng, không chui tọt vào khí quản gây tắc đường thở dẫn đến tử vong. Tuy nhiên cách tốt nhất là các bé nên lấy muỗng để múc hạt trân châu ra ăn, còn khi hạt trân châu mắc vào trong ống hút thì nên thổi ra ngoài”, bác sĩ Minh cho biết.

Cũng theo bác sĩ Minh, đối với người lớn, nếu hạt trân châu có chui vào trong khí quản cũng không làm tắc hoàn toàn đường thở, vì đường kính khí quản của người trưởng thành khá lớn. Thông thường đường kính khí quản của người trưởng thành từ 12 mm đến 18mm, tùy theo trong lượng cơ thể của từng người. Với kích thước trên, nếu lỡ có hút mạnh hạt trân châu chui tọt vào trong khí quản cũng không gây tắc đường thở hoàn toàn nên có thời gian để đưa đến bệnh viện xử lý lấy dị vật ra ngoài.

“Trong trường hợp dị vật gây tắc hoàn toàn đường thở chỉ trong vòng 4 phút, nếu không đẩy được dị vật ra ngoài thì bệnh nhân sẽ chết não và tử vong. Như vậy, trường hợp của bé gái 11 tuổi trên có khả năng hạt trân châu đã làm tắc hoàn toàn đường thở nhưng gia đình không xử lý được để tống dị vật đó ra ngoài, khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ dẫn đến tử vong”, bác sĩ Minh nhận định.

Để có thể xử lý trường hợp bệnh nhân bị hóc hạt trân châu gây bít đường thở hoàn toàn theo bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) người nhà cần dùng các thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực hoặc heimlich với mục đích làm tăng áp lực trong đường thở một cách đột ngột tống dị vật ra ngoài.

Nếu 2 cách làm trên có hiệu quả, dị vật sẽ bị tống ra ngoài, trẻ trở lại bình thường. Còn nếu không có tác dụng, trẻ sẽ bị ngưng tim, ngưng thở, lúc này phải hồi sức tim phổi.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/tre-uong-tra-sua-nhu-the-nao-de-khong-bi-tac-duong-tho-94203.html